Người phụ nữ bình dị và Giải Nobel Vật lý

Sau tận 55 năm, Giải thưởng Nô-ben Vật lý mới có thêm một chủ nhân là nữ giới: Donna Strickland. Song, vinh quang chấn động thế giới này sẽ chẳng làm bà 'đổi đời', vì suốt hàng chục năm qua, bà đã 'chung thủy' với một cuộc sống bình lặng.

Sau tận 55 năm, Giải thưởng Nô-ben Vật lý mới có thêm một chủ nhân là nữ giới: Donna Strickland. Song, vinh quang chấn động thế giới này sẽ chẳng làm bà “đổi đời”, vì suốt hàng chục năm qua, bà đã “chung thủy” với một cuộc sống bình lặng.

“Giải Nobel? Ông đùa phải không?”

Một ngày như bao ngày khác, ở bang Ontario, Canada. Chuông điện thoại reo vang trong nhà Donna Strickland lúc 5 giờ sáng. Người phụ nữ trung tuổi ngái ngủ nhấc máy và tự hỏi: Sao lại có người gọi mình vào lúc sáng sớm như vậy?

Đó là cuộc gọi từ Stockholm (Thụy Điển), từ Ủy ban Giải thưởng Nobel. Họ báo tin bà là một trong ba người nhận Giải Nobel Vật lý 2018. Bà nhận danh hiệu cao quý này nhờ một công trình khoa học công bố từ 33 năm trước.

“Ban đầu, tôi không biết đây có phải một trò đùa hay không”, Donna Strickland chia sẻ - “Nhưng rồi tôi nhận ra hôm đó đúng là ngày công bố Giải Nobel! Vậy nên, nếu có ai muốn đùa giỡn, đó hẳn là một người thích đùa ác ý”.

Thật khó tin: Nữ chủ nhân Giải Nobel Vật lý năm nay vẫn chưa được công nhận là giáo sư! Tại Đại học Waterloo, nơi đang làm việc, bà chỉ nhận học hàm Phó Giáo sư. Cho đến ngày công bố Giải Nobel, Strickland vẫn là một nhân vật vô danh với công chúng, và bà cảm thấy thanh thản vì điều đó.

Trang bách khoa toàn thư Wikipedia về bà cũng chỉ được lập sau khi bà nhận Giải Nobel. Tuy vậy, bà dường như chẳng mấy quan tâm đến danh vọng. Đam mê duy nhất của bà là công việc. Thậm chí, câu hỏi lại của bà còn khiến Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngỡ ngàng: “Có thật tôi là một trong ba người phụ nữ hiếm hoi từng nhận Giải Nobel? Tôi cứ nghĩ phải có nhiều hơn thế chứ?!”. Người phụ nữ đầu tiên nhận vinh dự này là nhà bác học Marie Curie (năm 1903), sau đó 60 năm đến lượt Maria Goeppert-Mayer. Phải đợi 55 năm, đến tận bây giờ, Giải Nobel mới lại thuộc về một người phụ nữ khác.

Một phát kiến “cách mạng”

“Suốt nhiều năm qua, mọi người cứ hỏi tôi: “Cô có nhận được tin gì từ Ủy ban Giải thưởng Nobel không?’. Nhưng tôi luôn cảm thấy suy nghĩ như vậy thật ngốc nghếch. Ở ngoài kia, có hàng tá nhà vật lý xứng đáng được trao giải, và tôi chưa thể xứng ngang tầm với họ” - Donna Strickland nhớ lại.

Người phụ nữ này đã quá khiêm tốn khi nói về công trình nghiên cứu của mình. Tia laser được phát minh vào thập niên 60 của thế kỷ trước, và nhanh chóng được các nhà khoa học chú ý nhờ vô vàn ứng dụng của nó. Và phát minh của Donna Strickland - cùng Tiến sĩ Gerard Mourou - về khuếch đại tạo xung quang học cường độ cao cực ngắn đã giúp tạo ra các chùm tia laser công suất cao.

Donna Strickland giải thích: “Ở thập niên 80 còn tồn tại cả tia laser xung ngắn và tia laser cường độ cao. Các nhà nghiên cứu muốn nâng công suất của các chùm tia laser lên bằng cách kết hợp cả hai. Nhưng, nếu làm theo phương pháp cũ, tia laser sẽ phá hủy môi trường khuếch đại. Vậy nên tôi nghĩ ra ý tưởng về một thiết bị kết hợp cả hai. Cũng đơn giản thôi mà!”.

