Người phụ nữ dám sống hết mình cho tình yêu và khát vọng

Tư tưởng lỗi lạc, khả năng hùng biện sắc sảo và đấu tranh cho bình đẳng giới của Rosa Luxemburg đã được hình thành bởi sự tự học, tự đọc ngay từ những năm tháng tuổi thơ.

“Sinh ra trên đất Ba Lan / Mất đi trong nước Đức / Sống cho cả nhân gian / Thế giới là Tổ quốc”. Đó là những câu thơ đồng tác giả Trần Minh Tuấn viết trong cuốn sách của mình khi khái quát về thân thế và sự nghiệp của Rosa Luxemburg.

Hay như Hà Khuất - BookTuber được nhiều người biết - nói: “Một bông hồng đẹp không chỉ có những cánh nhung mà còn mang nhiều gai góc. Rosa Luxemburg (1871-1919) là một bông hồng như thế, người phụ nữ dám sống hết mình cho tình yêu và khát vọng”.

Từ ý kiến này, các diễn giả là nhà nghiên cứu lịch sử, triết học và ngôn ngữ học đã đưa ra thảo luận về chân dung, cuộc đời Rosa Luxemburg cũng như cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg (nhóm tác giả "Việt sử kiêu hùng").

Buổi tọa đàm diễn ra hôm 23/5 tại Đại học Hà Nội. Sự kiện do Văn phòng đại diện Quỹ Rosa Luxemburg - Khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Khoa Tiếng Đức (Đại học Hà Nội) phối hợp tổ chức.

 Hình tượng Rosa Luxemburg trong bộ phim Rosa Luxemburg do diễn viên Barbara Sukowa thủ vai. Ảnh: Hyde Park Picture House.

Hình tượng Rosa Luxemburg trong bộ phim Rosa Luxemburg do diễn viên Barbara Sukowa thủ vai. Ảnh: Hyde Park Picture House.

Vươn lên nhờ tinh thần tự học

Ngay từ nhỏ, Rosa Luxemburg phải chịu nhiều nghịch cảnh, từ bệnh tật, bị phân biệt đối xử suốt thời gian đi học vì nguồn gốc gia đình, đến chặng đường làm cách mạng gian nan.

Nhưng những trở ngại đó không khiến bà chùn bước. Bằng con đường học tập miệt mài và các hoạt động thực tiễn, diễn thuyết tại nhiều vùng nông thôn, nhà máy, bà vươn lên trở thành một trong những biểu tượng cho sức mạnh nữ quyền của phương Tây.

Theo nhóm tác giả, gia đình Rosa “nghèo về vật chất nhưng lại giàu có về trí tuệ và tình yêu thương”. Họ tin rằng con người có thể thay đổi số phận bằng sự học, đặc biệt là việc đọc sách.

Chia sẻ về điều này, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - nói bà “ấn tượng với tinh thần tự học, tự đọc để phát triển tư tưởng cá nhân của Rosa Luxemburg”.

Khi phát hiện mình mắc chứng bệnh lao xương hông lúc 5 tuổi, Rosa phải nghỉ học tạm thời. Cha mẹ Rosa là người coi trọng việc đọc và giáo dục cho con thói quen đọc ngay từ nhỏ. Được truyền tình yêu sách, trong thời gian học ở nhà, Rosa đã đọc rất nhiều, kể cả những cuốn sách khó.

“Tuy sức khỏe yếu, cô bé Rosa khi ấy lại luôn có thành tích học tập dẫn đầu lớp. Tinh thần tự học còn khiến Rosa nghĩ rằng con đường tốt nhất để thoát khỏi định kiến là đi du học”, bà Phượng chia sẻ.

Trong thế kỷ 19, phụ nữ phải tuân theo nhiều chuẩn mực, lề thói, nhưng Rosa sẵn sàng từ bỏ những quan niệm đó để đi du học tại Thụy Sĩ năm 18 tuổi. Khi 26 tuổi, bà trở thành nữ tiến sĩ nghiên cứu kinh tế học, từ đó, tham gia vào các hoạt động cách mạng.

Cuốn tiểu thuyết về cuộc đời bà Rosa Luxemburg. Ảnh: Thu Huệ.

Biểu tượng của sự bất tử

Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg viết về những cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Rosa Luxemburg. Tác phẩm đi sâu vào nội tâm nhân vật, cho người đọc thấy được hình tượng Rosa Luxemburg dù cô độc, bị bạn bè và thầy cô xa lánh, vẫn vươn lên như “bông hồng bất tử”, không dễ bị đốn gục giữa phong ba bão táp.

TS Nguyễn Duy Nhiên - Trưởng khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội - đánh giá Rosa Luxemburg sở hữu luồng tư duy đa chiều. Câu chuyện về cuộc đời bà để lại cho độc giả hôm nay nhiều bài học về niềm tin, nghị lực vượt khó, ý chí vươn lên và chiến thắng số phận.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương - nhà nghiên cứu giáo dục và lịch sử - cho rằng một trong những yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến tư duy của người phụ nữ này là bối cảnh lịch sử, xã hội lúc bấy giờ.

“Bà sống trong thời điểm thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai và đầy rẫy sự bất bình đẳng về quyền con người. Rosa Luxemburg là phụ nữ, song lại rất quan tâm đến học vấn và quyền tự do ngôn luận. Từ tiến sĩ trong một ‘tháp ngà khoa học’, bà đi vào đời sống của công nhân và người dân lao động để tiến hành cuộc đấu tranh ngôn luận của mình”, ông Vương cho hay.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Quỹ Rosa Luxemburg.

Là đạo diễn và nhà sản xuất của một số bộ phim về phụ nữ với những lo lắng quẩn quanh cơm, áo, gạo, tiền, khi tiếp cận Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg, bà Nguyễn Hoàng Điệp nhận thấy đây là một hình tượng phái yếu đã biết mạnh mẽ đứng lên, đấu tranh cho quyền bình đẳng giới.

Theo nữ đạo diễn, nhóm tác giả “Việt Sử kiêu hùng” đã đặt nhân vật nữ ở vị trí tượng đài để xây dựng nên thế giới mà nữ chính có cơ hội cất cao và tỏa sáng.

“Cuộc đời Rosa đa sắc màu như một đóa hồng. Tư tưởng của bà đi từ những quyền căn bản nhưng lại mang tính chất giáo dục khai phóng vượt mọi thời đại. Bà đã sống và chết với lý tưởng của mình”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ.

Trong lời giới thiệu sách, ông Philip Degenhardt - Trưởng Văn phòng đại diện Quỹ Rosa Luxemburg - Khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội - viết: “Rosa Luxemburg có được bằng tiến sĩ vào thời điểm mà phụ nữ hiếm khi học tới đại học. Hơn nữa, bà cũng là một trong số ít nữ giới tích cực hoạt động chính trị. Một đặc trưng của thời kỳ này là định kiến chống lại việc phụ nữ theo đuổi sự nghiệp bên ngoài gian bếp”.

Đặc biệt, Rosa Luxemburg còn biết đấu tranh và vượt lên sự chỉ trích của dư luận. Bà sẵn sàng cắt tóc ngắn, mặc quần áo thoải mái, từ chối những sự bó buộc mà phụ nữ thời đó phải cam chịu. Bà cho rằng “nếu một người chỉ quan tâm tới bà vì mái tóc này mà không phải vì những thứ bên dưới mái tóc đó, là trí tuệ và tư duy, thì người đó không đáng để bà mất thời gian”.

Thu Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-phu-nu-dam-song-het-minh-cho-tinh-yeu-va-khat-vong-post1320029.html