Người nông dân 'xứ Nhút' với biệt tài biến phế liệu thành đồ dùng hữu ích

Xuất thân là thợ cơ khí, chưa từng được học qua trường lớp nhưng anh Nguyễn Hữu Quý (khối 7, thị trấn Thanh Chương) lại là người có duyên với ngành học mầm non. 'Biệt tài' lớn nhất của anh là biến những phế liệu thành đồ dùng, đồ chơi và xây dựng, thiết kế các mô hình, tạo cảnh quan cho các trường mầm non, tiểu học...

Nghề “tay ngang”

Cơ sở sản xuất đồ dùng đồ chơi Quý Đông của anh Nguyễn Hữu Quý nằm ngay thị trấn và vốn là dãy nhà cũ của trường mầm non. Dù cơ sở vật chất còn khá nghèo nàn nhưng không khí làm việc bao giờ cũng vui vẻ, rộn ràng. Đến xưởng, dễ dàng bắt gặp những vị khách nhỏ tuổi, luôn háo hức đến chơi vào những giờ tan trường. Những cô bé, cậu bé còn là những “khách hàng” đầu tiên thẩm định và cho ý kiến về những sản phẩm vừa được xuất xưởng.

Xưởng sản xuất thu hút nhiều lao động trong vùng với việc làm và thu nhập ổn định. Các sản phẩm làm hoàn toàn bằng thủ công nên rất độc đáo và khác lạ. Ảnh: Mỹ Hà

Anh Quý xuất thân từ nông dân, lớn lên như bao thanh niên trong làng, anh đã phải chật vật rất nhiều công việc để mưu sinh. Nhớ lại quãng đường hơn 40 năm của mình, anh tự nhận mình là một người “đa nghề”, từ công nhân nhà máy giấy, đi buôn rồi lại chuyển sang làm thợ gò hàn, nhôm kính. Tuy nhiên, dù trải qua rất nhiều nghề, nhưng chưa bao giờ anh lại nghĩ mình trở thành người thiết kế, sản xuất, làm đồ dùng đồ chơi cho học sinh.

Kể về duyên cơ này, anh cho biết: Vợ tôi làm giáo viên mầm non nên thỉnh thoảng mỗi dịp đầu năm học hay trước các cuộc thi thiết kế đồ dùng đồ chơi lại về nhờ chồng “gia công”. Bản thân tôi khi ấy đang có xưởng sản xuất trong nhà nên việc này khá đơn giản, vợ nhờ gì thì làm nấy. Sau đó, thỉnh thoảng thấy một số phế liệu, vật dụng cũ không sử dụng được thì mày mò, sáng tạo thêm để giúp vợ có giáo cụ giảng dạy ở nhà trường.

Những con vật ngộ nghĩnh được làm bằng các ống tre. Ảnh: Mỹ Hà

Cho đến nay, mỗi một năm anh và chị sản xuất hàng trăm bộ đồ chơi, nhưng cả hai vẫn chưa quên được bộ đồ dùng đồ chơi đầu tiên mà cả hai cùng thực hiện. Đó là những con vật đáng yêu được cả hai làm bằng gộc tre - nguyên liệu tìm được ở gần nhà. Ý tưởng bấy giờ không mới nhưng nhờ nguyên liệu thân thiện, an toàn, gần gũi và dễ kiếm cộng với sự sáng tạo, dễ thương nên đã chinh phục được ban giám khảo ở các cuộc thi đồ dùng đồ chơi cấp cơ sở. Sau này, bộ đồ chơi bằng gộc tre cũng được chọn đi tham dự cuộc thi cấp tỉnh và xuất sắc dành được giải ba... Kết thúc cuộc thi, đã rất nhiều giáo viên các trường cũng tò mò về bộ đồ chơi này và đề nghị được hỗ trợ, giúp đỡ.

Hạnh phúc vì đem đến niềm vui cho mọi người

Lần đầu tiên nhận được đơn đặt hàng của các cô giáo mầm non, anh Quý mừng lắm nhưng vì “run” nên chưa dám nhận. Hơn thế, anh cũng suy nghĩ rất nhiều, bởi nghề này thu nhập bấp bênh lại có tính thời vụ. "Lúc này vợ chồng tôi đã có hai cháu, lương mầm non của vợ lại rất thấp. Nếu chuyển nghề, chắc chắn sẽ rất vất vả" - anh Quý tâm sự.

Những bông hoa được làm từ những vò sò, vỏ ốc. Ảnh: Mỹ Hà

Khi đã quyết định chuyển sang công việc làm đồ dùng đồ chơi, anh Quý cũng tự đánh cuộc với chính bản thân mình và xác định mọi thứ sẽ phải bắt đầu bằng con số 0. Động lực lớn nhất khiến anh gắn bó với nghề chính là khi nhìn thấy ánh mắt thích thú, háo hức của con trẻ, mỗi một khi anh hoàn thành một tác phẩm mới. Đây còn là ước mơ của những cậu bé, cô bé ở các miền quê nghèo bởi với anh, độ mười năm trước, đồ chơi dành cho trẻ con nông thôn vẫn là một thứ xa xỉ và chẳng mấy ai bỏ tiền chục, tiền trăm để mua đồ chơi cho con như các gia đình thành phố.