Phát minh đó được Donna Strickland đưa vào trong luận án Tiến sĩ của mình năm 1985, và Tiến sĩ Mourou cũng chính là người hướng dẫn. Đọc xong, ông nói: “Trong bài công bố công trình nghiên cứu của mình, em viết rằng phát minh này giúp tạo ra tia laser có cường độ một tỷ Oát (Watt). Nhưng em có biết không? Đây cũng là cách giúp tạo ra tia laser cường độ tới hàng nghìn, hàng triệu tỷ Watt”.

Nghe điều đó, cô nghiên cứu sinh Strickland - lúc đó mới 26 tuổi - tròn mắt. Cô biết điều đó đúng, nhưng vẫn không thể tin nổi khi cảm giác mình vừa có một công trình làm chấn động giới nghiên cứu Vật lý quốc tế. Hơn 30 năm sau, công trình của bà được Ủy ban Giải thưởng Nobel vinh danh là “một phát kiến cách mạng”.

Tia laser công suất cao của Donna Strickland được ứng dụng rộng rãi trong khoa học, đặc biệt là y học. Phương pháp chữa cận thị bằng tia laser áp dụng rộng rãi ngày nay chính là một ứng dụng rất nhỏ từ công trình nghiên cứu về tia laser ấy.

Câu trả lời đanh thép

Vài ngày trước khi Giải Nobel Vật lý 2018 được công bố, giới nghiên cứu vật lý chứng kiến một sự kiện chấn động. Giáo sư Alessandro Strumia (người Italia) tuyên bố: “Ngành Vật lý được phát kiến và xây dựng bởi những người đàn ông”. Để chứng minh cho luận điểm của mình, Strumia trình chiếu những dữ liệu cho thấy công trình nghiên cứu của những nhà Vật lý học nam có ảnh hưởng lớn hơn những nhà Vật lý học nữ có cùng xuất phát điểm.

Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu lập tức xóa toàn bộ những bài giảng của Giáo sư Strumia khỏi trang web của họ. Giới khoa học đồng loạt lên án tuyên bố coi thường nữ giới ấy. Vài ngày sau, Giải thưởng Nobel danh giá được trao cho Donna Strickland, như để khẳng định rằng kết luận như vậy là hồ đồ và sai lầm.

“Nói như vậy thì… Đúng là trong giới nghiên cứu Vật lý, số lượng nam giới vượt trội. Khi tôi còn học đại học, chỉ có ba nữ sinh trong lớp 25 người, nhưng tôi cứ lờ đi thôi. Có lẽ đó là lý do tôi không ngừng tiến về phía trước, vì tôi có thể lờ đi mọi thứ chung quanh mình”, Donna Strickland nhận xét. Bà cũng khẳng định: Ở Đại học Waterloo, bà luôn được trả lương tương đương những đồng nghiệp nam. Bà chưa bao giờ cảm thấy mình bị đối xử bất công, hay phân biệt vì là phụ nữ. Thậm chí đôi lúc, bà còn thấy mình được đối xử đặc biệt: “Tôi thích cảm giác mỗi khi dự những cuộc hội thảo về tia laser. Tôi từng là cô gái duy nhất ở đó, và tôi được một mình sử dụng phòng tắm vốn dành cho 30 người”.

Ở thập niên 1980, chỉ 10% số nhà khoa học nữ nghiên cứu về laser như bà. Tỷ lệ này tăng lên 25% ở thời điểm hiện tại. Tuy vậy, Donna Strickland không muốn bình luận gì về việc những người phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào lĩnh vực khoa học tự nhiên. Thực ra, bà chính là thí dụ điển hình cho việc một nhà khoa học nữ hoàn toàn có thể chăm sóc cuộc sống gia đình bình thường như bao người khác. Chồng của bà cũng là một nhà Vật lý học. Ở tuổi gần lục tuần, bà có một gia đình hạnh phúc, với hai người con trưởng thành. Con gái Hanna của bà theo nghiệp cha mẹ, và đang theo học Thạc sĩ ngành Vật lý thiên văn. Còn Donna Strickland mỗi ngày vẫn tới phòng thí nghiệm nghiên cứu về tia laser, sống cùng đam mê theo đuổi suốt gần 40 năm qua.

Chỉ bởi vì: “Làm như vậy rất vui”…

HẢI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/quoc-te/nhan-vat/item/37905002-nguoi-phu-nu-binh-di-va-giai-nobel-vat-ly.html