Người níu giữ hồn Việt cùng tre

Sáng cuối Đông rét cắt da cắt thịt ấy, trong ngôi nhà xưởng chế tác mỹ thuật bé nhỏ song rất ấm áp của mình với ngổn ngang những đoạn; những gốc tre thôi thì đủ các loại kiểu dáng, họa sĩ Nguyễn Văn Thạch thủ thỉ mở lời: 'Mình đã thật may mắn khi có được cái cơ duyên sinh ra từ làng! Và những ngày xưa ấy, làng mình đây; xã Yên Sơn và cả huyện Quốc Oai đây. Và nữa, cả vùng đất xứ Đoài mây trắng thơ mộng này nữa cơ man nào là tre. Nhắm mắt lại cũng thấy tre'.

Tự tại tiếp thêm trà vào ly của khách, họa sĩ Thạch rưng rưng thú nhận, mình “phải lòng” tre từ thuở lẫm chẫm những bước đi đầu tiên trong đời. Trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, đã có lúc anh cùng những người bạn có tên có tuổi trong giới mỹ thuật cùng nhau mở triển lãm tranh. Nhưng rồi những bức tranh cũng không thể “bỏ bùa mê thuốc lú” được với anh bằng tre.

Rồi cũng tới lúc Thạch có được cơ hội toàn tâm, toàn ý với niềm khát vọng, đam mê với tre. Ấy là khi người họa sĩ chính thức rời Trung tâm Mỹ thuật thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cùng với cuốn sổ hưu trí. Trở lại với tre bằng tất cả tình yêu thuần khiết từ thuở niên thiếu, nhưng anh Thạch không có tham vọng biến tre thành những tác phẩm mỹ thuật “hoành tráng”, mà đơn giản, anh chỉ muốn biến tre thành những thứ đồ chơi đầy tính sáng tạo nghệ thuật cho con trẻ.

Họa sỹ Nguyễn Văn Thạch bên những tác phẩm mỹ thuật bằng tre mới hoàn thiện.

Họa sỹ Nguyễn Văn Thạch bên những tác phẩm mỹ thuật bằng tre mới hoàn thiện.

Anh Thạch không hề giấu giếm, từ ngày rời VTV trở về làng, nhờ tình yêu thiêng liêng với con trẻ và với sức sáng tạo “không đến nỗi nào” mà gần bốn năm qua, chỉ với những đoạn; những gốc tre xù xì vô tri vô giác lúc ban đầu, người họa sĩ của tre đã sáng tạo ra hơn 50 mẫu đồ chơi khác nhau. Những mẫu đồ chơi mang hơi thở dân gian ấy của anh vừa lấp lánh ẩn chứa đầy tinh tế hồn vía làng quê Việt. Và lại vừa vô cùng ngộ nghĩnh, sinh động và đáng yêu không chỉ riêng với thế giới tuổi thơ.

Họa sĩ Thạch tâm sự, quá trình sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật dân gian truyền được cảm hứng cho con trẻ (kể cả với người lớn tuổi) đối với mình thật ra không có gì là khó khăn, nếu như không muốn nói là rất đơn giản. Nói thế là bởi, phần nguyên liệu “đầu vào” rất dễ tìm kiếm vì nó là tre. Trước khi “thổi hồn” vào những đoạn; những gốc tre xù xì đầu thừa đuôi thẹo thành những đứa con tinh thần đầy hồn vía, việc đầu tiên người họa sĩ ấy phải làm là hình thành ý tưởng nghệ thuật. Việc đó được anh phác thảo lên giấy.

Tiếp theo, tre được cắt thành những phần chính, phần phụ và các chi tiết liên quan cho một tác phẩm nghệ thuật. Anh Thạch kể, “công đoạn” tiếp theo trong quá trình sáng tạo của mình là, tiến hành gọt, mài giũa tre cho thật nhẵn nhụi. Khi đã có được phần thô sản phẩm như ý, lúc bấy giờ anh mới cho chúng vào nồi đun với nước ô xy già trong thời gian hàng giờ đồng hồ nhằm mục đích chống mối mọt.

