Người nghèo châu Mỹ Latinh bán nhà để trả nợ vì Covid-19

Một báo cáo thường niên của Liên hợp quốc ngày 10-3 cho biết, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và mạng lưới an sinh xã hội yếu kém, 22 triệu người dân Mỹ Latinh đã bị đẩy vào cảnh nợ nần và nghèo đói. Con số người nghèo cùng cực đã ở mức chưa từng thấy trong 20 năm và cuối cùng nhiều người phải trả tiền túi để điều trị cho dịch bệnh.

Trong đại dịch, nhiều gia đình ở Mỹ Latinh lâm vào cảnh nợ nần vì chi phí chữa bệnh cho người thân nhiễm Covid-19

Trong đại dịch, nhiều gia đình ở Mỹ Latinh lâm vào cảnh nợ nần vì chi phí chữa bệnh cho người thân nhiễm Covid-19

Mỹ Latinh đang chứng kiến sự đan xen giữa việc mở cửa trở lại và làn sóng Covid-19 mới bùng phát. Cùng với đó, làn sóng nợ nần diễn ra khi hàng triệu gia đình ở Mỹ Latinh mất đi những người thân yêu vì đại dịch. Khu vực đã ghi nhận hơn 687.000 ca tử vong do Covid-19, chỉ đứng sau số người chết ở châu Âu. Renata Granados, 24 tuổi và gia đình ở Querétaro, Mexico, buộc phải bán chiếc xe bán tải của gia đình sau khi chị gái Paloma của cô bị nhiễm bệnh và qua đời sau 21 ngày nằm viện. Hóa đơn là 7 triệu peso Mexico (khoảng 330.000 USD). “Chi phí rất lớn khi cô ấy nằm viện. Tôi cảm thấy như đó là một tai ương không ai kịp chuẩn bị trước”.

Mirta González, một thợ làm móng 34 tuổi sống ở một thị trấn nhỏ ở miền Nam Paraguay, đã phải đi vay nóng khi chồng cô Jesús bị ốm và được chuyển đến Thủ đô Asuncion. Cô đã chi 6,5 triệu guarani (985 USD) cho thuốc men và vật tư. “Nếu không có quan hệ hay tiền thì người bệnh chỉ có chết”, González cho biết trong khi chờ đợi được loa gọi để chuyển thuốc cho chồng tại INERAM, trung tâm điều trị Covid-19 chính ở nước này. Ở đất nước không giáp biển với khoảng 7 triệu người, chỉ có khoảng 1/5 dân số được hưởng bảo hiểm an sinh xã hội và y tế qua công việc và chỉ khoảng 7% đủ sức tự chi trả viện phí. Dịch vụ y tế tiếng là miễn phí cho tất cả mọi người nhưng rất hạn chế.

Trong khi đó, tại thành phố Manaus của Brazil, nơi đại dịch Covid-19 hồi tháng 1-2021 đã khiến các các dịch vụ y tế công cộng ở đây sụp đổ, Cintia Melo buộc phải chăm sóc người mẹ 87 tuổi ở nhà, thuê người chăm sóc và máy thở đồng thời thuê hoặc mua bình oxy. “Không còn giường bệnh nào cả”, nhà sản xuất video tự do cho biết. Theo Cintia Melo, chi phí vào khoảng 20.000 reais (3.553 USD) một tháng và mặc dù mẹ cô hiện đã bình phục, bà vẫn cần được chăm sóc trong vài tuần, có thể là vài tháng nữa. “Số tiền chi phí vẫn chưa kết thúc”, Melo nói.

Chị Sandra Contreras, 34 tuổi tạm trú bên ngoài bệnh viện Villa el Salvador của Thủ đô Lima, Peru đã cạn kiệt tiền để chi trả điều trị cho người mẹ mắc Covid-19. “Tôi nói với anh chị em của mình: Kể cả phải bán nhà để cứu mẹ, chúng ta cũng sẽ làm điều đó”, Contreras, rơm rớm nước mắt khi đứng ngoài chờ tin về mẹ của mình trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng. Tương tự, Yoselin Marticorena, 26 tuổi, chờ đợi bên ngoài bệnh viện Villa el Salvador ở Peru để biết tin tức về cha cô. Mẹ và chị gái của cô ấy cũng có các triệu chứng Covid-19 và cô không còn ai để được giúp đỡ. “Tôi không biết phải làm gì, tôi thực sự đã bán hết mọi thứ rồi”, cô nói.

Báo cáo tuần trước của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về Mỹ Latinh và Caribe cho biết, ngoài việc gia tăng nghèo đói, đại dịch còn gây ra căng thẳng xã hội. Báo cáo cho rằng, mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nếu các chính phủ ở Mỹ Latinh không trợ cấp khẩn cấp cho khoảng 84 triệu hộ gia đình, tức khoảng một nửa dân số. Thư ký điều hành của ủy ban, Alicia Bárcena, cho biết mọi người đang sống trong tình trạng bấp bênh ngày càng cao do đại dịch và rằng “cần phải gây dựng lại bằng sự bình đẳng và bền vững, nhằm tạo ra một nhà nước phúc lợi thực sự, một nhiệm vụ đã bị trì hoãn từ lâu trong khu vực”.

“Chi phí y tế là động lực chính đẩy mọi người vào tình trạng nợ nần. Thay vì đầu tư vào một ngôi nhà, kinh doanh hoặc giáo dục, chúng ta đang phải trả nợ vì sức khỏe. Trong bối cảnh đó, kinh tế khó có thể tăng trưởng được”

Verónica Serafini (Nhà nghiên cứu kinh tế ở Paraguay)

Theo Reuters

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-ngheo-chau-my-latinh-ban-nha-de-tra-no-vi-covid-19-post460297.antd