Người phụ nữ chỉ hạnh phúc khi làm chủ cuộc đời mình?

Có người hỏi tôi, phụ nữ hiện đại cần đáp ứng những chuẩn mực nào? Tôi không muốn dùng từ 'phụ nữ hiện đại' vì có người được xem là hiện đại thì sẽ có người được xem là không hoặc chưa hiện đại.

Bởi lẽ, nếu đưa ra chuẩn mực mang tính hiện đại nghĩa là chúng ta lại tạo thêm một số khuôn mẫu gắn vào người phụ nữ mà các thế hệ tiếp theo phải nỗ lực xóa bỏ các chuẩn mực do thế hệ chúng ta tạo nên.

Tôi muốn dùng từ “phụ nữ ngày nay” vì phụ nữ sống ở mỗi giai đoạn khác nhau trong sự thay đổi về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị cũng cần có những thay đổi để phù hợp với thời đại mình đang sống và góp phần vào sự thay đổi xã hội. Theo tôi, phụ nữ ngày nay trước hết cần vượt qua định kiến của bản thân, định kiến trong gia đình và xã hội để tự khẳng định, sống theo cách mình mong muốn và bảo vệ nhân phẩm của mình.

Có người nói, “phụ nữ chỉ thực sự có hạnh phúc khi làm chủ cuộc đời mình, sống theo cách mình muốn chứ không phải sống theo mong đợi của người khác! Chỉ khi chúng ta biết yêu thương bản thân và hạnh phúc thì mới có đủ năng lượng và và tình yêu lan tỏa đến những người ta yêu”. Tôi cho rằng, rất tuyệt vời nếu một người dù là phụ nữ hay nam giới tự tìm được cho mình một khái niệm về hạnh phúc. Họ sống vì khái niệm đó hay nỗ lực để đạt được hạnh phúc như mình mong muốn, đồng thời tôn trọng lựa chọn hạnh phúc của người khác mà không đưa ra những phán xét hay áp đặt theo quan điểm của mình.

Bà Ngô Thị Thu Hà - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ - CEPEW. (Ảnh: NVCC)

Ở một khía cạnh khác, tôi băn khoăn khi mọi người nói rằng, người phụ nữ hạnh phúc là người làm tốt chức năng thiên bẩm của phụ nữ. Nhưng tôi không hiểu chức năng thiên bẩm của phụ nữ là gì, nó khác gì với chức năng thiên bẩm của nam giới? Nếu nói chức năng thiên bẩm của phụ nữ là sinh con thì không phải phụ nữ nào cũng muốn và phải sinh con, nam giới cũng vậy. Nếu nói chức năng thiên bẩm của phụ nữ là đảm nhiệm công việc nội trợ, chăm sóc nuôi dưỡng gia đình nhưng thực tế ai cũng làm được những việc này nếu có đủ sức khỏe, trách nhiệm và tình yêu thương.

Với bản thân tôi, quyết định kết hôn rồi sinh con hay lựa chọn công việc chăm sóc, nuôi dưỡng ở trong gia đình hay không làm những việc này mà dành thời gian cho những công việc khác là sự lựa chọn của mỗi cá nhân, không có một mẫu số chung cho bất kỳ người phụ nữ nào. Do đó, tôi mong muốn phụ nữ hay nam giới đều được sống và được ứng xử mỗi ngày theo tinh thần của ngày 8/3 với tình yêu thương, sự chia sẻ, sự tôn trọng và có cơ hội để nói lên những bất công mà ai đó đang phải gánh chịu.

Lại có người nói, phụ nữ mạnh mẽ là người biết cách vượt qua cái bóng của mình và tự mình nắm lấy cơ hội trong cuộc sống. Theo tôi, một người phụ nữ không thể vượt ra khỏi cái bóng của mình nếu không có sự yêu thương và tôn trọng từ trong gia đình và xã hội - từ khi là một bé gái. Một bé gái sinh ra trong sự chờ đợi của gia đình và xã hội, được đối xử công bằng và biết cách lên tiếng khi thấy bất công sẽ dễ dàng hơn vượt qua được những rào cản hay cú sốc khi trưởng thành so với một bé gái không được đối xử và dạy dỗ như vậy.

