Người Nhật xem lại chuyện đúng giờ

Ở Nhật Bản, áp lực về việc giữ cho bản thân luôn đúng giờ lúc nào cũng có vẻ nặng nề, đến mức người ta đang phải nhìn nhận lại xem chuyện này hiện có trở nên hơi quá đà hay không.

(SGTT) – Ở Nhật Bản, áp lực về việc giữ cho bản thân luôn đúng giờ lúc nào cũng có vẻ nặng nề, đến mức người ta đang phải nhìn nhận lại xem chuyện này hiện có trở nên hơi quá đà hay không.

Người Nhật luôn luôn coi trọng chuyện đúng giờ.

Người Nhật luôn luôn coi trọng chuyện đúng giờ.

Tháng 2-2019, nước Nhật xôn xao vì vụ “tai tiếng” của Bộ trưởng Olympics Nhật Bản khi đó là ông Yoshitaka Sakurada đã đến dự một cuộc họp tại quốc hội trễ… 3 phút. Phe đối lập đã tổ chức cả một cuộc biểu tình phản đối ông Sakurada giữa làn sóng phẫn nộ của công chúng cả nước. Chỉ vài ngày sau, ông này buộc phải đăng đàn xin từ chức.

Trước đó, vào năm 2018, một chuyến tàu của Công ty đường sắt Nhật Bản đã rời ga sớm… 25 giây, cũng bị báo đài cả nước phê phán. Dư luận cho rằng đây là sai lầm lớn của phía doanh nghiệp, cho dù đại diện công ty đã mau chóng đưa ra lời xin lỗi.

Đúng giờ từ bé

Ở một đất nước mà chỉ cần trễ vài phút cũng đủ chấm dứt cả sự nghiệp, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến một đế chế kinh doanh, nhiều người dân Nhật Bản cảm thấy chuyện đúng giờ mang ý nghĩa sống còn. Không chỉ là những nhân vật nổi tiếng những con người của công chúng, những người dân bình thường làm những công việc phổ biến nhất cũng cần phải đặt chuyện đúng giờ lên hàng đầu. Văn hóa đúng giờ đã trở thành chuẩn mực của cuộc sống Nhật và được giáo dục cho từng người dân từ lứa tuổi mẫu giáo.

Anh Issei Izawa, sinh viên đại học, cho biết: “Từ nhỏ, tôi luôn được dạy phải suy nghĩ về những sự bất tiện tôi sẽ gây ra nếu trễ lịch, trễ giờ dù chỉ một chút và tôi nghĩ những lời dạy đó đã khắc sâu trong tôi”. Cô Kanako Hosomura, 35 tuổi, hiện làm nội trợ tại nhà, khẳng định cô cực kỳ ghét việc phải để ai đó chờ mình trong các cuộc hẹn. Cô thà đến thật sớm và ngồi đợi còn hơn là nhìn thấy bạn bè đang đợi sẵn trong quán. Cô Kanako cho biết mình sẵn sàng tuyệt giao với bất kỳ ai trễ hẹn và làm phiền tới người khác.

Điều thú vị là văn hóa đúng giờ không hề có trong lịch sử nước Nhật cho đến những năm 1920. Trước đó, người Nhật sống rất xuề xòa, nhàn tản. Một sĩ quan hải quân Vương quốc Hà Lan tên là Willem Huyssen Van Kattendjike, khi mô tả nước Nhật thế kỷ 19 còn nhận xét cuộc sống ở nước Nhật khá là thoải mái về thời gian, tàu hỏa thời đó đến trễ 20 phút là chuyện thường.

Chỉ từ những năm 1920, khi đồng hồ trở nên phổ biến và nước Nhật đẩy mạnh tuyên truyền về tinh thần công nghiệp hóa, chuyện đúng giờ mới trở thành chủ đề bắt buộc của cuộc sống. Lúc ấy, phụ nữ còn được hướng dẫn những cách làm tóc sao cho nhanh chóng trong vòng 5 phút. Chỉ khi nào có dịp quan trọng, các chị em mới được phép chuẩn bị đầu tóc khoảng 1 tiếng đồng hồ. Cũng từ mốc thời gian này, đúng giờ được coi là tiêu chuẩn của kỷ luật, của hiệu suất công việc. Giáo sư Mieko Nakabayashi của trường Đại học Waseda cho biết, từ đó, chuyện đúng giờ gắn liền với danh dự của người nhân viên.

Áp lực gây phản ứng ngược

Tuy nổi tiếng với chuyện đúng hẹn là vậy nhưng ngày càng nhiều người Nhật cảm thấy quá “ngộp”, quá áp lực với cái mà họ gọi vui là “hội chứng cuồng đúng giờ” trong văn hóa nước mình. Đặc biệt là những người đã phải trả giá quá đắt cho việc trễ lịch, trễ hẹn. Chuyện bị sa thải vì đi làm trễ dù chỉ dưới 10 giây không hề hiếm và dần dần đã trở nên quá cực đoan ngay cả đối với những người dân trong nước.

Giáo sư Nakabayashi chỉ ra rằng đúng giờ không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với hiệu quả công việc. Đôi khi chuyện người Nhật quá cứng nhắc trong tuân thủ thời gian còn đem đến hiệu quả trái ngược.

Năm 1990, toàn tỉnh Hyogo rúng động vì việc một em học sinh trung học 15 tuổi bị cánh cửa của trường học đè ép đến chết khi đang chen qua cổng đúng giờ vào lớp buổi sáng. Người giáo viên bấm nút đóng cổng bị sa thải và dư luận bàn cãi kịch liệt về vụ việc trong thời gian dài. Cho đến tận ngày nay, học sinh đi học trễ vẫn có nguy cơ bị ghi nhận xét vào học bạ và không thể đi học đại học.

Văn hóa đúng giờ đôi khi cũng không giúp ích được các tổ chức và công ty nâng cao hiệu suất công việc. Giáo sư Mieko Nakabayashi lưu ý rằng các công ty Nhật quá coi trọng thời gian giờ giấc làm việc, thường bắt nhân viên làm ít nhất 80 tiếng một tuần, và rất hay làm quá giờ không lương. Yukio Kodata, mang hai quốc tịch Nhật Bản và Canada, hiện đang sống và làm việc ở Nhật, cho biết chuyện có mặt ở sở làm chính xác vào lúc 9 giờ sáng và ngồi đó đến nửa đêm thường chẳng tạo ra khác biệt gì lớn. Anh nói: “Các cuộc họp hành thường quá nhiều và quá dài, hầu hết mọi người đều không đóng góp được ý tưởng hữu dụng, công việc với họ chỉ là làm đi làm lại những việc được giao”.

Anh Kodata và bà Nakabayashi đều cho rằng việc đặt nặng chuyện giờ giấc và coi nhẹ giới hạn thời gian làm việc tối đa ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống người dân. Anh Kodata cho biết, hầu hết người Nhật cảm thấy bế tắc với áp lực công việc như vậy. Theo anh, đây là nguyên do chủ yếu của hiện tượng những người Nhật làm việc ở những quốc gia khác đều không muốn trở lại sống và làm việc ở quê hương.

Vũ Hoàng

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nguoi-nhat-xem-lai-chuyen-dung-gio/