Người nông dân đa năng

Với hơn 0,5ha đất ruộng khô cằn, gia đình ông Ngô Tấn Quý (51 tuổi), ở thôn Tây Thuận, xã Bình Trung (Bình Sơn) đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp 'vườn - ao - chuồng' (VAC).

Trước đây, gia đình ông Quý cũng giống như bao gia đình thuần nông khác ở xã Bình Trung, chỉ chuyên sản xuất lúa, trồng các loại cây keo, dưa và chăn nuôi nhỏ lẻ, nên cũng chỉ đủ ăn. Từ những khó khăn trong cuộc sống, ông Quý trăn trở tìm hướng thoát nghèo ngay trên chính mảnh đất của gia đình. Sau khi tìm hiểu, tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh khác và được Trung tâm Nông nghiệp huyện Bình Sơn hỗ trợ, năm 2020, ông Quý cải tạo và xây dựng chuồng trại, vay vốn ngân hàng đầu tư mô hình nuôi cá, bò, gà kết hợp trồng bưởi. Trung tâm Nông nghiệp huyện đã hỗ trợ vụ đầu tiên với 50% giống và 50% thức ăn.

Niềm vui của ông Ngô Tấn Quý, ở thôn Tây Thuận, xã Bình Trung (Bình Sơn) khi thu hoạch cá.

Hiện mô hình của ông Quý có 2 ao nuôi cá với số lượng 5 nghìn con, 2 nghìn con gà, 5 con bò sinh sản và 3 con bò thịt. Ngoài ra, ông còn trồng 50 gốc bưởi, đang phát triển tốt. Sau 1 năm dày công chăm sóc, ngoài chi phí, gia đình ông đã thu về khoảng 100 triệu đồng. Phấn khởi với kết quả đó, ông Quý và gia đình tiếp tục đầu tư thêm nuôi cá và gà.

Ông Quý chia sẻ: “Khi thay nước trong ao nuôi cá, tôi sẽ thả ra vườn trồng cỏ cho bò ăn, phân bò và phân gà tôi cũng dùng để bón cho bưởi và cỏ. Trước khi bắt đầu làm mô hình, tôi đã suy nghĩ rất nhiều là làm sao không gây ô nhiễm môi trường. Khi mới bắt đầu, tôi cũng gặp không ít khó khăn về cách chăm sóc và dịch bệnh, nhưng dần dần mọi thứ cũng ổn định. Nhớ lại những tháng ngày khó khăn trước đây, tôi mới thấy mô hình VAC này thật sự hiệu quả, chỉ sau 1 năm, kinh tế gia đình đã thay đổi rõ rệt’’.

Ngoài ra, ông Quý còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi tự tìm tòi, nghiên cứu phương pháp chọn giống, phòng, điều trị bệnh cho đàn gà, cá thông qua sách báo, truyền hình và tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Nông nghiệp huyện tổ chức tại địa phương.

Khi được hỏi về kinh nghiệm làm ăn, ông Quý cho biết, ở nông thôn, có diện tích đất rộng là một nguồn lực quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Muốn làm giàu, cần phải chịu khó học hỏi để tìm cây, con phù hợp. Điều quan trọng nữa là phải biết đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, vì nếu chuyên một cây, con nào đó thì khi xảy ra dịch bệnh, hoặc thay đổi về thị trường, người nông dân sẽ rất khó xoay sở...

Ông Quý còn tham gia các phong trào của Hội Nông dân xã, tuyên truyền giúp đỡ và vận động người dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống và kinh tế gia đình.

Bài, ảnh: KIM TRANG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202106/nguoi-nong-dan-da-nang-3061877/