Tôi nghĩ, một bé gái hay một phụ nữ không sống một mình mà sống trong sự tương tác với các thành viên gia đình và xã hội. Từ khi bé gái được sinh ra đã cần gia đình và xã hội trao cho cơ hội được sống, nuôi dưỡng một cách bình đẳng. Nếu cơ hội được tạo ra và trao cho mỗi người một cách bình đẳng, hẳn các bé gái và phụ nữ thuộc các nhóm khác nhau về dân tộc, nghề nghiệp, tuổi tác hay xu hướng tính dục đều phải được hỗ trợ để nắm lấy cơ hội đó thay vì xem đó như là những điểm yếu hay phân biệt đối xử. Do đó, một bé gái sinh ra không tự nhiên biết cách nắm lấy các cơ hội bình đẳng mà cần có sự chăm sóc, giáo dục từ gia đình, nhà trường. Môi trường sống an toàn, thân thiện và luật pháp tiến bộ, nghiêm minh là điều kiện tốt để trẻ em gái và sau này là phụ nữ có thể nắm bắt được các cơ hội một cách bình đẳng.

Thời hội nhập là có hội để phụ nữ học hỏi, nghiên cứu, làm giàu tri thức, kinh nghiệm sống của mình.

Vậy nên, trao cho trẻ em trai và trẻ em gái cơ hội giáo dục bình đẳng sẽ giúp cho trẻ em gái và phụ nữ trưởng thành có thể nắm bắt được các cơ hội khác trong cuộc sống, bao gồm cơ hội được sống trong một môi trường không định kiến và phân biệt đối xử.

Lại có người băn khoăn, thời đại công nghiệp 4.0 thì phụ nữ không cần thể hiện “công -dung - ngôn - hạnh”? Sự thay đổi của xã hội yêu cầu mỗi người thay đổi cho phù hợp. Các chính sách về giáo dục, truyền thông và tiếp cận thông tin đã giúp cho mọi người có được tri thức, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm sống. Từ đó, thay đổi hình ảnh truyền thống của người phụ nữ và nam giới trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin và các chương truyền thông như hiện nay, nếu người phụ nữ không tự tin với sự lựa chọn của mình có thể bị ràng buộc vào những khuôn mẫu giới mới. Do đó, tôi nhìn “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” thời nay dưới góc độ nhân phẩm và lòng khoan dung của mỗi người mà không phán xét hay áp đặt về “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” cho người khác.

Thời đại hội nhập và sự phát triển của công nghệ sẽ là cơ hội để phụ nữ học hỏi, nghiên cứu, làm giàu thêm tri thức, kinh nghiệm sống và phát triển các mô hình kinh doanh. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để phụ nữ có thể tiếp thị hình ảnh của mình – một hình ảnh do mình lựa chọn và mình muốn thể hiện.

Tuy nhiên, việc hội nhập và sự phát triển của công nghệ cũng đẩy nhanh việc thay đổi lối sống, tiến độ công việc và các mối quan hệ xã hội. Phụ nữ phải dành nhiều thời gian hơn cho các thiết bị công nghệ để tìm hiểu thông tin, giải quyết công việc và duy trì các mối quan hệ xã hội. Từ đó, tạo ra hình ảnh một người phụ nữ bận rộn, mệt mỏi và không có đủ thời gian để chăm sóc bản thân. Do vậy, học hỏi để tự tạo cho mình không gian và thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân cũng cần thiết đối với phụ nữ trong thời đại hội nhập và công nghệ phát triển.

Ngô Thị Thu Hà

(Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguoi-phu-nu-chi-hanh-phuc-khi-lam-chu-cuoc-doi-minh-89032.html