Người phụ nữ 5 năm ôm con ngủ đường, 10 năm mua gạo nuôi chim, sóc đi hoang

'Cũng giống như 15 năm trước cô không vì đói mà bán con, thì nay cô cũng không vì nghèo mà bỏ đói đàn chim này.'

Người phụ sáng nào cũng cho đàn chim, sóc trước Dinh Độc Lập ăn

Mỗi buổi sáng ở góc công viên đối diện Dinh Độc Lập (quận 1, TP HCM), khi người phụ nữ lùn, đen nhẻm vừa chạy xe ôm đến cả đàn bồ câu bỗng nhiên từ đâu bay đến dưới chân cô. Cô nhanh chóng tìm túi gạo, tung xuống đất cho đàn chim thi nhau nhặt. Một vài chú sóc cũng chạy về phía cô xin ăn.

Những miếng xoài được người phụ nữ ấy vứt ra để đàn sóc thi nhau gặm. Thỉnh thoảng, những con vật hoang dã ấy lại ngước mắt nhìn người vừa ném đồ ăn cho mình, ánh mắt gần gũi không có chút dè chừng…

Người phụ nữ ấy tên là Lê Thị Bưởi (53 tuổi, quê ở Huế). Năm 23 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô Bưởi vào TP HCM xin làm thêm việc nhà rồi bán hàng cho người ta để kiếm tiền sinh sống, đến nay đã ngót nghét 30 năm.

Năm 43 tuổi, cô Bưởi bắt đầu bán nước tại góc công viên trước Dinh Độc Lập, đến nay được 10 năm, cũng là chừng ấy năm cô nuôi đàn chim lẫn đàn sóc hoang ở nơi này. 'Cứ chim tới thì cô vãi gạo cho nó ăn, cứ nhìn thấy mặt cô là nó lao tới, vui lắm' - cô Bưởi kể bằng cái giọng Huế đặc sệt.

Đàn chim đón cô như đón người mẹ đi chợ về mang cho chúng những món quà ấm bụng

Cô không biết tuổi thọ của những chú sóc, cũng không tìm hiểu về thức ăn của chúng, nhưng 10 năm qua, món hạt xoài và cùi dừa của cô trở thành món ăn yêu thích của chúng.

Tận dụng trái dừa khách uống nước, trái xoài khách ăn, cô lấy cùi dừa và hạt xoài cho sóc ăn. Còn bồ câu và chim sẻ thì được cô Bưởi vãi gạo cho ăn, 'cứ ngày 3-4 bữa, 3 ngày hết 1kg gạo' - cô Bưởi cho biết.

'Cô cho nó ăn mãi thành quen nên coi cả chim lẫn sóc như con. Có hôm cô về quê 3 ngày không ai cho nó ăn, đến lúc ra vừa thấy cô là cả đàn cùng sà xuống, đi vòng vòng mãi quanh mình, nhìn thương, nhìn tội lắm' - cô nói.

Cùi dừa và hạt xoài là một trong những thức ăn thường xuyên của đàn sóc hoang được cô Bưởi nuôi

Một chú sóc nhanh nhảu leo xuống gốc cây - nơi có thức ăn vừa được để sẵn

Người phụ nữ không chồng, một mình ôm con lang bạt ngủ đầu đường xó chợ

'Nhiều lúc cô muốn chết lắm mà không chết được' - rồi cô Bưởi khóc, từng câu nói bắt đầu đứt quãng khi kể về câu chuyện cuộc đời lang bạt và đầy cay đắng của chính mình.

'Cô không có chồng, quen nhau có bầu rồi ông ấy bỏ đi lấy vợ khác, giấy khai sinh chỉ có mẹ chứ không có tên bố'. Mẹ tên Lê Thị Bưởi, đặt con là Lê Thị Bông, suốt 15 năm qua một mình cô Bưởi nuôi con gái ăn học, lớn khôn.

'Sinh hắn (con) ra được 4 tháng là hai mẹ con đã ôm nhau đi khắp Sài Gòn bán vé số, không có chỗ ngủ phải ngủ bụi đời, tháng tắm 2 lần. Ngủ ở Hồ Con Rùa, ngủ ở Nhà Văn hóa Thanh niên, chợ Thị Nghè... 12h công an gặp hỏi sao hai mẹ con lại ngủ đây, cô trả lời là khuya rồi, chủ đóng cửa rồi, không có ai mở cửa cho nên không về được. Nhưng đó chỉ là những ngày đầu thôi, sau thì công an cũng quen mặt, thôi không hỏi nữa. Mình có giấy chứng minh hẳn hoi, có gì đâu sợ, chỉ không có tiền mướn nhà thôi' - cô kể tiếp.