Tre luộc xong, người họa sĩ ấy lại tiếp tục dùng dao, cưa - đục cắt tỉa đồng thời chính thức lắp ghép các chi tiết rời thành hình hài các con vật trong dân gian. Chính thức có được tác phẩm nghệ thuật vừa ý, việc cuối cùng mà họa sĩ Thạch cần phải hoàn thiện, đó là phun vào những con vật - đồ chơi đó một lớp sơn chống ẩm trước khi mang chúng phơi khô.

Nhớ lại cái thuở ban đầu, người họa sĩ vùng quê xứ Đoài ấy cho hay, anh sử dụng loại keo dính 502 để gắn kết các chi tiết lại với nhau. Ấy thế nhưng khi đem những món đồ chơi dân gian đó tặng các trường mẫu giáo tại địa phương, anh nhận được góp ý: chất dính của keo không đảm bảo đủ độ bền.

Cụ thể là, khi con trẻ vô tình làm rơi đồ vật, chất keo sẽ không còn tác dụng, khiến cho các chi tiết bị gãy rời. Và với khả năng non nớt của những đứa trẻ, chúng không thể nào lắp ghép được để có thể trả lại hình dáng ban đầu của đồ vật. Điều thực tế đó khiến cho anh Thạch trăn trở.

Vào một “đêm trắng” nọ, người họa sĩ của tre ấy vụt nảy ra ý tưởng lắp ghép toàn bộ mọi chi tiết rời bằng các mộng, chốt theo dạng hình đũa. Anh Thạch đã vô cùng sung sướng khi thấy với ý tưởng sáng tạo đó của mình mà con trẻ dễ dàng tháo ra, lắp vào mọi chi tiết để tạo ra hình hài con vật trở lại có hồn có vía. Và điều đó đã thật sự kích thích khả năng sáng tạo tuyệt vời của trẻ.

Thấy khách ngạc nhiên khi những tác phẩm nghệ thuật của mình chỉ thuần túy là những món đồ chơi dân gian bằng tre chứ không phải cái gì khác, anh Thạch giải thích sau khi bất giác ghìm một cái thở nặng: “Thời đại 4.0, cuộc sống ngày càng hiện đại. Tre cũng dần một vắng bóng trong đời sống. Nói thật nhé, điều đó khiến tôi cảm thấy thật sự xót xa, nuối tiếc!”.

Thoáng một nét trầm tư, anh Thạch chậm rãi tiếp lời: “Công nghệ phát triển, trẻ con bây giờ chỉ thích những thứ đồ chơi bằng nhựa, đồ chơi điện tử. Suy cho cùng, đó là điều tất yếu! - Bất giác người họa sĩ trở nên phấn chấn một cách thần kỳ - Nhưng tại sao lại không phải là những món đồ chơi dân gian, trong khi bóng tre vẫn còn thấp thoáng đâu đó? Thế nên mình mới muốn được níu giữ lại cái phần hồn cơ bản của tre tồn tại cùng văn hóa truyền thống, như một cách song hành bên cạnh cùng đồ chơi hiện đại!”.

Nhẫn nại với con đường sáng tạo mà mình đã khát vọng hoài bão, một ngày nọ, những sản phẩm đồ chơi dân gian đầy tính sáng tạo nghệ thuật của anh họa sĩ Thạch dần bước ra khỏi lũy tre làng để khiêm nhường góp mặt tại các cơ sở mầm non; những siêu thị đồ chơi và thị trường du lịch thủ đô, và rộng khắp hơn thế.

Họa sĩ Thạch sẽ vỡ òa cảm xúc hạnh phúc khi mà cuối cùng, điều anh trăn trở thao thức đau đáu trong hơn ba năm trời là, mong các bậc làm cha làm mẹ trong khắp cả nước sẽ trở thành cái gạch nối thân thiện, hữu ích nhất giữa những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở dân gian của mình với thế giới trẻ thơ ngay chính trong gia đình của họ.

