Người nhiễm HIV tại Vũ Hán chật vật tìm thuốc vì bị phong tỏa

Việc tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa khiến các bệnh nhân HIV và AIDS ở Vũ Hán và các vùng lân cận phải vật lộn để tìm kiếm thuốc điều trị.

Lúc 3h sáng một ngày tháng 1, Alex Zhang bắt đầu hành trình kéo dài 1 giờ tới bệnh viện Vũ Hán để lấy thuốc tiếp tế trị bệnh virus HIV. Thành phố lúc này đã nằm dưới lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Thông thường, Zhang sẽ đi tàu điện hoặc taxi, nhưng lúc này di chuyển bằng phương tiện công cộng đã bị cấm. Zhang đành rời nhà vào ban đêm, đi lối cửa sau để tránh chốt kiểm tra của cảnh sát. Zhang cuối cùng lấy được thuốc trước khi lệnh phong tỏa hoàn toàn có hiêu lực, theo CNN.

Sống trong sợ hãi

Hàng nghìn người như Zhang sống tại thành phố Vũ Hán và các khu vực lân cận tại tỉnh Hồ Bắc, mang trong mình virus HIV, chật vật tìm kiếm các loại thuốc cần thiết trong bối cảnh lệnh phong tỏa khiến họ không thể rời khỏi nhà để tới bệnh viện nếu không có giấy phép đặc biệt.

Nhiều bệnh nhân HIV ngại ngần tìm tới quan chức địa phương để cầu cứu bởi họ lo sợ tình trạng nhiễm HIV của mình sẽ bị lộ, vì vậy có thể vấp phải sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ cộng đồng.

"Với một số người nhiễm HIV, họ thà dừng uống thuốc còn hơn tiết lộ danh tính và đời tư", Huang Haojie, giám đốc tại Trung tâm LGBT Vũ Hán, cho biết.

Việc không uống đủ liều lượng thuốc, dù chỉ trong thời gian ngắn, có thể gây ra những hệ quả tiêu cực nghiêm trọng với tác động lâu dài, bởi virus có thể biến đổi khiến các loại thuốc ban đầu mất đi tác dụng, và vì vậy cho phép virus phát triển.

 Tình nguyện viên lấy thuốc điều trị HIV tại Trung tâm LGBT Vũ Hán. Ảnh: CNN.

Tình nguyện viên lấy thuốc điều trị HIV tại Trung tâm LGBT Vũ Hán. Ảnh: CNN.

Để đối phó với vấn đề này, ông Huang và các đồng nghiệp đã phải mạo hiểm mạng sống của chính bản thân để lấy thuốc điều trị HIV tại bệnh viện Jinyintan, nằm ở trung tâm dịch bệnh ở Vũ Hán, và phân phát cho người bệnh khắp thành phố.

Khoảng 1,25 triệu người Trung Quốc sống chung với virus HIV, theo thống kê của chính phủ nước này. Riêng tại tỉnh Hồ Bắc, số người nhiễm HIV hoặc tiến triển thành AIDS là khoảng 20.000 người.

Lin Feng, 69 tuổi, đã nhiễm HIV từ năm 5 năm trước. Người từng là nhân viên ngành xây dựng nghỉ hưu tại Vũ Hán và sống một mình, nhờ vào khoản trợ cấp nhỏ nhoi của chính phủ dành cho người già bị bệnh.

Ông Feng cho biết, ông từng tuyệt vọng khi biết tin nhiễm HIV, suy nghĩ ban đầu của ông đơn giản là tự kết liễu cuộc sống. Nhưng qua thời gian, ông xây dựng được một mạng lưới hỗ trợ, các con cái cũng chấp nhận tình trạng sức khỏe của ông. Hầu hết những người tiếp xúc với Feng hàng ngày, mặc dù vậy, không biết ông nhiễm HIV.

Người nhiễm virus HIV tại Trung Quốc thường đối mặt với sự kỳ thị và cô lập xã hội. Một số mất việc, bị thành viên gia đình xa lánh sau khi công khai tình trạng bệnh tật. Thuốc điều trị HIV được phát miễn phí cho bệnh nhân không mắc bệnh thứ phát cũng như người nhiễm HIV chưa tiến triển thành AIDS.

Mọi cá nhân dương tính với HIV cần uống một hoặc hai viên thuốc mỗi ngày, người nhiễm HIV tại Hồ Bắc và Hồ Nam cho biết các bệnh viện thường phát 3 tháng thuốc sau mỗi lần kiểm tra.

Khi virus corona lan rộng, ông Feng đã dùng hết thuốc dự trữ của mình. Feng không thể rời khỏi căn hộ, trong khi không dám đề nghị nhân viên y tế địa phương cấp phát thuốc vì sợ tình trạng bệnh tật của mình bị lộ.

"Tôi không thể để những người xung quanh biết về tình trạng của mình. Nếu mọi chuyện bị bại lộ, tôi sẽ không còn mặt mũi nào để bước ra ngoài", ông nói.

Cuối cùng, ông Feng có được số điện thoại của một tình nguyện viên làm việc ở Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Vũ Hán. Tình nguyện viên này sau đó đã kín đáo giao số thuốc này cho ông Feng. "Tôi quá đỗi vui mừng, tôi đã suýt òa khóc", ông Feng nói.

