Người nuôi tôm 'đắng lòng' sau bão

Bão số 12 đi qua, để lại muôn vàn khó khăn cho người dân vùng biển các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên...

Người nuôi tôm thiệt hại nặng

Hậu quả cơn bão để lại, hàng ngàn lồng nuôi trồng thủy sản; đặc biệt là lồng bè nuôi tôm hùm của hàng trăm hộ dân tại 2 địa phương nói trên bị thiệt hại. Ước tính chưa đầy đủ của chính quyền tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên riêng kinh tế biển thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Người dân vùng biển nuôi trồng thủy sản, trong chốc lát trở thành tay trắng.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản bị trôi dạt trên biển

Riêng tại Khánh Hòa, bão số 12 gây thiệt hại kinh tế hơn 7.000 tỷ đồng; trong ngành thủy sản thiệt hại hơn 585 tỷ đồng. Hầu hết các địa phương của Khánh Hòa đều có thiệt hại; đặc biệt vùng tôm Vạn Ninh là thiệt hại nghiêm trọng nhất.

Mấy ngày nay vợ chồng chị Cao Thị Yến Châu, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) thất thần khi nhìn bè nuôi trồng thủy sản ở khu vực Cồn Cỏ bị bão đánh chìm, bao nhiêu vốn liếng của gia đình và vay ngân hàng đầu tư hàng chục lồng bị mất trắng sau bão. Những thứ còn vớt vát không ngoài những tấm lưới lồng rách nát và những con tôm hùm đã chết vì bão giật.

Khi hỏi về mức độ thiệt hại, chị Châu không cầm được nước mắt và chia sẻ trong nghẹn ngào, hơn 20 lồng nuôi tôm hùm hơn 1.000 con, trọng lượng 0,3-0,5 kg/con và 20 lồng cá bớp trên 2.000 con đã đến ngày thu hoạch, trọng lượng 4-5kg/con. Thế nhưng chưa kịp xuất bán, bão 12 ập vào, tất cả giờ tan theo bọt nước, ước thiệt hại trên 2 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngoài số vốn vay từ ngân hàng; gia đình còn đi vay bên ngoài hơn 1 tỷ đồng. Cá tôm mất sạch, bây giờ không biết làm đến khi nào mới trả hết nợ. Đến chiếc ghe để kiếm cơm giờ cũng bị bão đánh vỡ làm đôi…

Cái xứ sở tôm hùm nhộn nhịp người bán người mua, tấp nập xuồng máy ngày nào, giờ thay vào đó là cảnh đìu hiu, hoang tàn… Không riêng gia đình chị Châu nuôi tôm hùm, cả những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng cũng trở thành nạn nhân của cơn bão số 12. Ở vùng nuôi tôm ở thôn Ninh Mã (Vạn Ninh), các bè nuôi tôm thẻ chân trắng của nhiều gia đình bây giờ tan hoang. Muốn phục hồi phải mất vài tháng. Người thiệt hại ít cũng vài trăm triệu, còn nhiều lên đến nhiều tỷ đồng.

Người dân xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) cũng rơi vào cảnh tương tự. Bão vào, nước biển bất ngờ dâng cao, tràn vào các bãi đầm nên tôm bơi đi hết. Ngoài ra, nhiều công trình ao nuôi bị phá hủy buộc phải đầu tư lại từ đầu. Hộ anh Lê Quang Duy, với 16 ô nuôi tôm và ốc hương, diện tích ao bình quân từ 2.000-5.000m2/ao đều bị sạt lở. Cá tôm, ốc chết nằm la liệt đành thu hoạch non, ước tính, thiệt hại ít nhất khoảng 6 tỷ đồng.

Cần sớm có chính sách hỗ trợ

Theo ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ, đúng là hầu hết người nuôi trồng thủy sản ở địa phương đều có vay vốn ngân hàng. Sau cơn bão, toàn xã ngoài 47ha ao tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại, còn có 10ha ốc, hàng chục lồng nuôi cá ở ven biển bị xóa sổ; tổng giá trị thiệt hại ước khoảng hàng chục tỷ đồng.

Nếu nhà nước không có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ thì bà con không thể nào khôi phục sản xuất. Ông Lộc cho hay, hai ao nuôi trên bạt của gia đình giờ muốn nuôi lại phải đổ đất đắp ao, rồi trải bạt và mua toàn bộ thiết bị mới. Dự kiến số tiền sửa chữa tốn hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra chưa kể sau khi phục hồi xong ao rồi, còn mua giống, mua thức ăn để nuôi.

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, sau khi bão vừa tan ngành thủy sản Khánh Hòa nhanh chóng triển khai giải pháp ban đầu khắc phục hậu quả. Theo đó, đối với tàu thuyền bị chìm Chi cục huy động toàn bộ các tàu kiểm ngư, tuần tra phối hợp với các chủ tàu cá trục vớt. Còn với nuôi trồng thủy sản Chi cục chỉ đạo các trạm bám cơ sở cùng dân khắc phục hậu quả, nắm bắt và cập nhập số liệu.

Về giải pháp giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục lại sản xuất, ông Chánh kiến nghị, nên hỗ trợ người dân thiệt hại theo chính sách nhà nước. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp giúp đỡ.

Thứ 2, để người dân tái sản xuất nhà nước cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay ưu đãi lãi suất thấp. Bởi lẽ, hầu hết hiện nay người nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa đều vay vốn ngân hàng để đầu tư.

Thứ 3, đối với những người hoạt động khai thác thủy sản bị mất nghề nghiệp (chìm phương tiện) hướng giải quyết nên tổ chức lại liên kết, hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu cá khai thác xa bờ. Trong đó, nên hỗ trợ theo hướng đối với tàu hoạt động các nghề vây, mành chụp vì thời gian qua các nghề này đánh bắt trong tỉnh rất hiệu quả.

Còn ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa đề xuất, đối với lồng bè hiện nay chủ yếu bằng gỗ đã hư hỏng hết, nếu hỗ trợ người nuôi làm bè thì số lượng rất lớn và cũng không có đủ gỗ. Qua việc thiệt hại này sẽ là dịp chúng ta tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản; trong đó cần sắp xếp lại lồng bè, quy hoạch vùng nuôi, đối tượng nuôi… gắn với thị trường.

Nếu được tổ chức thế giới hỗ trợ bằng bè kiểu Na Uy, thì sẽ hỗ trợ lồng nuôi này thành nhóm những người nuôi thiệt hại, rồi thành lập tổ hợp tác cùng nuôi chung. Đồng thời sắp xếp lại thành cụm nuôi theo quy hoạch cho bền vững.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, bão đổ bộ vào gây thiệt hại lớn cho tỉnh Khánh Hòa. Thiệt hại nặng nhất phải kể đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với hơn 24.000 ô lồng nuôi thủy sản các loại bị bão đánh chìm, ước thiệt hại ban đầu khoảng 330 tỷ đồng và 1.020ha ao đìa nuôi bị hư hỏng thiệt hại khoảng 183 tỷ đồng.

Về tàu thuyền có đến 1.208 chiếc bị sóng đánh chìm, chủ yếu tàu dưới 90CV, ước thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng. Do đó, chính quyền và các ngành chức năng cần sớm có giải pháp để khắc phục và hỗ trợ người dân tái sản xuất.

Bài và ảnh Chí Thiện – Nhất Nam

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nguoi-nuoi-tom-dang-long-sau-bao-70006.html