Người nông dân trước làn sóng công nghiệp mới

Hôm qua, ngày 12/12, Đại hội Hội Nông dân Việt Nam đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Sự có mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương một lần nữa cho thấy Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm tới nông nghiệp - nông thôn - nông dân.

Đặc biệt khi đất nước hội nhập mạnh mẽ và đang hòa mình vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) mang tính toàn cầu.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân xã Việt Ngọc (huyện Tân Yên (Bắc Giang) áp dụng giống lúa mới. Ảnh: Việt Hưng.

Đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ghi nhận thành tích to lớn của nông nghiệp đất nước thời gian qua, trong đó có đóng góp quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam. Tới nay, nông sản do những người nông dân Việt Nam làm ra đã xếp thứ hạng cao của thế giới. Nông nghiệp xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế, và cũng là “vịnh tránh bão” khi nền kinh tế đất nước phải đối diện với những khó khăn.

Còn nhớ, sáng ngày 13/6/2017, trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ những khó khăn của bà con nông dân; đồng thời cũng chỉ ra phương hướng phấn đấu để đạt thành công nhiều hơn nữa của nông nghiệp Việt Nam, nông dân Việt Nam. Đề cập đến việc “được mùa rớt giá”, nông phẩm khó tiêu thụ, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế..., Phó Thủ tướng cho rằng, ở đây có trách nhiệm quản lý của Nhà nước, chưa phù hợp với năng lực sản xuất của các lĩnh vực nông nghiệp, chưa gắn với nhu cầu của thị trường. Việc điều chỉnh quy hoạch còn chậm, còn tồn tại nhiều yếu tố gây khó khăn khi đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp.

Tới thời điểm này, có thể nói là cuộc CMCN4.0 đã “gõ cửa từng nhà”, kể cả với người nông dân. Phương thức sản xuất mới đang dần thay thế phương thức sản xuất truyền thống. Không phải người nông dân Việt Nam không biết, không muốn điều đó; nhưng nếu không nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn thì điều đó sẽ kéo dài, thời gian chuyển mình của đồng đất không thể sớm như kỳ vọng.

Một trong những khó khăn rất lớn khi hiện đại hóa nông nghiệp, thương mại hóa mạnh mẽ nông sản chính là sự vào cuộc rụt rè của các doanh nghiệp. Tới nay, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn rất hạn chế. Sở dĩ như vậy là do vướng chính sách ưu đãi, trong đó có vấn đề vay vốn và thuế. Mặt khác, chủ trương tích tụ ruộng đất, hạn điền vẫn chưa rõ, nên doanh nghiệp lớn rất khó kinh doanh; trong khi nhiều lĩnh vực đầu tư khác nhanh chóng mang lại lợi nhuận hơn là nông nghiệp.

Nông nghiệp xanh, những vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn... không còn là ý tưởng mà đã là đích đến của bất cứ nền nông nghiệp nào, không ngoại trừ nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, do còn thiếu nhiều điều kiện, nên những lĩnh vực đó vẫn chưa vượt thoát giai đoạn “manh nha”.

Những sản phẩm rau sạch, sữa bò, gạo chất lượng cao... đã có nhưng chưa nhiều. Người nông dân vẫn chưa được hưởng thành quả từ công nghiệp hóa nông nghiệp. Số hộ giàu có từ nông nghiệp cũng không nhiều. Trong khi đó, số người trong độ tuổi lao động, nhất là lớp trẻ ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục tìm đường ra thành phố, đến những khu công nghiệp làm công ăn lương. Họ chưa tìm được “lợi nhuận” trên đồng đất của ông cha.

Về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng sẽ rất khó đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, vì thiếu lực lượng lao động tiếp nhận. Lớp trẻ có kiến thức ở làng không còn nhiều, họ đã ly nông lẫn ly hương. Trong khi việc hiện đại hóa nông nghiệp, hòa vào dòng chảy của cuộc CMCN4.0 là đòi hỏi rất bức bách.

Vì thế, thật đáng trân trọng những người trẻ tuổi sau khi học xong đã trở về làng. Họ dám vay vốn, dám nghĩ, dám làm giàu trên đồng đất quê hương. Những trang trại chăn nuôi sạch, trồng rau củ quả sạch mà những ông bà chủ còn rất trẻ là dấu hiệu thực sự đáng mừng cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam.

Một vấn đề nữa cũng được coi là hết sức quan trọng đối với nông nghiệp nước nhà, đó chính là việc tổ chức lại sản xuất. Cung cách làm ăn đơn lẻ sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế trong thời kỳ hội nhập. Thay vào đó là phải tổ chức lại, kiện toàn, tăng sức mạnh thực sự cho các hợp tác xã (HTX).

Không phải là HTX chấm công, chấm điểm ngày nào; mà phải là HTX sản xuất - dịch vụ - kinh doanh. Những HTX kiểu mới sẽ tập hợp được sức mạnh nhân lực, tập trung được vốn, áp dụng được khoa học kỹ thuật canh tác, chăn nuôi hiện địa. Và đặc biệt là bảo đảm được đầu ra cho nông phẩm.

Cuối cùng, cũng cần nói thêm về việc đào tạo nghề cho nông dân. Sau hơn 7 năm thực hiện Quyết định số 673/QÐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay việc đầu tư, xây dựng hệ thống trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh cũng như các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân đã mang lại kết quả gì? Đây là vấn đề cần phải được tổng kết. Sản xuất nông nghiệp ngày nay muốn có chất lượng cao, lợi nhuận nhiều thì người nông dân không thể tiếp tục lao động theo phương thức cũ, không có nghề vẫn làm nông được.

Tính đến tháng 9/2018, đã có 55/63 tỉnh, thành phố trong cả nước bố trí mặt bằng xây dựng các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Mỗi năm có hơn 200.000 nông dân được đào tạo nâng cao trình độ tay nghề; 3,5 triệu lượt hội viên được hướng dẫn, hỗ trợ về giống, vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, công nghệ... Đó là những con số không nhỏ, nhưng có thể nói rằng việc đào tạo nghề cho nông dân vẫn còn đó như một thách thức.

Nam Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/nguoi-nong-dan-truoc-lan-song-cong-nghiep-moi-tintuc425144