Rồi bao lần, có mấy người nước ngoài thấy cảnh hai mẹ con sống lang bạt, ngủ đường ngủ chợ khắp nơi nên hỏi mua con gái của cô Bưởi, giá 2.000 đô, cô không bán. 'Mình đem bán mấy chục triệu ăn rồi sẽ hết, 2.000 đô ăn cũng hết nhưng mình mất con. Cô có thể đi ăn xin để có tiền cho con ăn chứ bán con là cô không làm' - người mẹ nghèo nói, giọng đầy cương nghị.

Cứ thế hai mẹ con lang thang khắp phố này sang quận kia, nài nỉ người ta mua vé số. Ngày này qua tháng khác như vậy trong suốt 5 năm, không một mái nhà trọ để nương thân.

Năm 2007, cô Bưởi mới thuê được một phòng trọ ở gần chợ Thị Nghè, giá hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, và chuyển sang nghề bán nước ở công viên cạnh Nhà thờ Đức Bà, đối diện với Dinh Độc Lập, tính đến nay đã tròn 10 năm.

Cô cho biết, từ chỗ trọ lên chỗ bán nước cách khoảng 15 cây số, mỗi ngày hai chuyến xe ôm đi về, mỗi chuyến 20.000 đồng. Hai mẹ con ra khỏi nhà từ sáng sớm, con đi học, mẹ đi làm, bé Bông năm nay học cấp 2 trường THCS Kiến Thiết (Quận 3, TP HCM), cách chỗ mẹ làm không xa nên cứ buổi trưa em lại chạy ra phụ mẹ bán hàng. Bán đến 10h đêm thì hai mẹ con dọn hàng cùng đi về.

Mặc trên người bộ đồ đồng phục của trường ngồi bên quán nước, Bông kể, giọng hồn nhiên: 'Mẹ suốt ngày đi bán, không được nghỉ ngơi, em học xong thì ra đây phụ với mẹ. Bạn bè ai cũng biết hoàn cảnh của em nên ra đây chơi hoài với em à'.

Cô Bưởi và con gái

Dù nghèo nhưng cô Bưởi vẫn cố gắng lo cho bé Bông được học hành đường hoàng: đi học trên lớp, học thêm và cả học võ theo sở thích và năng khiếu của em. Cuộc đời với chuỗi ngày lang bạt mưu sinh, trải qua bao biến cố, tủi nhục, ở cái tuổi hơn 50 với người mẹ này thì cô con gái 15 tuổi chính là động lực lớn nhất, vì con mà sống.

Dù có vài lần trong cuộc nói chuyện cô Bưởi lại lấy tay lau nước mắt: 'Có lúc hai mẹ con đói, ăn bánh mỳ; có lúc buồn cô nghĩ là cô chết, nhưng muốn chết mà không được, chết bỏ con ai nuôi'. Quệt nước mắt, cô lại mỉm cười ngay khi khoe hình nền điện thoại là ảnh con gái đang trong một tư thế múa võ. 'Con cô đi học võ nhiều năm rồi, nó được nhà trường tuyển chọn vào đội tuyển, tham gia nhiều cuộc thi của quận và được giải cao lắm'.

Những ngày tháng tới, cuộc sống của hai mẹ con vẫn là chuỗi ngày đối diện với mưu sinh vất vả, nhưng người phụ nữ ấy vẫn khẳng định: 'Cũng giống như 15 năm trước cô không vì đói mà bán con, thì nay cô cũng không vì nghèo mà bỏ đói đàn chim, đàn sóc này. Với cô, đó chính là những điều bé nhỏ khiến cô cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa. Cô vẫn sẽ tiếp tục nuôi sóc, nuôi chim cho đến tận ngày không còn ngồi bán nước ở đây nữa'.

Đàn chim câu trắng quấn quýt bên cô

Tâm Nguyễn Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/chuyen-doi-nguoi-phu-nu-5-nam-om-con-ngu-duong-10-nam-mua-gao-nuoi-chim-soc-di-hoang.html