Cũng với những trăn trở trên nên khi chuyển nghề, mục tiêu đầu tiên của anh Quý, đó là đồ chơi phải đẹp, rẻ và an toàn. Để đáp ứng các tiêu chí này, anh chọn các phế liệu làm vật liệu chính để sản xuất. Về mẫu mã, anh quyết định sẽ tự thiết kế tất cả các mẫu để vừa phù hợp với lứa tuổi mầm non và đảm bảo được chất lượng.

Hơn mười năm gắn bó với nghề, đến thời điểm này, anh Quý cũng không nhớ đã làm được bao nhiêu mẫu đồ chơi nữa. Chỉ biết, hàng sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đấy, không mẫu nào giống mẫu nào và khách hàng thì càng ngày càng được mở rộng.

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Quý bên những sản phẩm do hai người cùng sáng tạo. Ảnh: Mỹ Hà

Hiện, vào những mùa cao điểm như chuẩn bị khai giảng, xưởng của anh Quý có 10 - 15 lao động. Trong năm, xưởng cũng chỉ nghỉ khoảng 1 tháng cuối năm, còn lại đều làm việc một tháng 30/30 ngày. Anh Quý cũng cho biết: Thợ làm công cho anh chỉ cần 2 ngày học việc là có thể làm thành thạo và nếu chăm chỉ thì có thể cho thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Thực sự gắn bó với nghề, anh Quý tự nhận là không dễ dàng. Bởi thế, nên dù có kinh nghiệm nhiều năm nhưng anh luôn đòi hỏi bản thân phải thay đổi không ngừng để thích ứng với nghề. Ví dụ như trước đây khi làm thợ nhôm kính, gò hàn mẫu mã thường đơn giản, ít cầu kỳ, nhưng chuyển sang làm đồ chơi, anh vừa phải làm ra sản phẩm đẹp mắt, đồng thời phải thể hiện đúng mục tiêu, nhiệm vụ chuyên môn của ngành.

Kể về điều này, anh chia sẻ: Tôi chủ yếu làm đồ dùng đồ chơi cho bậc học mầm non nên mỗi chủ trương mới của ngành tôi đều phải nghiên cứu kỹ, thậm chí còn phải xem giáo án, chương trình của vợ. Nghề này, nói đơn giản nhưng lại chuyển đổi liên tục. Ví như, trước đây đồ dùng đồ chơi chỉ là giáo cụ trực quan nên chỉ cần làm giống con gà, con chim, giống cái máy bay là ổn rồi. Nhưng giờ yêu cầu mới, đồ dùng đồ chơi cũng phải sáng tạo để làm sao khuyến khích được sự phát triển của trẻ. Vì thế, làm chiếc máy bay thì cũng phải thiết kế thế nào để trẻ có thể tháo lắp, nắm bắt từng bộ phận...

Trong quá trình trăn trở với nghề, anh Quý còn phải học tập rất nhiều. Rất may, bản thân vốn cần cù, chăm chỉ, khéo tay “gia truyền” (ông nội làm thợ mộc, bố là chủ nhiệm hợp tác xã cắt tóc Đại Đồng ngày trước) nên anh bắt nhịp công việc rất nhanh.

Lạc vào xưởng sản xuất của anh, ai cũng có thể bất ngờ vì chỉ một vài tấm bìa các tông cũ anh cũng có thể hướng dẫn thợ làm được những ngôi nhà cầu kỳ, làm các dụng cụ âm nhạc. Hay chỉ vài con ốc, một mớ rơm, chủi đót... anh cũng có thể tạo thành những con tôm, làm những bình hoa cầu kỳ. Bằng đôi bàn tay tài hoa và sự sáng tạo không ngừng, người thợ này cũng có thể biến những chiếc lốp xe thành những con thú hình mặt cười ngộ nghĩnh, biến chai lọ thành những chậu hoa, thành những con gà hết sức đáng yêu.

Sản phẩm của cơ sở sản xuất Quý Đông về với các trường học. Ảnh: Mỹ Hà

Do nhu cầu của các trường lớn nên ngoài cung cấp đồ dùng đồ chơi, anh còn nhận thiết kế trang trí các vườn trường, làm vườn cổ tích. Khách hàng của anh, hiện không chỉ ở huyện Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông mà còn mở rộng sang các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh...

Nói về câu chuyện “khởi nghiệp” của mình, anh Quý chia sẻ thêm: Nghề của tôi, so với nhiều công việc khác không giàu, nhưng tôi vui vì đây là một công việc lương thiện, gần gũi và nó giúp tôi tạo được công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân khác trong huyện...

Triết lý đơn giản ấy cũng là lý do khiến anh gắn bó được với nghề và được các khách hàng tin cậy. Câu chuyện của anh, còn là câu chuyện của một người nông dân nghèo, nghị lực, biết vươn lên và biết tự làm chủ cuộc sống của mình./.

Mỹ Hà

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nguoi-nong-dan-xu-nhut-voi-biet-tai-bien-phe-lieu-thanh-do-dung-huu-ich-227101.html