Người phụ nữ đam mê với công tác nghiên cứu

PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên- thành viên Hiệp hội giống cây trồng quốc gia và quốc tế được biết đến là một phụ nữ luôn dành tình yêu thương, gắn bó với cây lâm sản và cây dược liệu quý.

Trong suốt thời gian công tác, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã ghi dấu ấn đậm nét đối với ngành lâm nghiệp, trồng rừng ở Việt Nam như: Nghiên cứu chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh cây lâm nghiệp; nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu; ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào nghiên cứu lai tạo, nhân giống phục vụ bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý bản địa; nghiên cứu về chính sách lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững…

PGS.TS Trần Thị Thu Hà là thành viên của Hiệp hội giống cây trồng quốc gia và quốc tế; từng có 15 năm làm việc với Trung tâm giống cây rừng của Tổ chức Csiro (Úc). Trong thời gian ấy, chị dành rất nhiều tâm sức vào việc khảo nghiệm các giống: Keo tai tượng, Keo lá tràm, Keo lưỡi liềm, Bạch đàn, Thông... được tiến hành ở miền núi phía Bắc và vùng cao phục vụ cho trồng rừng và hoàn trả các vùng khai thác quặng; cho ra đời những cây giống chất lượng cao phục vụ công tác trồng rừng ở nước ta.

PGS.TS Trần Thị Thi Hà (thứ 2 từ phải sang) luôn tích cực trong công tác nghiên cứu, giảng dạy về các giống cây lâm nghiệp và cây dược liệu. Ảnh: L.T

PGS.TS Trần Thị Thi Hà (thứ 2 từ phải sang) luôn tích cực trong công tác nghiên cứu, giảng dạy về các giống cây lâm nghiệp và cây dược liệu. Ảnh: L.T

Ngoài cây lâm nghiệp, PGS.TS Trần Thị Thu Hà còn tập trung vào lĩnh vực chọn giống và nhân giống một số loài cây dược liệu quý của Việt Nam có giá trị kinh tế cao và có nguy cơ bị tuyệt chủng như các loài: Lan Kim tuyến, Gừng gió, Giảo cổ lam, Đinh lăng, Khôi tía, Tam thất, Trà hoa vàng, Sa nhân tím…; trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ của Việt Nam như: Lan kim tuyến, Khôi tía.

Gần đây, PGS.TS Trần Thị Thu Hà tiếp tục triển khai nghiên cứu về các loài cây thuốc quý gồm: Thống đất, Giảo cổ lam, Tam thất Nam, Kim ngân, Khôi tía, Hoàng tinh đỏ, Hoàng tinh trắng, Thảo quả… thuộc các chương trình độc lập cấp Nhà nước, các Bộ ngành. Đây là hướng nghiên cứu chính mà PGS.TS Thu Hà đã và đang tập trung, kết quả mang lại là tạo ra những giống dược liệu chất lượng cao và thành công trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, sinh học phân tử để tạo ra giống tốt với quy mô công nghiệp giúp phát triển ngành dược liệu của Việt Nam.

Bên cạnh việc nghiên cứu về các giống cây trồng, PGS.TS Thu Hà cũng đi sâu vào việc nghiên cứu về chính sách lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững ở vùng cao, chú trọng từ những công trình nghiên cứu về tác động của chính sách “Đổi mới” đến cộng đồng vùng cao và quản lý rừng. Việc này thể hiện rất rõ ở 02 Dự án thuộc Quỹ tài trợ cho các nhà Khoa học trẻ quốc tế, đó là: “Tác động của chính sách Đổi mới đến quản lý rừng và đất rừng bền vững ở miền núi phía Bắc Việt Nam” và “Tác động của chính sách Đổi mới đến cộng đồng và quản lý rừng ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam”.

Các nghiên cứu trên đã phân tích các chính sách “Đổi mới”; đặc biệt là các chính sách về đất đai và quản lý rừng của Chính phủ đối với dân tộc vùng núi cao nhằm nâng cao sinh kế cho người dân như: Trồng rừng, đa dạng các loại cây trồng trên một đơn vị diện tích, trồng thâm canh và xen canh các loại cây đặc sản tạo thu nhập cao kết hợp tạo nguồn sinh thủy, mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây dược liệu dưới tán rừng ...

Trong vai trò là nhà quản lý, PGS.TS Thu Hà đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào quản lý tài nguyên rừng. Chị là trưởng nhóm chuyên gia về việc nghiên cứu và thực hiện một số dự án: Xây dựng Cơ sở dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp bao gồm xây dựng Quy chế và Sổ tay hướng dẫn thu thập, quản lý, sử dụng và chia sẻ thông tin về giống cây trồng lâm nghiệp để tích hợp vào hệ thống Formis...

12 năm trở lại đây, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã chủ trì 14 đề tài, dự án và tham gia thực hiện một số các dự án chuyển giao khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp Bộ Khoa học Công nghệ.

Hiện đã có 21 quy trình nhân giống và nuôi trồng loài cây dược liệu và lâm nghiệp của chị được áp dụng vào thực tiễn. Các quy trình này đã được chuyển giao cho các tỉnh để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông lâm nghiệp, phát triển nông thôn mới. Chị cũng có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước vào quốc tế.

Để phục vụ công tác đào tạo ĐH và sau ĐH, từ năm 1993 đến nay, chị chủ biên và tham gia biên soạn nhiều giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo cho sinh viên, học viên; đồng thời rất tích cực tham gia công tác đào tạo, giảng dạy. Chị cũng được cấp nhiều bằng độc quyền sáng chế/ giải pháp hữu ích, bằng bảo hộ giống cây trồng cho các nghiên cứu của mình.

Nhờ những đóng góp không biết mệt mỏi cho sự nghiệp phát triển lâm nghiệp, trồng rừng và trồng cây dược liệu quý, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành và năm nay, chị vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia do Hội LHPN Việt Nam trao tặng ở Hạng mục cá nhân.

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-phu-nu-dam-me-voi-cong-tac-nghien-cuu-189750.html