Người nuôi heo ở Bình Dương mong được hỗ trợ để tái đàn

Nhiều trang trại, hộ chăn nuôi ở Bình Dương tính đến việc sớm tái đàn, nhất là khi giá heo đang ở mức cao. Tuy nhiên, các hộ đang gặp khó khăn về vốn.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi heo, từ quy mô nhỏ lẻ, gia đình ông Bùi Duy Hinh, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên đã phát triển thành trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô hàng trăm con heo nái và hàng ngàn con heo thịt. Tất cả số tiền đầu tư cho trang trại hơn 3 tỷ đồng ông đều phải vay mượn từ ngân hàng.

Đầu tư bài bản và có những biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng đợt dịch vừa qua trang trại của ông cũng không thoát khỏi cảnh tiêu hủy cả ngàn con heo. Nhìn trang trại trống không, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt người nông dân vốn nhiều hy vọng và tâm huyết với nghề.

Giờ đây, cứ nghĩ đến số tiền lãi hàng tháng phải trả ngân hàng trong khi chưa có thu nhập, ông vừa buồn rầu, vừa nóng lòng muốn chăn nuôi trở lại. Nhưng chỉ có cách là ngân hàng gia hạn nợ, thậm chí là khoanh nợ, giãn các khoản lãi thì ông và nhiều hộ chăn nuôi khác mới có thể khôi phục trang trại.

“Tôi rất mong cơ quan, chính quyền cấp trên có tác động nào đó để ngân hàng giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ và giảm lãi suất cho các hộ/trại chăn nuôi vì chưa có thu hoạch. Về lãi suất đóng hàng tháng thì xin giảm một mức độ phù hợp cho người dân và cho ngân hàng”, ông Hinh chia sẻ.

Chủ trang trại nuôi thử một vài con để đảm bảo đã hết dịch mới nhập thêm con giống.

Chủ trang trại nuôi thử một vài con để đảm bảo đã hết dịch mới nhập thêm con giống.

Huyện Phú Giáo được coi là thủ phủ nuôi heo của Bình Dương, đợt dịch vừa qua cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề với số heo buộc tiêu hủy gần 35.000 con. Địa phương này đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch bệnh mới, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang rục rịch tái đàn. Tuy nhiên, điều các hộ chăn nuôi lo lắng là dịch bệnh sẽ quay trở lại nên rất cần được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, con giống.

Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Thú y Phú Giáo cho biết, huyện đang khuyến khích các trang trại lớn chia sẻ con giống chất lượng cho các trại nhỏ. Công tác phòng chống lây lan dịch bệnh cũng đang được địa phương này chú trọng để giúp người dân yên tâm tái đàn.

“Trạm thường xuyên kiểm tra nguồn gốc nhập về các trại chăn nuôi đảm bảo nguồn heo khỏe mạnh, có xét nghiệm âm tính với dịch bệnh, đặc biệt dịch tả heo châu Phi. Hộ dân nhỏ lẻ, muốn tái đàn phải đăng ký với chính quyền địa phương số con, địa chỉ cụ thể để ngành chức năng nắm tổng đàn có kế hoạch, kiểm tra, tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh nhằm hạn chế lây lan thấp nhất trong quá trình chăn nuôi”, ông Trần Minh Đức cho biết.

Tính đến đầu tháng 12/2019, Bình Dương có gần 1.400 hộ/trại chăn nuôi tại 83 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi và có hiện tượng heo chết bất thường. Tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy lên đến hơn 87.000 con, chiếm 13% tổng đàn heo của tỉnh, gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế của địa phương cũng như người chăn nuôi. Bình Dương cũng đã chi trên 106 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy.

Hiện, người dân tái đàn ồ ạt khi giá heo hơi tăng, nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại là rất cao. Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân muốn tái đàn trong thời điểm “nhạy cảm” này thì phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.

Quan trọng nhất là thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học từ nhập nguồn con giống sạch bệnh, thức ăn bảo đảm đến làm tốt công tác vệ sinh thú y, tiêm đầy đủ các loại vaccine nâng cao sức đề kháng cho heo. Việc nhập đàn phải được thực hiện theo từng bước, ban đầu nuôi thử vài con rồi lấy mẫu đi xét nghiệm, khi bảo đảm đàn heo đang nuôi không bị dịch bệnh mới nhập số lượng lớn.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi Cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh yêu cầu không tái đàn ồ ạt mà chỉ tái đàn ở những khu vực an toàn: “Để chăn nuôi trong thời điểm này, trước mắt hộ-trại chăn nuôi phải đáp ứng được quy chuẩn chuồng trại, cách biệt khu dân cư, xa đường giao thông, có hàng rào ngăn cách để kiểm soát và có đàn giống hạt nhân cung ứng. Ngoài ra, các chủ trang trại phải có quy trình quản lý thật nghiêm ngặt trong nội bộ của trại và xuất bán”.

Thực tế sau đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, chính quyền và ngành chức năng Bình Dương ngoài việc kiểm soát dịch bệnh, nên có những chính sách hỗ trợ; đào tạo, tập huấn kiến thức về chăn nuôi an toàn để các trang trại, hộ chăn nuôi có thể tự mình phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”./.

CTV Thiên Lý/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-nuoi-heo-o-binh-duong-mong-duoc-ho-tro-de-tai-dan-988392.vov