Người ở, người đi thời toàn cầu hóa

Những ngày này, trên mạng xã hội và những tờ báo tôi đọc thường xuất hiện hai loại quảng cáo trái ngược. Đầu tiên là những quảng cáo 'đầu tư định cư': người giàu có thể gần như ngay lập tức có được thẻ cư trú - và sau đó là quốc tịch - ở một số quốc gia châu Âu, vốn cho phép họ tự do di chuyển đến hơn 100 quốc gia trên thế giới. Để có tấm giấy thông hành đó, họ sẽ phải bỏ ra hàng trăm ngàn đô la Mỹ để trực tiếp nộp vào ngân sách của quốc gia, hoặc thông qua đầu tư cho doanh nghiệp.

Ngày càng nhiều người Việt chi trả những khoản đầu tư khổng lồ đề được định cư tại nước ngoài.

Ở phía ngược lại, bên trái màn hình Facebook của tôi thi thoảng xuất hiện mẩu tin tài trợ của các bộ ngoại giao Úc và Anh. Họ khuyến cáo người Việt không nên rủi ro tìm cách nhập cảnh trái phép vào những quốc gia này. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có người nhập cư nhiều nhất vào Úc, và không hiếm các trường hợp là nhập cư bất hợp pháp.

Dù theo hướng nào, số liệu cho thấy số người Việt Nam đi ra nước ngoài đang tăng lên nhanh chóng. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), từ năm 1990-2015, có hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Để đáp ứng yêu cầu của các nước tiếp nhận, nhiều người phải chi trả những khoản “đầu tư” khổng lồ, như ví dụ nêu trên. Năm ngoái, thông tin người Việt chi đến hơn 3 tỉ đô la Mỹ để mua nhà tại Mỹ, đứng trong tốp 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất, khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng nếu biết đầu tư bất động sản là một trong những hình thức dễ nhất để có “thẻ xanh”, có lẽ con số này không phải quá bất ngờ.

Với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là ở khía cạnh hoạt động kinh tế và giao thông vận tải, xu hướng nhiều người Việt lựa chọn ra nước ngoài định cư là không tránh khỏi. Dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể về tăng trưởng, cải thiện môi sinh, hay giáo dục, Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển với nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường sống.

Khi người Việt giàu lên - hiện nay 13% dân số Việt Nam đạt chuẩn trung lưu thế giới, theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới - tất yếu họ sẽ có yêu cầu cao hơn về chất lượng sống. Một số có thể lựa chọn sống trong những khu đô thị cao cấp trong nước, còn một số khác lựa chọn đi đến những nước phát triển. Một tấm hộ chiếu, dù là ở những nước không mấy tên tuổi như Malta, Moldova, hay Latvia, cũng có thể coi như là một loại bảo hiểm nhân thọ của những người có tiền.

Có nhiều ý kiến bi quan về làn sóng này. Nó không đến từ những người ra đi, mà từ quyết tâm của họ. Khi một người bỏ ra đến hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đô la Mỹ, và hàng năm trời vất vả, chỉ để có quốc tịch một nước nhỏ bé nào đó tại châu Âu, thì đó cũng tương đương mức giá mà họ sẵn sàng chi trả để rời bỏ Việt Nam. Bỏ qua các vấn đề về sở thích, điều này là một dấu hiệu cho cảm nhận chung về chất lượng sống trong nước. Nó cũng giống như khi bạn lựa chọn chuyển nhà: chi phí của nơi ở mới phần nào đánh giá sự không hài lòng với ngôi nhà cũ.

Thêm vào đó, những người đi theo dạng “đầu tư định cư” phần lớn là các doanh nhân hoặc người có tài sản lớn. Khi ra đi, họ không chỉ mang theo tài sản, mà cùng với đó là cả các hoạt động kinh tế mà có thể tạo ra thêm nhiều hơn nữa của cải và việc làm cho xã hội. Nói đơn giản, đất nước sẽ mất cùng một lúc hai thứ: tiền và chất xám.

Câu chuyện sẽ còn tệ hơn nếu những người “mua” hộ chiếu là quan chức tha hóa, hoặc những cá nhân vi phạm pháp luật và có ý định bỏ trốn ra nước ngoài. Vấn đề khi đó không đơn thuần là về mặt kinh tế, mà còn là thực thi công lý. Nước láng giềng Trung Quốc rơi vào tình huống như vậy, khi hàng loạt quan chức trốn ra nước ngoài sau khi bị điều tra và truy tố, khiến cho nước này hết sức khó khăn để xử lý. Báo chí Việt Nam đã từng lùm xùm về chuyện một đại biểu Quốc hội nhưng có quốc tịch Malta. Bà này sau đó đã bị Quốc hội bãi bỏ tư cách đại biểu.

Tôi nghĩ việc ngày có càng nhiều người Việt định cư ở nước ngoài là dấu hiệu tích cực, dù bằng cách “đầu tư” hay những cách hợp pháp khác. Đó có thể là sự phôi thai của một thế hệ người Việt mới, cởi mở và toàn cầu hơn. Những chân rết của người Việt có mặt khắp nơi trên thế giới cũng mang lại nhiều lợi ích. Kiều hối của Việt Nam luôn tăng mạnh sau mỗi năm. Nhiều doanh nhân, học giả, hay nhà văn hóa người Việt luôn hướng về quê hương, và hỗ trợ hết mình cho Tổ quốc một cách vô điều kiện.

Nguyễn Khắc Giang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279188/nguoi-o-nguoi-di-thoi-toan-cau-hoa-.html