Người nuôi tôm, doanh nghiệp cần thiện chí từ phía ngân hàng
Tại buổi Cà phê doanh nghiệp lần thứ 11 tổ chức vào sáng nay, 13/4, do ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, có nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp nuôi tôm siêu thâm canh trong tỉnh phản ánh khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh, lo lắng về nhiều rủi ro của ngành nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay: “Giá tôm nguyên liệu không ổn định, giá nguyên liệu đầu vào cao; thêm vào đó là chữ “ tín” trong sản xuất kinh doanh còn lỏng lẻo; doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn bắt buộc phải có tài sản thế chấp, vì ngân hàng còn có những nguyên tắc phòng ngừa rủi ro trong quá trình đầu tư. Phải tăng cường công tác truyền thông mô hình để dân thấy được hiệu quả, nhân rộng mô hình trong dân và hợp tác xã”.
Các doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã cần lưu ý; ngân hàng có nhiều tiêu chí, hạn mức vay do hội sở quyết định, các chi nhánh tại tỉnh không quyết được; tham gia cuộc chơi này, mỗi bên phải có trách nhiệm với nhau.
Đại diện Hợp tác xã Nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) tiếp tục có ý kiến về ý tưởng, giải pháp điện xoay chiều trong nuôi tôm công nghệ cao; điều khiển điện không tiếp xúc thông qua thiết bị thông minh.
Ông Quách Văn Ấn, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cho biết: “Đây là ý tưởng rất hay và phù hợp trong thời điểm mô hình nuôi tôn siêu thâm canh đang phát triển hiện nay. Các ý tưởng này nằm trong phần cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích; từ buổi cà phê tuần trước sở đã cử cán bộ hướng dẫn làm hồ sơ cho lĩnh vực phù hợp; sẽ có hội đồng đánh giá từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; chủ ý tưởng, dự án cứ liên hệ ngay; sở đã ưu tiên và sẵn sàng hỗ trợ”.
Anh Lâm Quốc Nhựt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau, Giám đốc Công ty HaloFai (thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân), chia sẻ: “Đề nghị UBND tỉnh đầu tư nguồn vốn khuyến công để doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc hiện đại; hỗ trợ nông dân trong vùng nguyên liệu”.
Sở Công thương tỉnh thông tin thêm: Doanh nghiệp cần có thể liên hệ ngay với sở, nếu phù hợp sẽ bổ sung vào kế hoạch hỗ trợ năm 2024; vì thời điểm đăng ký danh sách vào đầu quý 3/2024.
“Doanh nghiệp cứ an tâm đầu tư về trang thiết bị máy móc, nhà xưởng; không quá lo về vấn đề nguyên liệu cây quao và ô rô; vì ở những tuyến đê biển Tây trong tỉnh rất có tiềm năng trồng các loại cây nhiệm vụ chịu mặn này. Nếu dự án khả thi sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phát triển vùng nguyên liệu”, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
“Tôi đánh giá cao mô hình sản xuất nông nghiệp mặn của Công ty HaloFai; ngành chuyên môn nên xem xét nguồn quỹ khuyến công của tỉnh, cái nào có lợi cho doanh nghiệp thì hỗ trợ. Về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với cảnh quan nông thôn, doanh nghiệp phải tính bài toán nhu cầu sử dụng nguyên liệu của từng thời điểm, tránh tình trạng sản xuất hàng hóa nhưng không tiêu thụ được như thời gian qua”, ông Lâm Văn Bi nhấn mạnh./.