Người nặng tình, nặng nghĩa với xứ Nghệ

Hơn nửa cuộc đời nghiên cứu về đất - người Hà Tĩnh, nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu cho đến nay vẫn vẹn nguyên tấm lòng và niềm say mê với từng tập sách, từng trang tài liệu. Ở cái tuổi 'xưa nay hiếm', ông vẫn hăng say kể câu chuyện về danh nhân, danh thắng mà ông nghiên cứu trong nhiều năm qua của mảnh đất quê hương chôn nhau cắt rốn.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu. Ảnh Báo Hà Tĩnh

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu. Ảnh Báo Hà Tĩnh

Cụ giáo 95 tuổi… không ngừng viết

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu quê gốc tại Đức Thọ, Hà Tĩnh – nơi vốn được gọi là đất “địa linh nhân kiệt” của xứ Nghệ. Tại vùng đất nổi tiếng với nhiều dòng họ khoa bảng đó, ông Trần Sửu cũng chính là thành viên của gia đình với nhiều người lỗi lạc, có nhiều cống hiến đối với lịch sử quốc gia dân tộc. Sinh trưởng trong truyền thống văn hóa gia đình lâu đời, với người cố nội là cụ Lê Dụ đã từng là khâm sai đại thần, từng giữ chức tổng đốc An Tĩnh, cha ông là thầy giáo nên ông cũng sớm được mẹ định hướng cho theo con đường học hành khoa bảng. Ông là cựu học sinh Trường Quốc học Vinh, tốt nghiệp Thành chung (Cao đẳng Tiểu học) rồi ra Hà Nội theo học Trường Trung học Bảo hộ (Trường Chu Văn An ngày nay).

Sau thời gian tham gia Việt Minh từ năm 1945, ông nhận ra được những điều mới mẻ, những giá trị mới, tiếp thêm cho ông hoài bão cũng như sự say mê để tiếp tục hành trình nghiên cứu. Năm 1946, ông Lê Trần Sửu lại theo học Trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng tại Đức Thọ. Năm 1947, ông được bổ nhiệm dạy Trường Trung học kháng chiến Bình Trị Thiên (trường dành cho con em Bình Trị Thiên sơ tán ra vùng tự do) ở Hương Khê.

Ông kể rằng, từ lúc còn đi dạy, ông cũng đã tranh thủ thời gian để đi đến thật nhiều nơi cả trong và ngoài Hà Tĩnh, miễn ở đâu có thể có nguồn tài liệu, thông tin về các nhân vật thì ông nhất định sẽ đi. Cũng trong quá trình đi nghiên cứu đó, cùng với tố chất văn chương có sẵn, ông đã tích lũy cho mình được nhiều tư liệu cực quý giá. Cho đến lúc về hưu ở tuổi 63, ông vẫn không ngừng tìm hiểu, sưu tập tài liệu nghiên cứu. Và đến lúc này, ông Lê Trần Sửu đã thực sự dành toàn tâm, toàn ý cho quá trình nghiên cứu về vị danh nhân nổi tiếng người Hà Tĩnh – Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Những tri thức tích lũy được, ông viết thành nhiều tập hồi kí, truyện ngắn về các nhân vật. Đến nay, nhiều cuốn sách ông viết đã trở thành tư liệu để những nhà nghiên cứu sau này có thể tìm được thông tin về đất và người Hà Tĩnh. Dù đôi tay đã run, tóc đã bạc trắng, ông vẫn rất minh mẫn kể về những tác phẩm của mình: “Tôi năm nay 95 tuổi, vẫn đang viết. Năm ngoái đã ra 1 cuốn sách rồi, đó là tập 1, năm nay định ra tập 2. Về đất và người Hà Tĩnh, năm nay có những bài này, một là Giáo sư Hà Văn Tấn, một người con của Nghi Xuân rất tài ba, thứ hai là mẹ Bảo. Năm nay, tôi cũng nghiên cứu thêm một nhân vật nổi tiếng nhất của đất Hà Tĩnh, đó là Tướng công Nguyễn Công Trứ, có thể xem là một người văn võ toàn tài”. Trong hành trình nghiên cứu, ông đã cùng với các nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, Hồ Hữu Phước, Nguyễn Bân, Lê Văn Tùng… đi điền dã rất nhiều miền quê và khảo cứu, giới thiệu các di sản văn hóa truyền thống, các danh nhân Hà Tĩnh, tập hợp lại những tri thức đó thành kho tư liệu quý.

Ông cũng chia sẻ: “Tôi nghiên cứu, trước hết vẫn là nghiên cứu về những người trong dòng họ của mình. Đó là cụ nội, cụ ngoại,… những người mình có thể tiếp cận được trước. Tôi lớn lên ở xã Yên Hồ, tôi nghiên cứu về xã Yên Hồ, đó là thủ đô kháng chiến của nhà Hậu Trần. Sau đó, cùng với nhóm nghiên cứu, chúng tôi cho ra cuốn sách “Làng cổ Việt Nam”, viết về hai làng là Trung Lễ và Yên Hồ”.

Trong rất nhiều cuốn sách ông viết, ông dành thời gian và tình cảm đặc biệt đối với một nhân vật lịch sử của Hà Tĩnh ít được nhắc đến trước đây, đó là “mẹ Bảo”. Trong dòng chảy suy nghĩ của mình, ông cảm nhận rõ ràng nỗi đau đớn, sự mất mát mà người phụ nữ Việt Nam phải chịu đựng bởi chiến tranh. Ông kể: “Bà là vợ của ông đồ Phạm Văn Thản, ông là người thuộc Duy Tân hội, sau đó bị đi đày ra Côn Đảo, nhưng bà với chồng vẫn chưa có con. Sau đó, bà ra Côn Đảo thăm chồng thì hai người có con với nhau. Người phụ nữ đó can đảm lắm, vượt cả ngàn trùng dương đi ra thăm người chồng của mình, bà đã bám trụ lại đó 3 năm, chăm sóc cho những người bị tù đày ở đây, trong đó có chồng của bà, những người bạn và có những người con của Hà Tĩnh.