Những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở dân gian của họa sĩ Nguyễn Văn Thạch.

Mong ước tưởng như chỉ có trong những giấc mơ ấy của họa sĩ Thạch bây giờ đã trở thành hiện thực. Ấy là khi những tác phẩm nghệ thuật dân gian của anh đã thật sự lan tỏa cảm hứng tới các ông bố, bà mẹ tại không ít những vùng - miền rộng khắp.

Chất giọng mang âm hưởng đặc trưng truyền thống xứ Đoài của anh Thạch bỗng như nghẹn lại khi kể với khách chi tiết này. Chuyện rằng, qua nhiều kênh thông tin tích cực, đã có “một bộ phận không nhỏ” những ông bố, bà mẹ tự tay sáng tạo nên theo hướng dẫn của họa sĩ thông qua Internet. Hoặc không, họ chủ động đặt mua trực tiếp của họa sĩ những đồ vật bằng tre cho con em mình chơi, chứ không phải là những thứ Smartphone, hay những món đồ chơi điện tử.

Mới ngày nào chỉ có họa sĩ Thạch lặng lẽ “một mình một bóng” trong căn nhà xưởng mới lập, nhưng nay nó đã trở thành một địa chỉ tham quan đầy tin cậy và thú vị đối với khách du lịch trong, ngoài nước. Người ta tìm đến xưởng của anh với mong muốn có cơ hội hiếm hoi được trở lại với thế giới tuổi thơ thông qua những món đồ chơi dân gian đầy sáng tạo của chủ nhân ngôi xưởng. Và nữa, người ta tìm đến với họa sĩ Thạch còn là để được học hỏi phương cách chế tác ra những đồ vật dân gian mà mình yêu thích.

Họa sĩ Thạch chợt trở nên đặc biệt xúc động khi bộc bạch, hai năm trở lại đây, vào kỳ nghỉ hè, ngôi xưởng của anh trở thành những lớp học của biết bao các cô, cậu học trò không chỉ là “những công dân tý hon” của huyện Quốc Oai; của xứ Đoài mà còn là các trò nhỏ đến từ các địa phương chung quanh Hà Nội.

Các học trò nhỏ thuộc đủ mọi lứa tuổi ấy đến với anh để học cách làm đồ chơi. Hành trang đến lớp của các em không phải là những giá vẽ; những bảng màu; những tấm toan, v.v…Mà đơn giản chỉ là một chiếc cưa, một cái máy mài nhỏ cầm tay thôi. Sau những ngày hè “tầm sư học đạo”, các học trò của họa sĩ Thạch đã có thể tự mày mò sáng tạo ra những thứ đồ chơi dân gian dưới cái nhìn đầy trong trẻo, ngộ nghĩnh và hồn nhiên ngây thơ của lứa tuổi thần tiên.

“Chính niềm cảm hứng đầy năng lượng của các bậc cha mẹ và cùng với đó sự say mê bất tận trong quá trình tự nguyện tìm về thế giới đồ chơi chơi dân gian của con trẻ mọi vùng miền đã tiếp thêm cho mình một nguồn nhiệt năng dồi dào trên con đường sáng tạo nghệ thuật đồ chơi dân gian. Và nó thôi thúc mình phải cố gắng sáng tạo ra thật nhiều mẫu đồ chơi dân gian hơn nữa chứ không thể dừng lại ở con số hơn 50 mẫu như hiện tại để có thể cùng với tre góp phần níu giữ một phần hồn Việt trong con mắt trẻ thơ hôm nay, ngày mai!”.

Chân thành thổ lộ những điều gan ruột với khách mong ước nhân văn của mình trong tương lai, bất giác họa sĩ Nguyễn Văn Thạch hướng mắt về một nơi thật xa với ánh nhìn chứa chan niềm hoài bão khát khao đầy mãnh liệt, nhân văn và tự tin hơn bao giờ hết, ấy vậy!.

Lê Công Hội

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nguoi-niu-giu-hon-viet-cung-tre-631969/