Người nuôi cá tra ở An Giang khó khăn vì doanh nghiệp thủy sản vỡ nợ

Việc Công ty cổ phần Việt An (Anvifish) chây ỳ trả nợ, còn nông dân trong chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco) phải gánh nợ thay cho doanh nghiệp đang khiến nhiều hộ dân nuôi cá tra tỉnh An Giang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do hai doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu cá tra bỏ trốn ra nước ngoài, đã để lại món nợ khoảng 380 tỷ đồng tiền mua cá của nông dân và hơn 2.360 tỷ đồng nợ các ngân hàng thương mại.

Nhà máy thuộc Công ty cổ phần Việt An. Tổng giám đốc công ty này là Lưu Bách Thảo bỏ trốn ra nước ngoài và để lại món nợ hơn 1.800 tỷ đồng.

Việc Công ty cổ phần Việt An (Anvifish) chây ỳ trả nợ, còn nông dân trong chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco) phải gánh nợ thay cho doanh nghiệp đang khiến nhiều hộ dân nuôi cá tra tỉnh An Giang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do hai doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu cá tra bỏ trốn ra nước ngoài, đã để lại món nợ khoảng 380 tỷ đồng tiền mua cá của nông dân và hơn 2.360 tỷ đồng nợ các ngân hàng thương mại.

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn ra nước ngoài

Báo Nhân Dân nhận được đơn cầu cứu khẩn cấp của 33 hộ dân tố cáo Công ty cổ phần Việt An (Anvifish) có trụ sở ở phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang nợ tiền mua cá hơn bốn năm nhưng chây ỳ, không trả nợ. Trong đơn các hộ dân trình bày, năm 2013, họ có hợp đồng bán cá cho Anvifish với số lượng lớn để đơn vị này chế biến xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Theo hợp đồng ký kết, khi giao cá, công ty sẽ trả đủ tiền sau một tháng. Tuy nhiên, sau khi nhận đủ hàng, Anvifish chiếm dụng toàn bộ số tiền bán cá của nông dân.

Cuối tháng 4-2014, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Anvifish là ông Lưu Bách Thảo đột ngột đi Mỹ rồi... không hẹn ngày trở lại Việt Nam. Vào thời điểm nêu trên, số nợ của Anvifish là hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ 33 hộ nông dân bán cá lên tới 300 tỷ đồng; còn lại là các ngân hàng. Ông Ngô Văn Thu, em rể ông Lưu Bách Thảo và là người kế nhiệm đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Anvifish hiện nay xác nhận với Báo Nhân Dân: Công nợ tính đến thời điểm hiện tại của công ty là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó, nợ 33 hộ dân nuôi cá hơn 127 tỷ đồng.

Tháng 11-2016, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Thái Sơn và vợ là Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco), trụ sở tại thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, đi xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc rồi cũng... không trở lại Việt Nam. Ðáng chú ý, công ty này chính là doanh nghiệp đầu mối thực hiện chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco thí điểm đầu tiên tại tỉnh An Giang từ ngày 28-5-2014. Việc thành lập chuỗi liên kết cá tra là một chủ trương lớn và đúng đắn được thực hiện trên cơ sở Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ nhằm tổ chức cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Thế nhưng, chỉ mới "ra đời" hơn hai năm, chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco tỉnh An Giang đã đổ vỡ... với món nợ ban đầu lên tới 771 tỷ đồng, trong đó, nợ tiền mua cá của nông dân hơn 80 tỷ đồng.

Người nuôi cá thiệt hại nặng nề

Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco tỉnh An Giang chính thức thực hiện thí điểm từ ngày 28-5-2014 với thời hạn hai năm. Báo cáo sơ kết của UBND tỉnh An Giang ngày 17-3-2016 cho thấy, chuỗi liên kết cá tra đã mang lại hiệu quả và ổn định trong hầu hết thời gian thí điểm ban đầu. Thế nên, UBND tỉnh An Giang đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gia hạn thời gian thực hiện thí điểm của chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco thêm hai năm, tức đến năm 2018 và được chấp thuận.