Sau 3 năm bà đưa con về đất liền, tuy nhiên vừa trở về thì mẹ ruột của bà mất, mẹ chồng cũng mất, đứa con 3 tuổi sinh ra vì ốm yếu nên cũng mất, rồi ở đảo hay tin chồng là ông đồ Thản cũng ốm rồi mất, đó thực sự là nỗi đau quá lớn. Nhưng bà vẫn có nghị lực sống, bà vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Bà lên Phúc Trạch, thời kì đó Pháp mở tuyến đường sắt Nam Bắc, bà lên đấy buôn bán, đồng thời đặt cơ sở cách mạng hoạt động ở đó. Sau đó một thời gian, bà nghe tin cụ Phan Bội Châu tại Huế, bà đã tự nguyện vào chăm sóc cho cụ. Sau khi cụ mất, bà trở về Hà Tĩnh, tham gia Việt Minh bí mật. Vào năm 1945 khi cướp chính quyền, bà được bầu vào thường vụ hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời làm Hội trưởng Hội mẹ chiến sĩ của tỉnh Hà Tĩnh đầu tiên”.

Và trong hành trình nghiên cứu về nhân vật quê hương, trong ông cảm nhận rõ ràng hơn thân phận của họ, hiểu được nỗi đau thời cuộc của họ và cảm phục trước những nghị lực sống phi thường trong hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, với người và đất Hà Tĩnh, trong ông luôn trào dâng niềm khao khát, mê say tìm tòi, nghiên cứu, là mảnh đất màu mỡ để nhà nghiên cứu dành trọn tâm huyết của cả cuộc đời mình. “Đất và người Hà Tĩnh có những nét độc đáo riêng biệt, các nhà nghiên cứu đã đánh thức nhưng chưa hết, bây giờ mình phải đi tìm lại những vết tích xưa còn lại…”, ông tâm sự.

Bàn làm việc phủ kín bởi những trang tài liệu mà ông sưu tập trong nhiều năm

Có một “hồn thơ” Nguyễn Du và Truyện Kiều khác

Dành hơn 30 năm cuộc đời nghiên cứu về vị danh nhân văn hóa nổi tiếng của vùng đất Hà Tĩnh, ông tâm sự: “Truyện Kiều và Nguyễn Du có nghiên cứu đến hết đời vẫn không thể đi hết được những giá trị nội dung, thẩm mỹ trong đó. Muốn nghiên cứu về Nguyễn Du, trước tiên cần phải học lại về chữ Hán để hiểu sâu xa, rõ ràng. Học cái đó để biết sâu hơn về thơ chữ Hán của Nguyễn Du, rồi chủ nghĩa nhân đạo trong thơ Nguyễn Du, Truyện Kiều và những tác phẩm khác của ông,..”.

Hiện nay, ông Lê Trần Sửu một số đầu sách quý liên quan đến cuộc đời Nguyễn Du. Từ những nghiên cứu đó, những năm qua ông đã có hàng loạt bài viết về Nguyễn Du, về Truyện Kiều qua lăng kính của riêng ông. Trong đó, có thể kể đến những vấn đề như: “Chủ nghĩa nhân đạo trong Truyện Kiều và Nguyễn Du”, “Một đặc điểm nhân đạo của Truyện Kiều”, “Tìm hiểu thơ chữ Hán của Nguyễn Du”, “Tại sao gọi Nguyễn Du là đại thi hào”, “Truyện Kiều trong muôn màu công tác cách mạng của Bác Hồ”, “Bắc hành tạp lục – cuộc đối thoại của Nguyễn Du với lịch sử văn hóa và xã hội đương đại Trung Quốc”…

“Thời còn trẻ của Nguyễn Du cũng như bao người khác, điều đặc biệt là ông được sinh ra trong gia đình quan trạng nên ở tuổi đó, vị thi hào “hào hoa lắm, phong nhã lắm!” - ông chia sẻ. Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm, vốn cũng làm lên chức tể tướng, công trạng rất lớn, là những người “rường cột” của đất nước thời bấy giờ, cho đến anh của Nguyễn Du cũng là người có nhiều dấu ấn riêng,…

Đối với ông, điều khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu đó là nguồn tri thức lịch sử, văn hóa nhiều vô tận trong khi hiểu biết của con người luôn có giới hạn. Ông cũng chia sẻ rằng, từ nay đến lúc trăm tuổi, nếu trời còn cho sức khỏe ông sẽ chỉ dành thời gian và tâm sức để nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vị đại thi hào dân tộc, tìm tòi những giá trị ẩn ý riêng đằng sau từng câu Kiều và kho tàng văn học Tiên Điền.

Với tâm thế là người thầy, người đã dành gần hết cuộc đời để nghiên cứu và viết sách, nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu cũng khuyên dặn người trẻ phải hiểu rõ quê hương, tổ tiên gốc gác của mình. Người làm nghề viết lách phải đọc sách, gắn với thư viện, rèn luyện cách viết của bản thân. Đó cũng chính là cách mà nhà nghiên cứu đã thực hành trên hành trình nghiên cứu đất và người Hà Tĩnh, cho ra những kho tư liệu quý giá nhất về mảnh đất Thành Sen này…

Hà Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/nguoi-nang-tinh-nang-nghia-voi-xu-nghe-510149.html