Người nghệ sĩ của ruộng đồng đi khắp thế gian

84 tuổi, nhìn lại cuộc đời toàn nước mắt của mình, cụ Trịnh Thị Răm nói: 'Ông Trời còn cho tôi sống, ấy là nhờ có câu hát dặm để tôi được vịn vào mà quên đi buồn khổ'. Cụ Rặm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu 'Nghệ nhân dân gian' vì có công lưu giữ và phục dựng 38 điệu hát dặm Quyển Sơn tưởng đã bị thất truyền. Cụ bà nông dân lam lũ một đời với cây khoai cây lúa ấy đã có cơ duyên mang điệu hát dặm quê mình đi trình diễn khắp trời u...

Người lưu giữ điệu hát thờ thánh

Hát dặm Quyển Sơn (vùng Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) vốn là điệu hát thờ thánh. Các bài hát dặm chủ yếu mang nội dung tín ngưỡng, cao ngợi quê hương, mùa vụ của người anh hùng nơi trận mạc. Hát dặm là một trong những nghi lễ thiêng liêng của những ngày hội Đền Thánh Cả, chỉ có những trinh nữ mới được hát hầu thánh. Hội mở từ mùng 10 tháng Giêng cho đến mùng 10 tháng 2, tối nào trên Đền cũng có canh hát. Hết hội, những nàng trinh nữ lại quay về với việc đồng áng, tằm tơ canh cửi.

12 tuổi, cô bé Trịnh Thị Răm được lên hát trên Đền. Vốn có giọng hát trong ngọt vô ngần và khả năng ghi nhớ hơn người, cô bé Răm được cụ trùm hát dặm tận tình truyền dạy cho hết những làn điệu của hát dặm. Trong 38 làn điệu của hát dặm có một nửa là nhạc múa, còn lại là hát. Hát dặm không dùng nhạc cụ đệm theo mà chỉ dùng đôi sênh tre, do cụ trùm gõ nhịp lúc khoan lúc nhặt.

18 tuổi, cô Răm lấy chồng. Theo luật, từ đó cô không được lên Đền đứng hát cùng chị em nữa. Chôn chặt câu hát vào đáy lòng, lúc nào nhớ quá thì ứa nước mắt mà thầm ngâm nga với chính mình, tưởng rằng cô Răm sẽ giã biệt 38 điệu hát dặm từ đấy...

Năm 1946, giặc Pháp về xây bốt ngay đầu làng. Hát dặm Quyển Sơn bặt giọng. Hội Đền không mở mỗi lúc xuân về, con gái trong làng lớn lên cũng chỉ thuộc lõm bõm dăm ba câu hát. Bao nhiêu năm dâu bể, hát dặm tưởng chừng như đã bị thất truyền. Mãi đến năm 1991, có một người đi lấy đá đã phát hiện ra Ngũ Động, nơi xưa kia cất giấu quân lương của Lý Thường Kiệt, cũng là nơi hát dặm từ đó loang vào dân gian.

Bấy giờ chính quyền địa phương mới nghĩ đến việc khôi phục lại lễ hội xưa và những làn điệu hát dặm truyền thống. Ngoảnh lại nhìn, người hát được chẳng còn mấy ai. Đội hát thờ thánh cuối cùng - những nàng trinh nữ xưa giờ đã là những bà lão tóc sương da mồi, lẩy bẩy như nến trước gió. May thay, vẫn còn cụ Răm thuộc làu tròn vẹn cả 38 điệu hát cổ.

Gần nửa thế kỷ ngâm chặt câu hát trong dạ, giờ thì cụ Răm và những bạn hát của mình đã có thể thỏa thích mà hát. Nhưng những người bạn hát của cụ Răm dần theo nhau về với tổ tiên, một mình cụ Răm nhận trách nhiệm truyền dạy hát dặm cho lớp trẻ. Ngày ngày, cụ hăng hái đi khắp thôn làng vận động, tuyển chọn những cô gái chưa chồng để cụ dạy hát. Lớp chị đến tuổi lấy chồng, cụ lại tiếp tục dạy lớp em.

Muốn hát dặm được, trước tiên phải có lòng yêu câu hát, thì lời hát ra mới nhập lòng người - điều ấy cụ luôn dặn kỹ những lứa học trò của mình. Không đặt lời mới, không súng sính thêm đàn sáo - 38 điệu hát dặm đặc lời cổ mà cụ Răm đang truyền dạy vẫn

Cụ Răm bảo: "Muốn hát dặm được, trước tiên phải có lòng yêu câu hát".

những nhịp điệu đượm buồn, mộc mạc với tiếng sênh tre.

Vì những công lao gìn giữ, phục dựng hát dặm Quyển Sơn, cụ Trịnh Thị Răm đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian ngay đợt đầu tiên. Mới đây, trong Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc, cụ đã đoạt Huy chương vàng với điệu hát dặm của quê mình.

Nỗi khổ trần ai...

18 tuổi, cô Răm lấy chồng, bố mẹ hai bên đều mấy đời nghèo khó. Người chồng đi vác đá thuê. Bụng chửa vượt mặt, cô Răm vẫn phải lên rừng lấy củi về bán. Đứa con đầu lòng của họ ngắn mệnh vì cô Răm khi nằm cữ bị sốt rét. Giặc Pháp đến, người chồng vào Vệ quốc quân, lúc đó cô Răm đang có thai người con trai út, chị nó vừa 5 tuổi. Cô Răm vượt cạn một mình giữa tiếng súng đạn, tỉnh dậy lại lo lần hồi rau cháo cho mình và con. Một đêm đông mưa gió, có người bạn qua nhà báo tin dữ: chồng cô hy sinh trên đường đi công tác dưới mạn Nam Định!

