Người nộp thuế có quyền khiếu nại cơ quan kiểm toán

Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, khi thực hiện kiểm toán hoạt động của cơ quan thuế, Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm toán và pháp luật về thuế. Nếu người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của cơ quan kiểm toán, có thể khiếu nại với kiến nghị này.

Người nộp thuế đăng ký làm thủ tục hành chính thuế tại Cục Thuế TP. Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh.

Người nộp thuế đăng ký làm thủ tục hành chính thuế tại Cục Thuế TP. Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh.

Cụ thể, trường hợp Kiểm toán Nhà nước trực tiếp kiểm toán người nộp thuế theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, có nội dung kiến nghị về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, thì Kiểm toán Nhà nước phải gửi biên bản, hoặc báo cáo kiểm toán cho người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị theo báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Trường hợp không đồng ý với kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, người nộp thuế có quyền khiếu nại kiến nghị của cơ quan này.

Trường hợp Kiểm toán Nhà nước không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế, mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế, sau đó có nội dung kiến nghị nêu trong báo cáo kiểm toán liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, thì Kiểm toán Nhà nước gửi bản trích sao có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để thực hiện.

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp, thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế, Kiểm toán Nhà nước xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp.

Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, Kiểm toán Nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế xác định chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật./.

Nhật Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2020-10-02/nguoi-nop-thue-co-quyen-khieu-nai-co-quan-kiem-toan-92948.aspx