Người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Kirby: Mỹ ủng hộ chủ quyền của Nhật trong vấn đề Senkaku!

Trước việc Trung Quốc liên tục cho tảu Hải cảnh đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với quần đảo này.

 Người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Kirby: Mỹ ủng hộ chủ quyền của Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dongfang).

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Kirby: Mỹ ủng hộ chủ quyền của Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dongfang).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 24/2, hôm Chủ nhật (21/2) Nhật Bản nói các tàu Hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp trong ngày thứ hai liên tiếp, và ra vào hai lần trong một ngày. Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản đã triển khai tàu tuần tra cảnh báo. Ông John Kirby, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Ba (23/2) bày tỏ Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục bất chấp các quy tắc quốc tế, sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác để củng cố trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo Đông Phương, ông Kirby cho biết, Mỹ và cộng đồng quốc tế cho rằng Nhật Bản có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và sẽ thúc giục Trung Quốc đình chỉ các hành động liên quan của các tàu Hải cảnh, nếu không có thể dẫn đến đánh giá sai và có thể bị thiệt hại. Ông cũng đề cập rằng Bộ Quốc phòng Mỹ bảo vệ một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên luật lệ. Mỹ, các đồng minh và thậm chí cả Trung Quốc đều được hưởng những lợi ích to lớn, nhưng Bắc Kinh đang phá hoại trật tự vì lợi ích của bản thân họ. Ông nhắc lại rằng, Mỹ sẽ tiếp tục ứng phó với các thách thức chiến lược của Trung Quốc bằng việc hiện đại hóa quân đội, tăng cường quan hệ với các đồng minh và thúc đẩy lợi ích chung.

Máy bay của Nhật bay tuần tra quần đảo Senkaku (Ảnh: Kyodo).

Cụ thể, trong cuộc họp báo ngày 23/2, phóng viên nêu câu hỏi: “Tôi có hai câu hỏi, đầu tiên là ở châu Á. Cuối tuần qua, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã vào trong lãnh hải Nhật Bản. Và theo Nhật Bản, họ (tàu Hải cảnh Trung Quốc) đã bám theo một tàu cá Nhật Bản. Phía Nhật Bản cho rằng đây là sự leo thang tình hình xung quanh quần đảo Senkaku. Ông có lo ngại về chuyện này không và ông đã trao đổi gì với người Nhật về vấn đề này?”.

Ông John Kirby: “Tôi không có bất kỳ cuộc trò chuyện nào với người Nhật để tuyên bố về sự việc cụ thể đó. Tôi chỉ nói rằng chúng tôi cho rằng tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, cần được bảo đảm về chủ quyền của mình, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực đã được chấp nhận.

Bộ Quốc phòng cam kết bảo vệ trật tự quốc tế tự do và mở dựa trên quy tắc, một trật tự mà từ đó Mỹ, các đồng minh và đối tác của chúng tôi và thậm chí cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã được hưởng lợi lớn, nhưng là điều mà Bắc Kinh, thông qua các hành động của mình, đang phá hoại vì lợi ích riêng.

Tàu cảnh sát biển Nhật quây tàu Hải cảnh Trung Quốc ở gần quần đảo Senkaku (Ảnh: Dwnews).

Một lần nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước để giải quyết những thách thức chiến lược do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt ra khi chúng tôi thực hiện Chiến lược Quốc phòng, bao gồm hiện đại hóa lực lượng, tăng cường liên minh và quan hệ đối tác cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh liên kết nhằm thúc đẩy lợi ích của chúng tôi”.

Phóng viên hỏi: “Bộ Quốc phòng có coi hành động của các tàu Trung Quốc là khiêu khích không?”

Ông John Kirby: “Trung Quốc một lần nữa tiếp tục coi thường quy tắc quốc tế; chúng tôi đã thể hiện rõ mối quan ngại của mình về hoạt động này và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để củng cố trật tự dựa trên quy tắc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và nói rõ rằng vùng biển quốc tế là vùng biển quốc tế”.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) chiều 24/2 đăng bài viết: “Khi mà tàu Hải cảnh Trung Quốc hành trình đến quần đảo Điếu Ngư (được gọi là quần đảo Senkaku ở Nhật Bản) dần trở nên bình thường hóa, Nhật Bản hy vọng tìm được tiếng nói có lợi cho họ từ chính phủ Mỹ. Quân đội Mỹ gần đây tuyên bố sẽ ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”.

Bài của Đa Chiều dẫn nguồn Kyodo News nói, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby trong cuộc họp báo vào ngày 23/2 đã yêu cầu Trung Quốc nên ngừng cử các tàu công vụ của Hải cảnh vào lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku. Ông chỉ trích: "Điều này có thể gây ra những đánh giá sai lầm và gây ra thiệt hại về vật chất".

Tàu công vụ Nhật Bản xua đuổi tàu Hải cảnh Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Ông John Kirby lên án Trung Quốc: "Để theo đuổi lợi ích của chính mình, họ đang phá hoại trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc tự do và cởi mở". Ông tỏ ý rằng Mỹ sẽ hiện đại hóa sức mạnh chiến đấu và tăng cường hợp tác với các đồng minh để duy trì trật tự; nói rằng “Mỹ ủng hộ chủ quyền của Nhật Bản trong vấn đề quần đảo Senkaku”.

Theo Hãng thông tấn Jiji Nhật Bản, trong một cuộc họp báo vào ngày 24/2, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã hoan nghênh phát biểu của ông John Kirby về quần đảo Senkaku và nói rằng “Hy vọng sẽ hợp tác với Mỹ và các nước liên quan khác trong tương lai, bình tĩnh và kiên quyết ứng phó với vấn đề”.

Kyodo News đưa tin, Trung Quốc tiếp tục cho tàu nhiều lần đi vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku sau khi thực hiện "Luật Hải cảnh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" (gọi tắt là Luật Hải cảnh), cho phép các tàu công vụ của Cục Hải cảnh sử dụng vũ khí chống tàu nước ngoài, khiến căng thẳng gia tăng. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về luật này, nói rằng nó "có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng".

Kyodo News cũng cho biết sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, Nhật Bản và Mỹ đã xác nhận trong các cuộc gặp thượng đỉnh và các dịp khác rằng quần đảo Senkaku là đối tượng phù hợp Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, quy định về nghĩa vụ quốc phòng của Mỹ.

Theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, “Mỗi bên ghi nhận rằng, một cuộc tấn công vũ trang chống lại bất cứ bên nào trong khu vực lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ là mối nguy đối với hòa bình và an toàn của chính mình, và tuyên bố sẽ hành động để đối phó với mối nguy chung phù hợp với các điều khoản và tiến trình hiến pháp nước mình”.

Điều khoản này được giải thích rằng, Mỹ sẽ coi một cuộc tấn công vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tương tự như một cuộc tấn công vào lãnh thổ Mỹ.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nguoi-phat-ngon-bo-quoc-phong-john-kirby-my-ung-ho-chu-quyen-cua-nhat-trong-van-de-senkaku-post143283.html