Người nghiện ma túy có thể là bệnh nhân và cũng có thể là tội phạm

Thảo luận về dự thảo Luật Phòng, Chống ma túy sửa đổi, nhiều đại biểu cho rằng cần phân biệt rõ thuật ngữ người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy để có những quy định phù hợp. Bên cạnh đó, việc xác định người nghiện ma túy có phải là bệnh nhân không cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

Cho rằng nếu không phân biệt rõ thuật ngữ “người sử dụng trái phép chất ma túy” và “người nghiện ma túy”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, không ít người trong xã hội kể cả một số cán bộ có trách nhiệm trong công tác này có nhận thức rằng người sử dụng trái phép chất ma túy chính là người nghiện ma túy.

Tuy nhiên, theo ý kiến chính thức của các cơ quan chuyên môn, thì không phải cứ sử dụng ma túy một vài lần là thành người nghiện, đồng thời cũng sẽ không thể trả lời được chính xác câu hỏi là sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì thành người nghiện. Chính vì vậy, trên thực tế có những người sử dụng ma túy trong một thời gian khá dài nhưng mà chưa rơi vào tình trạng nghiện, chưa bị lệ thuộc vào ma túy. Bên cạnh đó có những người chỉ sử dụng ma túy vài lần đã thành người nghiện.

Cũng theo đại biểu Thủy, việc xét nghiệm một người cho kết quả dương tính với ma túy chỉ là cơ sở để kết luận người đó có sử dụng ma túy, chứ không phải là cơ sở để kết luận người đó nghiện ma túy. Chính vì vậy, việc phân định chính xác hai diện người này để có những biện pháp tương xứng về mặt pháp luật là rất cần thiết và rất quan trọng đối tượng nào thì biện pháp đó.

Từ đó bà Thủy phân tích, pháp luật hiện hành chỉ quản lý đối với người nghiện, không quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và nếu người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nếu mà bị phát hiện thì chỉ bị xử phạt hành chính tối đa đến 1 triệu đồng theo Nghị định 167 và sau đó không có chế tài hay biện pháp quản lý nào đối với họ. Sau này, nếu như họ trở thành người nghiện rồi mới bị quản lý và lúc đó phải thực hiện chương trình cai nghiện cũng như là bị quản lý sau cai.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy là nếu đã thành người nghiện thì không dễ cai và lúc đó thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội, bà Thủy nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tranh luận việc coi người nghiện là người bệnh. Theo ông Nhưỡng, phải hết sức lưu ý và cần phải phân biệt rất rõ 2 trạng thái. Một là, người nghiện do ăn chơi đến gây bệnh, khác với những người mà bị phơi nhiễm.

Ông lấy ví dụ, như một số các chiến sĩ trong mặt trận phòng, chống ma túy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải vào tận hang ổ và bị phơi nhiễm thì được coi là bệnh. Còn những người cố tình ăn chơi mà cũng coi là bệnh tương đương mà không xử lý thì không thỏa đáng.

Đứng ở góc độ người làm y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng tham luận ý kiến về việc xác định người nghiện ma túy là bệnh nhân hay tội phạm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, ở Điều 3 giải thích từ ngữ trong luật này rất rõ ràng. Khoản 15 thì người nghiện ma túy được định nghĩa. Khoản 11 là tội phạm về ma túy cũng được định nghĩa rất rõ ràng.

Như vậy theo ông, ở đây người nghiện ma túy là bệnh nhân cần phải được điều trị về thể chất và tâm thần để hết nghiện. Những người nghiện ma túy đó cũng có thể là tội phạm, nếu họ có những hành vi phạm tội và khi đó thì họ phải bị xử phạt như một tội phạm. “Vậy, người nghiện ma túy có thể là bệnh nhân và cũng có thể là tội phạm” - ông Trí nỏi.

Về Điều 23 khoản 2 có nói về cơ quan thẩm quyền xét nghiệm ma túy: a) Là cơ quan y tế. b) Là cơ công an. Theo ông Trí không nên tách ra như vậy. Vì cơ quan y tế thì làm được xét nghiệm nhưng chưa chắc đã có thẩm quyền, nếu như không được giao cho thẩm quyền đó. Còn cơ quan công an thì có thể thẩm quyền rất to, rất lớn nhưng không phải là cơ quan y tế để làm xét nghiệm về chuyên môn, ông Trí phân tích.

“Ở Điều 28 sử dụng cụm từ mà tôi cho là rất hay, đó là cơ quan y tế có thẩm quyền. Như vậy, rõ ràng muốn xét nghiệm ma túy để sử dụng trong việc xác định tội phạm, v.v. thì chỉ cần nói cơ quan y tế có thẩm quyền là được. Tức là, họ vừa có chuyên môn về y tế, nhưng có thẩm quyền được giao cho làm nhiệm vụ đó" - lời ông Trí.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-nghien-ma-tuy-co-the-la-benh-nhan-va-cung-co-the-la-toi-pham-217388.html