Người phát ngôn thông tin về việc tiếp nhận trở lại công dân từ Mỹ

Việt Nam mong muốn Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ hội nhập và đóng góp vào sự thịnh vượng và phát triển của Mỹ, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày 6-12, phóng viên đã đề nghị Bộ Ngoại giao xác nhận thông tin và cung cấp thêm chi tiết quanh việc truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Donald Trump ngưng trục xuất người Mỹ gốc Việt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chiều 6-12

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam được thực hiện giữa Việt Nam và Mỹ theo luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có hiệp định ký năm 2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ về việc nhận trở lại công dân Việt Nam, bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của công dân phù hợp với quy định pháp luật của mỗi nước.

"Việt Nam mong muốn Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ hội nhập và đóng góp vào sự thịnh vượng và phát triển của Mỹ, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

Năm 2008, Việt Nam và Mỹ đã ký một thỏa thuận về việc nhận lại người Việt Nam di cư sang Mỹ. Theo đó, công dân Việt Nam đến Mỹ trước ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, 12-7-1995, sẽ không phải đối tượng bị áp dụng thỏa thuận.

Tuy nhiên, với chính sách nhập cư được thi hành dưới thời Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng khẳng định bất kỳ người nào chưa được công nhận là công dân Mỹ và từng phạm tội sẽ bị trục xuất.

Buổi họp đầu tiên của nhóm làm việc song phương về vấn đề nhận trở lại công dân Việt Nam đã được Mỹ và Việt Nam tổ chức ngày 5-7-2017. Như đã nêu trong bản Tuyên bố chung về Tăng cường đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam, nhóm làm việc đã được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump thiết lập vào ngày 31-5.

Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức cuộc họp nhóm làm việc với sự tham gia của Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ. Đại diện cho Mỹ có Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao. Hai chính phủ đã có cuộc thảo luận ban đầu về hàng loạt vấn đề liên quan đến việc nhận trở lại công dân Việt Nam có lệnh trục xuất khỏi Mỹ.

Vào tháng 4-2018, trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Pope Thrower cho biết hiện có hơn 8.000 công dân Việt Nam có lệnh dứt khoát phải rời Mỹ. Chính phủ Mỹ đề nghị sự hợp tác của các chính phủ nước ngoài, trong đó có Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trở về của các công dân, những người đã được yêu cầu rời khỏi Mỹ sau khi đã hết các quyền về thủ tục pháp lý. Phía Mỹ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các nhà chức trách Việt Nam để giải quyết vấn đề này.

Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết ông đã từ chức vào năm 2017 sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu ông thúc giục Chính phủ Việt Nam tiếp nhận hơn 8.000 người Việt Nam trong danh sách phải bị trục xuất khỏi Mỹ. Hầu hết những người trong danh sách hơn 8.000 nhận lệnh trục xuất đã đến Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975 bằng những con đường khác nhau và có cuộc sống ổn định ở Mỹ kể từ khi đến Mỹ. Do đó, cựu đại sứ Osius khi trao đổi với báo chí đã tỏ ra lo ngại về nhiều hệ quả của chính sách này. Vị cựu đại sứ cũng lo ngại rằng chính sách mới có thể làm ảnh hưởng đến các mục tiêu khác của chính quyền Mỹ đối với Việt Nam như giảm thâm hụt thương mại, tăng cường hợp tác quân sự và đối phó với các mối đe dọa với hòa bình ở khu vực.

Ngày 22-11, New York Times có bài viết về việc Chính phủ Mỹ đã quyết định dừng trục xuất khoảng 7.700-8.000 người gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ.

D.Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/nguoi-phat-ngon-thong-tin-ve-viec-tiep-nhan-tro-lai-cong-dan-tu-my-20181206174000023.htm