Người nghèo và câu chuyện tiếp cận các chính sách phát triển kinh tế

Có lẽ chưa bao giờ Chính phủ lại có nhiều chính sách ưu đãi cho người nghèo như giai đoạn hiện nay. Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện đáng kể. Vậy nhưng, còn nhiều nỗi băn khoăn trong việc giúp người nghèo tiếp cận các chính sách phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhiều hộ nghèo xã Xuân Bình (Như Xuân) đã vươn lên thoát nghèo.

Buổi trưa, dừng chân tại xã Nga Tiến (Nga Sơn) giữa cơn mưa nặng hạt. Ông Thông, xóm 7 cho biết: “Bữa nay trời mưa nên hầu hết bà con không đi làm”. Chuyện ngày mưa cũng là ngày nghỉ đã chẳng còn gì lạ khi công việc chính của phần lớn các hộ dân nơi đây là ra khơi đánh cá, mà việc này thường chỉ diễn ra khi trời nắng. Còn bà Đào, xóm 2 cho hay “Nhà tôi hoàn cảnh vừa neo đơn, vừa khó khăn bệnh tật. Ông nhà đã trên 60, bệnh tai biến, còn tôi hằng ngày phải bươn trải bắt từng con cá, con cua mang ra chợ bán”. Thu nhập tuy gần 100.000 đồng/ngày nhưng mỗi tháng chỉ suôn sẻ khoảng 10 ngày, còn lại thì “rỗi”. Thiếu gạo ăn thì mua chịu rồi trả sau”. Bà Hòe cho biết thêm: “Năm rồi, xã cho vay 10 triệu đồng để cải thiện kinh tế gia đình. Tôi mua gà, mua vịt thả nuôi, nhưng gần tới lứa bán thì bệnh dịch làm chết mất hơn một nửa. Vậy là vừa mang nợ ngân hàng, vừa bị “cắt” hộ nghèo. Đem chuyện của các hộ dân trao đổi với cán bộ chính sách xã, được biết: Công tác vận động giảm nghèo của xã rất khó khăn. Để đạt chỉ tiêu đặt ra hằng năm về giảm nghèo, xã đã liên tục vận động bà con tổ chức sản xuất. Việc sau khi nhận được hỗ trợ vay vốn rồi xóa nghèo vẫn còn đang bất cập. Chỉ tiêu đặt ra của xã là phấn đấu mỗi năm giảm từ 2,5 đến 3%, trong khi hiện tại chưa có một giải pháp nào căn cơ, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội nơi đây còn kém phát triển. Giảm nghèo bền vững đang là mục tiêu khó!

Theo tìm hiểu tại các địa phương, trong diện hộ nghèo “bền vững” có đến 1/3 thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, ngoài ra còn có các đối tượng là người già neo đơn... Điều này cho thấy, chính sách “chung tay vì người nghèo” đã giúp những người yếu thế được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội. Người nghèo hiện đã được thụ hưởng rất nhiều các chính sách như: Hỗ trợ khám, chữa bệnh, cấp thẻ BHYT, tiền điện, vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ làm nhà ở, học phí cho học sinh là con của hộ nghèo... Tuy nhiên, chính từ cách tiếp cận nghèo đa chiều và cách chấm điểm hộ nghèo khắt khe nên hộ nghèo có người trong độ tuổi lao động hiện không còn nhiều. Đây chính là lý do nhiều hộ nghèo không đủ điều kiện tiếp cận các chính sách phát triển kinh tế, mà rào cản lớn nhất là hết tuổi lao động. Ví như, tại xã Xuân Sơn (Thọ Xuân), năm 2016, toàn xã có 194 hộ nghèo, trong đó có 21 hộ nghèo được hỗ trợ phát triển kinh tế nay đã thoát nghèo. Cụ thể, theo dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trong chăn nuôi bò và trâu sinh sản, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua con giống. Sau 2 năm thu hồi 70% số tiền hỗ trợ của dự án để luân chuyển cho các hộ khác. Ông Trịnh Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết: Những hộ này thực sự đáng trân trọng, tuy nhiên đặt trong tương quan với toàn xã, khi mà con số hộ nghèo gần 200 hộ thì tỷ lệ thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế vẫn còn rất khiêm tốn. Ông Tiến cho biết thêm: Có đến hơn một nửa hộ nghèo là người tàn tật, già cả, neo đơn, hết tuổi lao động nên việc tiếp cận các chính sách phát triển kinh tế rất khó khăn.

Hiện toàn tỉnh có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tỉnh ta đã đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, các công trình thủy lợi, y tế, giáo dục, nhiều hộ nghèo và cận nghèo được cấp thẻ BHYT, được khám, chữa bệnh miễn phí, được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế... Thế nhưng, những chính sách ưu đãi mang tính đặc thù này vẫn chưa đủ tạo lực đẩy để các hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh thoát hẳn tình trạng đói nghèo, trì trệ. Vì vậy mà câu chuyện giảm nghèo ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đi đến hồi kết.

Về các xã bãi ngang ven biển huyện Quảng Xương những ngày này có thể thấy và cảm nhận được ít nhiều sự đổi mới trong diện mạo và đời sống người dân. Đó là kết quả sau nhiều năm thực hiện công tác giảm nghèo bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù vậy, khách quan nhìn nhận, sự đổi mới này vẫn chưa thực như kỳ vọng khi vẫn còn không ít hộ do chịu thiên tai, dịch bệnh và hạn hán mà lâm vào cảnh túng quẫn, nghèo đói, thậm chí là nghèo dai dẳng và gần như không có lối thoát. Hơn nữa, cái nghèo không đơn thuần phát sinh từ các yếu tố tự nhiên mà có mà còn do yếu tố nội tại của các hộ gia đình. Vì thế, phương thức “cấp cần câu” hay “cho con cá” để xóa đói, giảm nghèo vẫn chưa mang lại hiệu quả. Nhiều gia đình có ý chí làm ăn, họ chỉ cần được hỗ trợ vốn, kỹ thuật là có thể tự sống và dần dần vươn lên được. Nhưng những hộ nghèo do các yếu tố nội tại, chủ quan thì rất khó thoát nghèo.

Tại chương trình hội thảo “Nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2017-2020) tổ chức vào tháng 11 vừa qua, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh và các địa phương đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác giảm nghèo, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân khách quan, do đặc thù địa bàn thực hiện dự án là các xã nghèo, vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đất sản xuất nông nghiệp ít và kém chất lượng. Trình độ dân trí còn thấp và chưa đồng đều nên khả năng thay đổi thói quen canh tác cũ, tư duy sản xuất hàng hóa mới còn chậm, chưa có ý thức tích lũy, đầu tư tái sản xuất, việc tiếp nhận các ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo còn hạn chế. Về nguyên nhân chủ quan, năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến lâm và giảm nghèo còn hạn chế, ít kinh nghiệm, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của địa phương. Người lao động còn chưa thực sự chủ động trong quá trình sản xuất, vẫn còn thụ động, tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Nguồn lực để hộ nghèo thực hiện mô hình như kinh phí, đất đai... còn hạn chế.

Để câu chuyện giảm nghèo không còn là câu chuyện “kể mãi không hết”, thiết nghĩ bên cạnh việc phát huy tối đa các nguồn lực cho công tác giảm nghèo thì việc phát huy nội lực trong nhân dân mới là tiền đề, là giải pháp quan trọng.

. Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/chinh-tri/n179571/nguoi-ngheo-va-cau-chuyen-tiep-can-cac-chinh-sach-phat-trien-kinh-te