Người ngoài xông vào trường chém chết học sinh: Khi nhà trường không đủ tiền thuê bảo vệ!

Vụ một thanh niên cầm dao xông vào trường học đâm chết 1 học sinh, làm bị thương 4 em khác và 1 giáo viên tại Thanh Hóa đang đặt ra cho ngành giáo dục và chính quyền các địa phương bài toán về công tác đảm bảo an ninh trường học.

Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị - học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT), thăm hỏi, động viên gia đình học sinh bị nạn - Ảnh: MINH HẢI

Bảo vệ trường... đi về nhà làm việc khác !

Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc tại Trường tiểu học Đồng Lương (xã Đồng Lương, H.Lang Chánh, Thanh Hóa) vào ngày 6.5. Báo cáo vụ việc, cả ông Lê Thiên Quang, Hiệu trưởng và ông Lê Văn Khánh, bảo vệ nhà trường, đều thừa nhận khi xảy ra vụ việc, ông Khánh không có mặt tại trường do đi về nhà làm việc khác.

Theo giải trình của ông Khánh, ông được nhà trường thuê làm bảo vệ, mỗi tháng được trả công 800.000 đồng. Số tiền này ông Khánh không đủ sống, nên ông thường xuyên phải đi làm thêm nhiều việc khác.

Ông Lê Thiên Quang thừa nhận công tác bảo vệ tại trường còn lơ là do không có kinh phí, trường chỉ trích được 800.000 đồng/tháng từ nguồn chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục để trả cho 1 bảo vệ. Ông Quang cũng cho biết thêm khoảng 1 tuần trước khi sự việc xảy ra, do lương quá thấp nên bảo vệ đã báo cáo với Ban giám hiệu nhà trường xin nghỉ để làm việc khác kiếm sống, trong khi Ban giám hiệu đang xem xét, tìm cách giải quyết thì xảy ra vụ việc đau lòng.

Thiếu nghiệp vụ, kỹ năng

Do không có nguồn tiền để thuê, bảo vệ được trả lương ít nên họ không toàn tâm toàn ý túc trực 24/24 giờ tại trường. Hơn nữa, một số nơi bảo vệ đã lớn tuổi, không có nghiệp vụ, nên khi xảy ra việc đột xuất không thể kịp thời ngăn chặn

Ông Lê Minh Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Lang Chánh (Thanh Hóa)

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở Thanh Hóa hiện nay mặc dù công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng đa số các huyện miền núi ở tỉnh này, nhà trường phải tự cân đối tiền để thuê bảo vệ. Nguyên nhân do ngân sách xã, huyện eo hẹp, không có tiền chi trả.

Ông Lê Minh Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Lang Chánh, cho biết toàn huyện có 34 trường học các cấp. Các trường đều phải tự cân đối từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục để lấy tiền thuê bảo vệ, mặc dù trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. “Do không có nguồn tiền để thuê, bảo vệ được trả lương ít nên họ không toàn tâm toàn ý túc trực 24/24 giờ tại trường. Hơn nữa, một số nơi bảo vệ đã lớn tuổi, không có nghiệp vụ, nên khi xảy ra việc đột xuất không thể kịp thời ngăn chặn”, ông Thư nói.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại huyện miền núi Quan Hóa và nhiều huyện khác của tỉnh Thanh Hóa. Ông Ngô Phi Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Quan Hóa, cho biết: “Cũng như nhiều nơi khác, các trường phải tự cân đối tiền để thuê bảo vệ nhưng cũng chỉ làm nhiệm vụ đóng mở cổng trường, trông coi cơ sở vật chất; còn để phòng ngừa, ngăn chặn hoặc xử lý các tình huống khẩn cấp như vụ việc ở H.Lang Chánh thì khó lắm. Hiện nay chúng tôi cũng rất lo lắng, vì thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ đối tượng ngáo đá sát hại người khác ở một số nơi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là trong trường học”.

Đối với các huyện đồng bằng, ven biển, chính quyền địa phương đã tự bố trí được ngân sách thuê bảo vệ nhưng cũng kiến nghị cần phải tập huấn nghiệp vụ.

Còn nhiều lỗ hổng trong việc bảo vệ trường học - Ảnh: Minh Hải

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị - học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT), cho biết vụ việc xảy ra ở H.Lang Chánh là rất nghiêm trọng và cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân có liên quan. Ông Linh cũng đồng tình với đề nghị của các đơn vị là cần xây dựng một thiết chế rõ ràng hơn về vị trí bảo vệ ở các trường học.

“Ở các địa phương còn tồn tại một số vị trí bảo vệ không đủ sức khỏe, không đủ trình độ, kiến thức để làm bảo vệ. Điều này các cơ sở giáo dục trong thời gian tới sẽ phải chú trọng. Không thể chấp nhận bảo vệ không làm tròn vị trí của mình. Tất cả các kinh phí hoạt động của trường học đều do nhà nước cấp. Vị trí bảo vệ trong các trường cũng đã được quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật, nên các địa phương phải linh hoạt để cân đối kinh phí bố trí cho việc này. Chúng ta phải đặt mục tiêu cao nhất, tối thượng là đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên và HS, khi điều đó được đảm bảo thì chất lượng dạy và học mới đảm bảo”, ông Linh nói.

Bố trí tối thiểu một lao động hợp đồng làm bảo vệ

Ngày 6.5, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản gửi các huyện, thị xã, TP, trong đó đề nghị các địa phương cần quan tâm hơn nữa công tác phòng, chống bạo lực học đường; đảm bảo an ninh tại các trường học; đầu tư cơ sở vật chất, như xây dựng rào cao để đảm bảo an ninh; bố trí tối thiểu 1 lao động hợp đồng làm nhiệm vụ bảo vệ tại trường và tập huấn năng lực cho bảo vệ. Sở cũng khuyến khích các trường trang bị và lắp đặt hệ thống camera an ninh để kịp thời ngăn chặn khi có người lạ đột nhập vào trường.

Minh Hải

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/nguoi-ngoai-xong-vao-truong-chem-chet-hoc-sinh-khi-nha-truong-khong-du-tien-thue-bao-ve-1079512.html