Feng là một trong những người may mắn. Ông Feng biết một số người khác đã bắt đầu lỡ lịch dùng thuốc bởi không có sự giúp đỡ của các tình nguyện viên hoặc bị cô lập xã hội.

Làm việc suốt ngày đêm

Theo ông Huang, trong những ngày phong tỏa đầu tiên, Trung tâm LGBT Vũ Hán đã nhận thư từ nhiều người nhiễm HIV sống ở thành phố này về việc họ sắp hết thuốc. Một số người bị cách ly tại nhà, một số người bị cách ly tại những khu vực ở xa bệnh viện nơi họ đăng ký.

Ban đầu, người bệnh được yêu cầu lấy thuốc từ bệnh viện nơi họ đăng ký. Tới ngày 26/1, tức 3 ngày sau khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc ra thông báo cho biết người nhiễm HIV và AIDS có thể lấy thuốc tại bất cứ bệnh viện nào nằm trong danh sách được chỉ định.

Kể từ đó, Huang và nhóm 22 tình nguyện viên đã làm việc không ngừng nghỉ để nhận và giao thuốc tới những người bệnh có nhu cầu. "Mỗi ngày chúng tôi nhận được yêu cầu từ khoảng 200 bệnh nhân", ông Huang nói.

Thuốc điều trị HIV đưcọ đóng thùng. Ảnh: CNN.

"Chúng tôi thay phiên nhau nghỉ ngơi và làm việc, mọi người về cơ bản làm việc tới 12 tiếng mỗi ngày. Khoảng 10 người phụ trách tiếp nhận yêu cầu và câu hỏi từ người bệnh. Điện thoại của chúng tôi làm việc từ 9 giờ sáng tới 11 giờ đêm hàng ngày", ông Huang nói.

Bệnh viện Jinyintan tại Vũ Hán là lựa chọn gần và thuận lợi nhất cho nhóm tình nguyện viên, tuy nhiên đây cũng là ổ dịch Covid-19 khi tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân nhiễm virus corona.

Các tình nguyện viên phải đích thân tới bệnh viện lấy thuốc, bất chấp nguy cơ phải tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus corona. Tuy nhiên, ông Huang nói đây là công việc cần thiết, bởi nó giúp những người nhiễm virus HIV tránh tiết lộ danh tính và tình trạng bệnh tật.

Chung tay cứu người

Andy Li, 30 tuổi, đã chung sống với HIV được 8 năm. Không giống Zhang và Feng, Li sống tại tỉnh Hồ Nam, nơi có ít ca nhiễm virus corona hơn. Tại Hồ Nam, Li không gặp vấn đề với việc lấy thuốc từ bệnh viện. Vấn đề của Li là không thể cho đi thuốc của mình đủ nhanh.

Hiện tại, không có loại vaccine hay thuốc đặc trị nào dành cho virus corona. Tuy nhiên, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm 26/1 đã cho phép và khuyến nghị sử dụng các loại thuộc vốn dùng để điều trị HIV và AIDS cho bệnh nhân nhiễm virus corona.

Trong cuộc phỏng vấn với China Daily, chuyên gia HIV David Ho cho biết dù HIV và virus corona rất khác nhau, chung đều có một protein hoặc enzyme có tên là "thủy phân". "Chúng ta cần thuốc tấn công enzyme thủy phân của virus corona", Ho nói.

Andy Li viết giấy nhắn cho người nhận thuốc. Ảnh: CNN.

Khi thông tin đó xuất hiện, nhu cầu thuốc điều trị HIV tăng mạnh. Li đã đăng trên mạng xã hội Weibo thông điệp mình sẵn sàng quyên góp thuốc điều trị HIV để giúp điều trị cho người nhiễm virus corona.

"7 giờ tối hôm đó, khoảng 8 người đã kết bạn với tôi. Vào ngày tiếp theo, có thêm hơn 20 người. Tôi đã gửi đi hơn 30 túi hàng chứa thuốc vào ngày hôm đó", Li nói.

Li cho biết những người liên hệ lấy thuốc cần chứng minh tình trạng sức khỏe của bản thân. Li sau đó đã liên hệ với những người nhiễm HIV khác trên khắp Trung Quốc, nhiều người đã hưởng ứng và quyền góp thuốc điều trị HIV để giúp ngăn ngừa đại dịch.

Nhiều người có điều kiện chi trả cho những loại thuốc đắt tiền hơn nhiều so với loại thuốc được phát miễn phí đã sử dụng toàn bộ số thuốc họ nhận được từ bệnh viện công để quyên góp. Li cho biết những người anh quen đã quyên góp và gửi thuốc tới 220 người, đồng thời chuyển 90 liều thuốc tới các bệnh viện ở Vũ Hán.

Li cho biết không mảy may nghĩ tới rủi ro khi cho đi thuốc của mình. "Tôi chỉ đơn giản muốn cứu người. Tôi biết có thể có rủi ro, nhưng chúng ta chỉ có thể nói rằng nếu có vấn đề, chúng ta sẽ giải quyết nó", Li nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-nhiem-hiv-tai-vu-han-chat-vat-tim-thuoc-vi-bi-phong-toa-post1059411.html