Người nước Nam làm quan ở Trung Quốc xưa

Trong lịch sử, có những người Nam ta làm quan to ở triều đình phong kiến Trung Quốc xưa. Họ đã để lại những dấu ấn khó phai mờ, được lịch sử cả hai nước ghi nhận.

Nói về những "người Nam làm quan nước Tàu" không thể không nhắc tới bốn ông Lý Tiến, Lý Cầm, Lý Ông Trọng và Khương Công Phụ. Trong đó, hai ông Lý Tiến, Lý Cầm tuy sinh vào thời Bắc thuộc mà đã biết đòi lấy quyền được ngang hàng, bình đẳng giữa nhân tài nước ta và nhân tài Trung Hoa xưa trong việc tuyển cử làm quan.

Bìa sách Đại Nam dật sử - Sử ta so với sử Tàu.

Bìa sách Đại Nam dật sử - Sử ta so với sử Tàu.

Còn hai ông Lý Ông Trọng và Khương Công Phụ cũng là người nước Nam làm đến tể tướng, sự nghiệp cá nhân tuy có vẻ vang nhưng chỉ có lợi cho nước người mà thôi, không có ích gì cho nước mình cả. Vì thế mới có câu ca dao rằng: “Gáo vàng đem múc giếng tây, khôn ngoan cho lắm, tớ thầy người ta”, tức chê hai ông tuy tài giỏi mà làm quan với nước láng giềng, thực phí cái đời thông minh xuất chúng.

Nhưng ý kiến cũng là ý kiến làm vậy, chứ mỗi nhân vật lịch sử đều có số phận riêng của mình, tất cả cần được nhìn nhận trong mối tổng hòa giữa các sự kiện, biến thiên của thời đại lẫn của từng cá nhân riêng lẻ.

Những người làm quan triều Hán

Bốn nhân vật trên đây được Ứng Hòe - Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947) viết trong cuốn Đại Nam dật sử - Sử ta so với sử Tàu. Cuốn sách chia làm hai phần, là các bài rút trên hai tờ tạp chí Tri TânThanh Nghị. Trong đó, “dật sử” có nghĩa là bộ sử bị thất tán nhiều, hay bộ sử ghi lại những sự việc không đầy đủ, đã không còn mấy người biết rõ.

Theo tác giả thì Đại Nam dật sử là “lấy sách chữ Nho, dịch ra đây, phần nhiều chưa ai chép ra quốc ngữ, không so sánh sử ta sử Trung Quốc xưa, không tra xét tên người tên đất, chỉ chép cho thành truyện, để hiến độc giả một ít tài liệu mà xưa nay chưa ai chép đủ”.

Còn Sử ta so với sử Tàu có mục đích khác hẳn với Đại Nam dật sử. Khi mà Đại Nam dật sử là một công trình tổng, còn Sử ta so với sử Tàu là công trình phân tích. Như lời tác giả nói thì: “Sử học cũng như khoa học, không chủ yếu làm sách cho dày, chỉ cốt tìm được nhiều điều mới, xưa nay chưa ai nói đến, hoặc chữa những chữ của người trước chép sai. Nếu kê cứu đâu ra đấy, thì tự khắc có người gộp ý lại, để dọn thành sách phổ thông. Lúc bấy giờ mới làm thành sách dày, mới gọi là tổng hợp, trước kia còn là phân tích”.

Đại Nam dật sử - Sử ta so với sử Tàu, ngoài những thông tin, dữ liệu lịch sử dày đặc thì những vấn đề lịch sử được nhìn nhận một cách khách quan, đa chiều và cẩn trọng mà chi tiết. Qua đó, độc giả cũng dễ dàng thấy được tự tôn dân tộc, hào khí quốc gia cũng như tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm thông qua từng câu chuyện cụ thể như: Cù Hậu và Lữ Gia; Đỗ Viện là người Nam hay người Tàu; Người Nam là quan Tàu, v.v…

Trở lại với bốn nhân vật người Nam làm quan ở nước Trung Hoa xưa. Đầu tiên là Lý Tiến và Lý Cầm. Lý Tiến làm thứ sử châu Giao về đời Hán. Thứ sử là quan đầu tỉnh, nước ta bấy giờ cũng như một tỉnh của nhà Hán cho nên thứ sử cũng như vua nước Nam về sau. Ở đây, Lý Tiến là người nước Nam, lại được thống trị nước Nam vào thời Bắc thuộc thật là một việc ít có.