26 tuổi, góa bụa, cô Răm lên rừng chặt củi, vác đá, mò cua bắt cá ở sông Đáy. Ai có gì thuê mướn cô cũng làm, quần quật làm lụng để nuôi 2 con khôn lớn và được ăn học. Nhiều người đàn ông khẩn khoản xin gá nghĩa, nhưng cô đều từ chối.

Năm 1965, người cont rai út xung phong nhập ngũ. Anh chỉ nói với mẹ một câu "Mẹ cho con đi trả thù cho cha" rồi khoác ba lô đi ngay, để khỏi thấy dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt lam lũ của mẹ. Anh là Đinh Văn Trang, chiến đấu hơn 2 năm ở Nam Lào, rồi lại đi B. Giữa 2 chiến trường khốc liệt ấy, anh có một tuần phép thanh bình sống trong ngôi nhà của mẹ mình. Rồi lại đi, không thư từ gì về, anh hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân. Tận 2 năm sau mẹ anh mới nhận được giấy báo tử đứa con trai duy nhất của

Cụ Răm dạy chắt ngoại 4 tuổi hát dặm

mình.

Nhìn lại cuộc đời mình, cụ Răm không khỏi ứa nước mắt: "Cứ mỗi khi tôi gượng dậy được thì số phận lại giáng tiếp vào tôi đòn đau chí mạng". Năm 1981, người con gái còn lại của cụ qua đời vì một tai nạn bất ngờ. Lá xanh rụng xuống, lá vàng trên cây - một mình cụ Răm lại thay con nuôi đàn cháu dại. Năm 1996, xã Quyển Sơn làm tặng cụ Răm một ngôi nhà tình nghĩa ngay trên nền đất ngôi nhà cũ nát của cụ. Hiện cụ Răm đang ở với gia đình người cháu ngoại. Chồng và con trai duy nhất của cụ đều hy sinh, nhiều đợt địa phương nhắc lên đặt xuống, cụ Trịnh Thị Răm vẫn chưa được công nhận là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Câu hát dặm ngao du trời u

Năm 1993, Easola Thủy - nghệ sĩ múa nước Pháp gốc Việt sang Việt Nam để tìm chất liệu cho tác phẩm nghệ thuật của mình. Theo tiếng đồn, chị về Quyển Sơn tìm gặp cụ Răm. Chị ngồi nghe và thu âm cụ Răm hát dặm cả một ngày. Năm sau Easola quay lại, bảo cụ Răm chuẩn bị đi diễn ở 14 nước châu u. Cụ Răm và 13 cụ bà nông dân hát chèo của 2 làng Thượng Liệt và An Khê - tất cả đều chung một "sơ yếu lý lịch": tuổi ngoài 70, nghề nghiệp làm ruộng, đọc chưa thông, viết chưa thạo. Vở múa Hạn hán và cơn mưa chính là một phần của cuộc đời họ - đem thân mình chống chọi lại sự khốc liệt của thiên nhiên. Câu chuyện của muôn vàn số phận Việt Nam "Sinh ngang ngọn núi. Sống dọc triền sông. Giọt màu mỡ phù sa pha máu. Tổ tiên tôi mở cõi từ bi xưa".

Trong gần 3 năm trời, những nghệ sĩ nông dân của Easola đã tung hoành trên các sàn diễn khắp 14 nước châu u: Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan, Ý, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch... rồi diễn cả ở Mỹ, Úc, Nhật... Cụ Răm nhớ lại: "Tôi chẳng ngờ có ngày mình lại được đi khắp thế gian. Đi chỗ nào cũng rặt những xa hoa. Một bữa ăn có khi gần bằng cả vụ thóc ở làng. Đi tàu điện ngầm chúng tôi ôm nhau khóc vì lo... không lên mặt đất được. Ở khách sạn cứ ngẩn ngơ vì không biết lấy nước ra tắm bằng cách nào... Chúng tôi mang theo lỉnh kỉnh cả gạo, đỗ, miến, mộc nhĩ, trầu vỏ, nước mắm... để tự nấu ăn".

Chuyến ngao du trời u đã xa cách 10 năm. Trên đất Quyển Sơn, cụ Răm lại ngày ngày truyền dạy hát dặm cho các thôn nữ trong làng. Ở nhà cụ trông chắt ngoại, thằng bé mới 4 tuổi, rất kháu khỉnh và đã thuộc vanh vách những điệu hát dặm (cụ Răm lấy hát dặm ru nó từ khi thằng bé còn đỏ hỏn). Khi việc nhà rảnh rỗi, những lúc vui chuyện bên chén trà, cụ lại kể về những sân khấu tráng lệ rực rỡ đèn màu, về những giọt nước mắt rưng rưng của kiều bào những nơi cụ đi qua. Họ chào đón câu dặm như chào đón một phần cõi tinh thần của dân tộc, mà từ lâu đã không được tiếp xúc.

Có thể cụ Răm là nghệ nhân cuối cùng của hát dặm Quyển Sơn, nhưng báu vật của tổ tiên không bị vùi chôn cùng năm tháng. Con trẻ lớn lên ở đất Quyển Sơn đã ngậm đầy âm vị thiết tha của hát dặm trong tâm hồn mình, tiếp nhận sứ mệnh lưu giữ để mạch nguồn ấy không ngừng chảy...

Theo Thụy Lam/Báo Phụ Nữ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nguoi-nghe-si-cua-ruong-dong-di-khap-the-gian-310628.html