Theo báo cáo ngày 5-3-2016 về việc cho vay thí điểm đối với chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco của Agribank An Giang, doanh số cho vay đạt 447 tỷ đồng. Trong đó, cho vay đối với Tafishco để thực hiện theo chuỗi là 239 tỷ đồng và với 13 hộ dân trong chuỗi là 208 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, vì thế, theo quy trình cho vay, các hộ dân không trực tiếp nhận tiền, mà chỉ nhận bằng thức ăn nuôi cá. Sau đó đối chiếu chứng từ, Agribank An Giang tiến hành giải ngân chi trả tiền mua thức ăn nuôi cá của nông dân. Theo hợp đồng nguyên tắc ba bên giữa Tafishco, Agribank An Giang và người nuôi cá, Agribank An Giang cung cấp tín dụng bằng thức ăn nuôi cá cho nông dân, không giải ngân bằng tiền mặt như các hợp đồng tín dụng thông thường; còn người nuôi cá sau khi bán cá cho Tafishco là xem như hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng ba bên; trách nhiệm thu nợ còn lại là của Agribank An Giang đối với Tafishco... Agribank An Giang có trách nhiệm giám sát dòng tiền từ khâu giải ngân đến thu nợ. "Hoạt động này của chuỗi đã ổn định được hơn hai năm, dòng tiền cũng đi đúng định hướng ban đầu. Thế nhưng, mọi rắc rối bắt đầu từ khi lãnh đạo Tafishco bỏ trốn ra nước ngoài từ ngày 17-11-2016", ông Nguyễn Văn Tấn, người nuôi cá tra ở huyện Châu Phú, một trong 13 hộ dân tham gia chuỗi liên kết, cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tấn bức xúc cho biết thêm: "Càng lạ hơn là khi Agribank An Giang yêu cầu nông dân phải nhận nợ thay cho Tafishco, nếu không họ sẽ đưa chúng tôi vào nhóm nợ xấu. Chúng tôi không đồng ý vì đã thực hiện đúng hợp đồng nguyên tắc. Vậy nên, Agribank đã đưa chúng tôi vào nợ xấu nhóm 5 và phong tỏa tài sản của chúng tôi. Căn cứ hợp đồng nguyên tắc ba bên thì khi nông dân bán cá cho Tafishco, có xác nhận, đối chiếu số lượng, công nợ thì trách nhiệm thu nợ còn lại là của Agribank An Giang với Tafishco. Chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng".

Theo ông Nguyễn Danh Cởn, một hộ dân ở huyện Thoại Sơn tham gia chuỗi liên kết, và nhiều hộ dân tham gia chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco tỉnh An Giang, trong vụ đổ vỡ của chuỗi liên kết có phần trách nhiệm của Agribank An Giang. Khi lãnh đạo Tafishco đi nước ngoài rồi biệt tích vào tháng 11-2016 thì Agribank An Giang cũng bất ngờ đơn phương chấm dứt việc giải ngân cho vay bằng thức ăn nuôi cá đối với các hộ dân tham gia chuỗi, dù thời hạn của chuỗi vẫn còn. "Cá của chúng tôi bị bỏ đói, dẫn đến dịch bệnh và chết vì không được cung ứng thức ăn. Chúng tôi phải bán cá non, bán đổ bán tháo gây thiệt hại nặng nề".

Phó Tổng giám đốc Tafishco Hoàng Hữu Thành cho biết, tháng 1-2017, ông đã lập phương án cơ cấu lại hoạt động sản xuất của công ty gửi UBND tỉnh An Giang và Agribank An Giang. Trong đó có nhiều phương án, ông Thành cho rằng rất khả thi, như kế hoạch gia công sản xuất cá tra cho các đối tác hoặc tái sản xuất. Nhưng Agribank An Giang không chấp thuận.

Trong khi đó, thời điểm ông Lưu Bách Thảo bỏ trốn ra nước ngoài, số nợ của Anvifish lên đến hơn 1.800 tỷ đồng. Nhờ có sự can thiệp kịp thời và quyết liệt của lãnh đạo tỉnh An Giang, cùng cách hành xử đúng đắn của các ngân hàng, chỉ trong bốn năm qua, dư nợ của công ty này đã giảm gần một nửa.

Vì thế, thật khó hiểu khi các cơ quan chức năng tỉnh An Giang "khai sinh" chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco nhưng không có trách nhiệm quyết liệt để giải quyết đổ vỡ, để người nông dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề và có nguy cơ phải trả nợ thay doanh nghiệp, dù họ không vi phạm.

Nông dân không vi phạm hợp đồng

Phó Tổng giám đốc Tafishco Hoàng Hữu Thành khẳng định, trong việc thực hiện chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco, tất cả những hộ dân tham gia nuôi cá tra cung ứng cho chuỗi đều thực hiện tốt và đúng tất cả các điều khoản của hợp đồng. Cùng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang Trần Văn Cường cho biết, qua xem xét rất kỹ hồ sơ, ông chưa tìm ra được lỗi của người nông dân trong vụ phá vỡ chuỗi liên kết này. “Nông dân thực hiện đúng điều khoản quy định giao cá cho Tafishco là hoàn thành nghĩa vụ”, ông Cường khẳng định.

Bài và ảnh: BÙI QUỐC DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/37229902-nguoi-nuoi-ca-tra-o-an-giang-kho-khan-vi-doanh-nghiep-thuy-san-vo-no.html