Người nước ngoài 'sốc văn hóa' khi đến Việt Nam: Đừng ngạc nhiên!

Nhiều người đã ngạc nhiên, thậm chí bắt đầu tranh luận khi Navigos Group đưa ra báo cáo về 'Ứng viên nước ngoài: Kỳ vọng và thách thức khi làm việc tại Việt Nam', trong đó có câu chuyện gần 60% các ứng viên nước ngoài sốc… văn hóa Việt.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Càng ngạc nhiên hơn khi họ định nghĩa “sốc văn hóa” được biểu hiện ở việc khó khăn trong giao tiếp (29%); thiếu gắn kết với cộng đồng xã hội và sự hỗ trợ (16%); khó khăn khi hòa nhập với môi trường mới và văn hóa bản địa (15%); cảm thấy cô đơn và sự cô lập (15%).

Thêm nữa, trừ nguyên nhân rào cản ngôn ngữ (29%) thì có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc người nước ngoài “sốc văn hóa” Việt khiến nhiều người… ngạc nhiên. Đó là, sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế - môi trường, văn hóa bản địa, các mối quan hệ (27%) và thiếu sự thấu hiểu (18%).

Tại sao lại ngạc nhiên? Tại vì lâu nay người Việt vẫn luôn được bạn bè quốc tế khen là thân thiện, hiếu khách, vậy mà sao giờ đây lại có đến gần 60% người nước ngoài khi đến Việt Nam làm việc lại cảm thấy khó khăn khi hòa nhập với văn hóa bản địa, thiếu sự thấu hiểu và cảm thấy cô đơn, cô lập.

Rõ ràng, đây là câu trả lời thẳng thắn dành cho người Việt để xem lại thực chất của cách ứng xử vẫn được ngợi khen là “thân thiện, hiếu khách” kia.

Bên cạnh đó, các ứng viên nước ngoài đã rất thành thực trong đánh giá, nhận xét về văn hóa ứng xử hiện nay của người Việt.

Đằng sau những cái gọi là “thân thiện, hiếu khách, tương thân tương ái” thì dường như văn hóa ứng xử của người Việt đang ngày càng chuộng kiểu giao đãi, hình thức mà không phải là sự thấu hiểu, sẻ chia.

Đâu cần nói đến người Tây sang ta làm việc mới cảm thấy cô đơn, cô lập mà ngay giữa người Việt với người Việt, thậm chí ngay mối quan hệ ruột rà trong gia đình người Việt bây giờ nhiều khi cũng không tìm được tiếng nói chung khiến mỗi người mỗi nẻo.

Thế nhưng, cũng ở câu chuyện này, bao người lại không còn ngạc nhiên nữa mà đã phải gật đầu tắp lự khi tiếp nhận thông tin: Có đến 50% ý kiến cho biết “phong cách quản lý chỉ đạo từ trên xuống” là mô tả đúng nhất về cách quản lý tại nơi làm việc ở Việt Nam.

Gật đầu tắp lự để rồi thầm cảm ơn những ứng viên quốc tế đã chân thành chỉ cho các CEO Việt tiến tới một “phong cách lãnh đạo toàn cầu” thời 4.0. Đó là phong cách tạo ra “môi trường làm việc đa dạng hóa” và xây dựng một “nền văn hóa doanh nghiệp giao thoa” chứ không phải khư khư kiểu lãnh đạo tạo rào cản về văn hóa và phong cách làm việc đầy khó chịu kia.

Vậy đấy, đừng ngạc nhiên rồi vội vàng tranh luận. Hãy biết lắng nghe để thay đổi!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nguoi-nuoc-ngoai-soc-van-hoa-khi-den-viet-nam-dung-ngac-nhien-4028453-b.html