Người Pháp quay lưng khi tổng thống đòi lập vợ làm 'Đệ nhất'

Việc người Pháp chỉ trích quyết định trao vai trò chính thức cho vợ của ông Macron đã khiến tổng thống Pháp rút lại kế hoạch do lo ngại các chương trình nghị sự của mình bị đe dọa.

Giữa lúc tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm, đây là một bước đi tai hại của ông Macron trước thời điểm khó khăn cần thông qua đạo luật cải cách thị trường lao động.

Hai trang "điều lệ" được Điện Elysee phát hành vào ngày 21/8 nhằm làm rõ vị trí của đệ nhất phu nhân được Financial Times đánh giá là vượt xa những nhiệm vụ như chủ trì tiệc chiêu đãi mà các phu nhân tổng thống thường thực hiện.

Nỗ lực của tổng thống trẻ tuổi

Emmanuel Macron, tổng thống trẻ nhất của Pháp, nổi tiếng với mối tình bền chặt cùng phu nhân Brigitte Macron bất chấp cách biệt tuổi tác lên đến 24 năm.

Vợ ông đã tham gia một số công việc trong chính phủ mới dù không có vai trò chính thức nào. Tổng thống đã tìm cách thay đổi điều này khi trao cho bà danh hiệu và các đặc quyền đi kèm.

Đệ nhất phu nhân Pháp Brigitte Macron, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Thủ tướng Áo Christian Kern đi dạo ở Vườn Mirabell tại Salzburg, Áo, ngày 23/8. Ảnh: Bloomberg.

Kể từ chiến dịch tranh cử, ông Macron đã bày tỏ ý định trao cho vợ danh hiệu Đệ nhất Phu nhân. Ban đầu, tổng thống Pháp hy vọng thuyết phục được các nhà lập pháp thay đổi Hiến pháp để trao vai trò chính thức cho bà Macron và vợ của tất cả tổng thống Pháp tương lai.

Kế hoạch nhanh chóng bị xếp xó sau khi một bản kiến nghị trên mạng cho thấy phần lớn người Pháp phản đối ý tưởng này.

Vì vậy, ông Macron quyết định chỉ áp dụng danh hiệu Đệ nhất Phu nhân đối với vợ mình. Trong vai trò mới, bà Macron sẽ chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện tại Điện Elysee, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức từ thiện và các tổ chức bảo trợ trẻ em, người khuyết tật, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Đáng chú ý, ông Macron có thể tham khảo ý kiến vợ, người từng là giáo viên văn học, về các vấn đề giáo dục, y tế và văn hóa.

Theo kế hoạch, bà Macron sẽ không được trả lương và cũng không có ngân sách riêng nhưng sẽ có một số cố vấn và nhân viên theo sát giúp bà sắp xếp công việc và trả lời thư.

Một trong những lý do được đưa ra là trong vòng 3 tháng qua, số thư mà bà Macron nhận được còn nhiều hơn số thư mà Valerie Trierweiler, bạn gái cũ của cựu tổng thống Francois Hollande, nhận được trong một năm.

Các trợ lý của tổng thống cho rằng đề xuất này sẽ gây ra tình trạng thiếu minh bạch dù ông Macron hứa sẽ công bố thông tin về hoạt động và chi phí dành cho nhân viên của vợ.

Vì tổng thống lấy ngân sách dành cho nhân viên của ông làm chi phí cho hoạt động của vợ nên các nhà lập pháp gần như không thể làm gì để ngăn ông Macron thông qua kế hoạch.

Tuy nhiên, công chúng Pháp đã bày tỏ thái độ không bằng lòng. Theo một cuộc khảo sát, hơn 2/3 người dân Pháp không tán thành đề xuất của đương kim tổng thống. Một bản kiến nghị phản đối danh hiệu chính thức cho bà Macron đã thu thập được khoảng 300.000 chữ ký.

Lý do người Pháp kịch liệt phản đối

Việc một số phu nhân tổng thống vượt lên khuôn mẫu của những bà nội trợ và tạo ảnh hưởng tới chính sách không hẳn là chuyện xa lạ ở Pháp.

