'Người nhà' đặc biệt của người bệnh

Sáu tháng nằm viện, bệnh nhân Vũ Văn Thống (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn còn mệt mỏi sau ca phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái do di chứng của mảnh đạn cắm vào khi ông tham gia chiến trường Tây Ninh năm 1969. Hai tháng đầu, vợ và con gái thay nhau chăm sóc. Cảnh nằm liệt giường chiếu, không ăn được, không ngồi dậy được, nhìn vợ con mà thương rớt nước mắt. Ông muốn 'giải phóng' cho người thân khỏi phải chăm ông ngày đêm tại viện mà chưa biết tính sao.

Chị Tuyết chăm sóc ông Vũ Văn Thống suốt bốn tháng qua.

Thuê người ngoài thì khó thuê người trẻ, lại phải khỏe mạnh, không có bệnh lây nhiễm khi sức đề kháng của phổi ông rất kém. Mà chăm cả ngày lẫn đêm, liệu tin ai được mà gửi gắm. Đang loay hoay giữa cơn bệnh đó, gia đình ông biết đến dịch vụ hỗ trợ chăm sóc người bệnh theo yêu cầu bởi những người có chuyên môn tốt tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Bốn tháng qua, người đồng hành với ông trong cuộc chiến đấu với bệnh tật tại bệnh viện là chị Nguyễn Kim Tuyết. “Cô ấy tốt lắm, chăm sóc chẳng khác gì người nhà. Cô ấy lại có chuyên môn, có sức khỏe nên mình cứ yên tâm mà điều trị thôi. Người nhà thì cứ chăm sóc theo thói quen, còn cô Tuyết là chăm sóc kiểu khoa học, cho tôi uống loại thuốc nào, giờ nào, ăn uống đúng cách. Tuyết cũng rất kiên nhẫn hỗ trợ tôi tập luyện để không bị liệt tay chân, xẹp phổi sau ca mổ. Tôi chỉ còn chờ lành hẳn là ra viện”, ông Thống kể.

Chị Tuyết vừa cười vừa nghe ông kể chuyện với một vẻ mặt đầy tự hào. Bốn tháng qua, chị thay người nhà chăm sóc ông ngày đêm. Từ khi ông còn phải nằm liệt giường, chăm sóc mọi thứ tại chỗ; từ khi ông chỉ ăn không nổi hai thìa cơm, thì giờ ông đã đi lại được không cần dìu dắt, đã ăn uống như người khỏe mạnh. Chị Tuyết cũng như “đồng hồ sinh học” nhắc giờ uống thuốc, giờ thể dục, đọc báo cho ông nghe hằng ngày.

Vừa bóp vai cho ông Thống, chị Nguyễn Kim Tuyết (nhân viên phòng công tác xã hội truyền thông, người Hà Nội) kể, đây là bệnh nhân thứ ba chị nhận chăm sóc trọn gói. “Hai bác trước cũng khoảng 80 tuổi, rất khó khăn để ban đầu tôi tiếp cận chăm sóc. Mỗi người có thói quen sinh hoạt khác nhau, không chỉ hiểu nếp sống, mà còn phải hiểu tính cách để chiều các bác như người nhà”, chị Tuyết nói.

Chăm sóc người già, mang bệnh là một thách thức với các nhân viên hỗ trợ chăm sóc người bệnh.

Sau sáu tháng học bệnh lý chuyên khoa phổi, Nguyễn Kim Tuyết đã cùng với hơn 10 nhân viên khác chuyên chăm sóc, hỗ trợ người bệnh tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Vừa có chuyên môn như các điều dưỡng, vừa có sức khỏe sau khi được sàng lọc, tuyển chọn, những nhân viên áo vàng này đã hai năm qua, giúp đỡ nhiều người bệnh, giảm áp lực cho người nhà bệnh nhân phải ăn trực, nằm chờ ở viện chăm sóc người nhà.

PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, từ năm 2015, bệnh viện đã hình thành dịch vụ chăm sóc người bệnh trong bệnh viện dựa trên nhu cầu có thật của người bệnh. Những nhân viên được lựa chọn đều phải trải qua khóa đào tạo với các kiến thức chuyên môn nhất định về y tế, giao tiếp ứng xử để chăm sóc toàn diện người bệnh trong quá trình điều trị, thậm chí chia sẻ tâm lý với người bệnh khi cô đơn, buồn chán.

“Mô hình này có ý nghĩa giúp bệnh nhân giảm bớt phần gánh nặng trong quá trình người bệnh nằm viện. Mỗi nhà giờ chỉ có một đến hai con, đều bận rộn ngoài xã hội không thể xin nghỉ cả tháng chăm người thân. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để các bạn trẻ khi mới ra trường chưa có việc làm, được làm công việc phù hợp với kiến thức được học ở trong trường”, ông Phú cho hay.

Theo ông Phú, có khoảng 10-20% bệnh nhân điều trị nội trú có nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày. Ngoài giá cả ở mức chi phí vừa phải, phù hợp số đông người bệnh có thu nhập hiện nay thì những nhân viên này còn được bệnh viện bảo đảm về nhân thân, trình độ chuyên môn, chứng chỉ chăm sóc người bệnh.

Các nhân viên áo vàng được đào tạo về kỹ năng chăm sóc người bệnh.

“Chúng tôi cung cấp dịch vụ không vì lợi nhuận. Bệnh viện không thu để tích lũy vào doanh thu của bệnh viện mà hướng tới người bệnh, tạo thuận lợi cho công tác chuyên môn, giảm gánh nặng thời gian sức lực của gia đình với đồng tiền, chi phí vừa phải”, ông Phú nhấn mạnh.

Hiện nay, dịch vụ này đang nhận được nhiều ý kiến đánh giá tốt của người bệnh và gia đình người bệnh. Với lực lượng lao động chuyên môn hóa, thái độ tốt, kỹ năng ứng xử tốt, họ biết cách chăm sóc chuyên môn hơn nhiều người, hiện nay dịch vụ này cũng đã được nhiều người bệnh điều trị ngoại trú yêu cầu.

LAM NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/37756402-nguoi-nha-dac-biet-cua-nguoi-benh.html