Người nông dân đã truyền cảm hứng cho nhà báo sáng tạo

'Với trách nhiệm của một người làm báo, tôi mong muốn phần nào nói lên được tiếng nói của người nông dân quê mình trên diễn đàn công luận' – đó là lời tâm sự của nhà báo Hoàng Thị Huệ - Tổng biên tập Tạp chí Biển Việt Nam khi mà mới đây chị đã giành giải Ba - Giải Báo chí toàn quốc 'Tự hào nông dân Việt Nam' với tác phẩm: 'Doanh nhân chăn vịt' được nhận Huân chương Lao động'.

Tìm đến trụ sở Tạp chí Biển Việt Nam, nhà báo Hoàng Thị Huệ mặc dù đang bận với “núi” công việc của người “đứng mũi chịu sào” một đơn vị báo chí trong thời buổi đầy khó khăn của nền kinh tế thị trường nhưng chị vẫn vui vẻ, nhiệt tình đón tiếp tôi. Và qua trò chuyện, tôi cảm nhận được sự say mê nghề nghiệp của người phụ nữ ở tuổi 39 này.

Nhà báo Hoàng Thị Huệ cùng nhân vật trong tác phẩm ”Doanh nhân chăn vịt” được nhận Huân chương Lao động”

Vốn là người con sinh ra trên đất Hưng Yên- nơi có diện tích trồng lúa lớn của Đồng bằng sông Hồng, trong ký ức của Hoàng Thị Huệ là những chật vật, lo toan, những bữa đói, bữa no của người nông dân quê chị. Hơn nữa bố của chị là một cán bộ nông nghiệp của huyện Kim Động (Hưng Yên) nên ngay từ khi còn bé, chị đã được nghe ông kể biết bao câu chuyện về nghề nông, về người nông dân.

Lớn lên và công tác trong lĩnh vực báo chí, chị càng có điều kiện để quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế ở quê hương, trong đó đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Sau nhiều lần về quê phải chứng kiến cảnh người nông phải đối mặt với những vụ nhãn, vụ lúa mất mùa, khi lại “được mùa mất giá” và cả những lứa lợn, gà, vịt… không đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân khiến chị rất đau xót.

Đặc biệt, nhà báo Hoàng Thị Huệ còn nhấn mạnh: Đề tài về người nông dân luôn có sức cuốn hút bởi bản thân họ không được tiếp cận nhiều với khoa học công nghệ nhưng vẫn thành công bằng cách làm kinh tế sáng tạo, hiệu quả tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, trong khi đó rất nhiều người được đào tạo bài bản chưa thể làm được. Càng tiếp cận càng thấy nhiều điều thú vị, đúng hơn là chính người nông dân đã truyền cảm hứng cho nhà báo sáng tạo.

Và rồi trong một lần về quê chị được biết ở huyện Kim Động (Hưng Yên) có người nông dân chăn vịt được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, đồng thời cũng là người vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018. Đó chính là anh Ngô Đức Thắng ở thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên với thu nhập gần chục tỷ đồng mỗi năm.

Trong quá trình tác nghiệp, chị đã thâm nhập và tận mắt chứng kiến lò ấp trứng rồi tỉ mỉ xem xét từng công đoạn cho đến chuồng trại nơi nuôi vịt đẻ cũng như trang trại trồng cây, nuôi cá của nhân vật. Qua nói chuyện và tìm hiểu thực sự chị đã bị cuốn hút về cách làm kinh tế của nhân vật- một người nông dân, doanh nhân gan dạ, dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới.

Tuy nhiên do không quen với môi trường phân vịt nên sau chuyến đi ấy chị đã bị đau mắt rất nặng. Không những vậy về Hà Nội chị còn đem căn bệnh này lây sang cả những đứa con của chị và anh chị em trong cơ quan mất hàng tuần mới khỏi. “Tôi coi đó như một kỉ niệm của chuyến đi làm báo này, một sự thực tế và trải nghiệm lý thú để giúp tôi cố gắng hoàn thành tác phẩm báo chí: ““Doanh nhân chăn vịt” được nhận Huân chương Lao động” sao cho thật hay, cảm động và đi vào lòng công chúng”, nhà báo Hoàng Thị Huệ cho biết.

Nhà báo Hoàng Thị Huệ trong chương trình nghệ thuật “Vì biển đảo quê hương” lần thứ 2, năm 2018- một chương trình hết sức có ý nghĩa do Tạp chí Biển Việt Nam tổ chức

Với lối ghi chép chân thực, sinh động có thể nói “Doanh nhân chăn vịt” được nhận Huân chương Lao động”” đã “lay động” được Ban giám khảo cuộc thi “Tự hào nông dân Việt Nam”. Nhưng chị cũng chia sẻ rằng khi biết có cuộc thi về người nông dân hết sức có ý nghĩa này, chị không nghĩ mình sẽ đi thi để lấy giải mà chỉ muốn giúp tan tỏa thông tin về nhân vật và biết đâu đó sẽ có người đọc được rồi tìm đến nhân vật để học hỏi kinh nghiệm nuôi vịt.

“Để có được thành công như ngày hôm nay anh Thắng đã trải qua rất nhiều khó khăn và phải nếm trải nhiều cay đắng, thất bại ban đầu khi mà vốn liếng, kinh nghiệm chưa có, nhưng rồi với quyết tâm dám nghĩ, dám làm anh không ngừng tìm tỏi, học hỏi cách làm của cán bộ hướng dẫn và kinh nghiệm của những người đi trước, anh đã thành công. Hiện nay thu nhập của gia đình anh trừ chi phí, mỗi năm để ra 9 đến 10 tỷ đồng- một con số đáng mơ ước với nhiều người, nhiều nghề. Không những vực dậy kinh tế gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, anh còn nhiệt tình chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với người nông dân xa gần trên địa bàn với mong muốn cháy bỏng là người nông dân bớt nghèo. Quả thực anh là tấm gương nông dân tiêu biểu, một con người hết lòng vì mọi người”, nhà báo Hoàng Thị Huệ nhận xét về nhân vật- “doanh nhân chăn vịt” Ngô Đức Thắng.

Bên cạnh đó, nhà báo Hoàng Thị Huệ cũng đánh giá “Tự hào nông dân Việt Nam” là giải báo chí vô cùng ý nghĩa, thiết thực và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Với con mắt của người làm báo, chị hy vọng rằng phía Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành để tổ chức thêm nhiều giải về nông dân hơn nữa. “Chính những giải báo chí như thế này sẽ giúp những người làm báo càng hăng say, miệt mài, lăn lộn vào cuộc sống của người nông dân- một lực lượng quan trọng và chiếm đại đa số dân số nước ta”, nữ Tổng biên tập Tạp chí Biển Việt Nam nhấn mạnh.

NK

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/nguoi-nong-dan-da-truyen-cam-hung-cho-nha-bao-sang-tao-45896