Chẳng hạn, trước khi ly hôn, bà Cecilia Sarkozy, phu nhân cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, đã bay tới Libya để đàm phán về việc thả tự do cho các y tá Bulgaria bị giam giữ. Bà Bernadette Chirac, phu nhân cựu Tổng thống Jacques Chirac, cũng được cho là từng có 21 cố vấn giúp việc.

Mặc dù vậy, ông Macron là tổng thống đầu tiên nhấn mạnh vị trí quan trọng của vợ bằng lời hứa trao cho bà những nhiệm vụ chính thức.

Bà Brigitte đã có một đời chồng và 3 đứa con trước khi kết hôn với ông Macron, người từng là học trò của bà. Đệ nhất phu nhân Pháp cũng đóng vai trò không nhỏ trong sự thăng tiến nhanh chóng của chồng trên con đường chính trị.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump và vợ của Tổng thống Pháp Brigitte Macron (trái) chụp ảnh sau chuyến đi thuyền trên sông Seine ở Paris, Pháp, ngày 13/7. Ảnh: AFP/Getty.

Nhà khoa học chính trị Armelle Le Bras-Chopard, tác giả cuốn ‘Đệ nhất phu nhân, vai trò thứ hai’, cho rằng sự phản đối kịch liệt này là dấu hiệu của một cuộc đụng độ giữa "nền cộng hòa dựa trên sự bình đẳng, loại bỏ các đặc ân" và "sự hồi sinh của nền văn minh hoàng gia, trong đó nữ hoàng có thể nhiếp chính".

Công chúng Pháp vẫn chưa hết nhức nhối về việc nhiều nghị sĩ sử dụng công quỹ để tuyển dụng người thân, một thực tế được hé lộ trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống vừa qua.

Bê bối cho vợ "việc giả lương thật" của cựu thủ tướng Francois Fillon từng khiến dư luận phẫn nộ và dẫn đến thất bại cay đắng vào phút chót của ông trong cuộc bầu cử tổng thống.

Người dân Pháp cảm thấy như chính giới đang tràn ngập đặc ân dành cho người nhà, điều mà ông Macron từng hứa sẽ phá bỏ.

Nhìn chung, người Pháp không thích ý tưởng về Đệ nhất phu nhân theo kiểu Mỹ. “Bà Macron chỉ là một công dân bình thường như những người khác. Tại sao bà ấy lại cần có một ‘vai trò’ và các cố vấn được trả lương bằng tiền thuế của mọi người?”, bà Le Bras-Chopard bình luận.

Sau khi cân nhắc thiệt hơn, Tổng thống Macron có lẽ đã nhận thấy đây không phải là lúc thích hợp để khăng khăng làm theo ý mình. Động thái mới nhất này gần như là một sự thỏa hiệp để vừa lòng công chúng.

Tuần trước, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi chồng đắc cử hồi tháng 5, Brigitte Macron đã nói với tạp chí Elle rằng bà không mấy chú ý đến danh hiệu Đệ nhất phu nhân Pháp và cho biết bà rất hạnh phúc khi mọi người chỉ đơn giản gọi bà là "Brigitte".

"Tôi không cảm thấy như mình là 'Đệ nhất phu nhân', đó là cách diễn dịch của người Mỹ, sự tôn xưng đó không hấp dẫn tôi chút nào... Tôi không phải là ‘Đệ nhất phu nhân’ hay thậm chí là ‘Phu nhân’, tôi chỉ đơn giản là Brigitte Macron”, bà nói.

Macron phá kỷ lục 'bắt tay 19 giây' giữa Trump và Abe Sau lễ diễu binh hôm 14/7, tổng thống Pháp đã bắt tay trong gần 30 giây với ông Trump, vượt xa cú bắt tay 19 giây từng gây ồn ào giữa tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-phap-quay-lung-khi-tong-thong-doi-lap-vo-lam-de-nhat-post774253.html