Còn Lý Cầm làm đến ty lệ hiệu úy nhà Hán. Điểm nổi bật để người dân nước Nam nhớ hai ông là ông thường xin với vua quan triều Hán cho nhân tài nước ta được tuyển cử ngang hàng với nhân tài Trung Hoa xưa. Sau kết quả vua nhà Hán cho một người mậu tài (tú tài) làm quan lệnh (tri huyện) Hạ Dương, một người hiếu liêm (cử nhân) làm quan lệnh Lục Hợp và Trương Trọng làm thái thú Kim Thành.

Người được dựng tượng, lập đền thờ ở Trung Quốc

Còn Lý Ông Trọng người huyện Từ Liêm (bây giờ là phủ Hoài Đức), mình dài “hai trượng ba thước”. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Ông Trọng là người khí chất khác với người thường: lúc nhỏ làm huyện lại, bị đốc bưu đánh, ông than rằng: “Người ta sinh ra ở đời, lại chịu như thế ư!” rồi sang nước bạn học kinh truyện làm quan nhà Tần đến chức tư lệ hiệu úy.

Khi Tần Thủy Hoàng được thiên hạ, thôn tính cả sáu nước (Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở) sai Lý Ông Trọng đem binh giữ Lâm Thao, nổi tiếng sang đến Hung nô. Tần Thủy Hoàng lấy ông làm điềm lành cho nước, nên đến khi ông về vườn, mất ở làng, Tần Thủy Hoàng sai đúc tượng đồng, đặt ở cửa Hàm Dương. Sau đó, Tần Thủy Hoàng ngầm sai người lay động: Hung nô đến nước Tần trông thấy, cho là Lý Ông Trọng hãy còn sống, không dám xâm phạm.

Tranh vẽ mô tả cảnh binh lính nhà Tần đẩy tượng Lý Ông Trọng để đuổi quân Hung Nô. Ảnh: Huyền sử đời Hùng.

Khương Công Phụ, người xã Sơn Ổi, huyện Yên Định, quận Cửu Chân tức Thanh Hóa bây gờ. Cha là Đĩnh, em là Công Phục, đều đỗ tiến sĩ đời Đường. Em Công Phục làm quan đến Bắc quận thái thú. Công Phụ vốn người có tài nên mỗi lần ra mắt vua, thường tâu bày rõ ràng nên vua Đức Tông rất quý trọng.

Cuộc đời ông chịu nhiều chìm nổi, ghen ghét của quan lại cùng triều, cuối cùng khi vua Thuận Tông lên ngôi nhà Đường, cho Công Phụ làm thứ sử Cát Châu, nhưng chưa kịp tới chỗ làm quan thì mất. Công Phụ còn có tài văn hay, bài Bạch Vân Chiếu xuân hải (Mây trắng chiếu bể xuân) được đời Đường tôn làm kiệt tác.

Bốn người trên đây Lý Tiến, Lý Cầm, Lý Ông Trọng và Khương Công Phụ - tuy việc đánh giá của dân chúng với mỗi người mỗi khác, song không thể nào phủ nhận được tài năng của họ. Việc họ có chỗ đứng trong lịch sử nước Tàu là điều hiển nhiên không cần bàn cãi. Hiểu lịch sử nước Nam đồng thời hiểu đến từng nhân vật người Nam, họ đã sống một đời sống của mình, dẫu có làm quan cho nước khác, nhưng dòng máu người Nam trong họ là không hề thay đổi.

Hoài Phương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-nuoc-nam-lam-quan-o-trung-quoc-xua-post956765.html