Người nâng tầm chất liệu sơn ta trong hội họa

Ngày 20/6/2018, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh họa sĩ Nguyễn Gia Trí - 'Cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam' và đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2012.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại làng An Trạch, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 7. Vào những năm 30, mặc dù nắm vững kỹ thuật sơn dầu phương Tây, Nguyễn Gia Trí vẫn hướng niềm say mê vào một chất liệu dân tộc là sơn ta. Với thành công trong việc nâng tầm một chất liệu dân dã vào trong những tác phẩm mỹ thuật đỉnh cao của ông, danh họa Tô Ngọc Vân đã có cảm nhận: “Đến cuộc thí nghiệm Nguyễn Gia Trí, lối sơn không còn là một mỹ nghệ nữa”.

Chân dung danh họa Nguyễn Gia Trí qua góc nhìn của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh.

Quãng thời gian 1938 - 1944 là thời kỳ cực thịnh của Nguyễn Gia Trí. Để chú tâm nghiên cứu, sáng tác tranh sơn mài, ông đã thầm lặng tuyệt giao bạn bè tới 6 - 7 năm liền và đã làm kinh ngạc công chúng và giới nghề bằng một loạt tác phẩm, dù đề tài rất bình dị, nhưng nghệ thuật ắp đầy sự đượm đằm, lộng lẫy, huyền ảo. Sau 1954, ông dời vào miền Nam, sống ẩn dật, nhưng vẫn cần mẫn sáng tạo theo khuynh hướng truyền thống, và có phần điêu luyện hơn trong kỹ thuật.

Cuối những năm 30, trong giới mỹ thuật Việt Nam phổ biến câu có tính xếp đặt về những cây đại thụ của đời sống mỹ thuật nước ta: Nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Lân (Nguyễn Tường Lân), tam Vân (Tô Ngọc Vân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn). Điều đó chứng tỏ tài năng tuyệt vời đã được ghi nhận của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

Sinh thời, Nguyễn Gia Trí sáng tác không nhiều tác phẩm. Nhưng không thể không nhắc tới những tác phẩm đã làm nên tên tuổi danh họa này, như những: “Chợ Bờ”, “Bên hồ Gươm”, “Trung thu”, “Thiếu nữ bên hồ sen”, “Thiếu nữ bên cây phù dung”, “Thiếu nữ bên bờ suối”, “Thiếu nữ trong vườn”, “Hoài niệm xứ Bắc”, “Chùa Thày”, “Đêm Bồ Tùng Linh”, “Giáng sinh”, “Múa dưới trăng”, “Dọc mùng”... Không những chú tâm sáng tác tranh bằng chất liệu sơn mài, Nguyễn Gia Trí còn là một nhà đồ họa tài năng và khi vẽ biếm họa, ông lấy bút danh là Right.

“Thiếu nữ bên cây phù dung”, chất liệu sơn mài - tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Trong di sản nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí, “Vườn xuân Trung Nam Bắc” (hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) là tác phẩm cuối cùng của ông. Tác phẩm này đã đạt được một số kỷ lục: Kích thước lớn nhất (2mx5,5m), phối hợp nhiều chất liệu truyền thống và được Nhà nước mua với giá cao nhất (100.000 USD - tương đương 600 triệu đồng Việt Nam thời điểm đó). Tác phẩm được ghép từ 9 mảnh vóc, và Nguyễn Gia Trí sáng tác trong gần 20 năm.

Cũng nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-2018), từ ngày 26/6 đến 10/7/2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, triển lãm “Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí” sẽ được tổ chức với sự phối hợp thưc hiện của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Triển lãm giới thiệu 40 tư liệu phác thảo tranh của danh họa, thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Phác thảo nhỏ nhất cỡ 15cm x 11cm, lớn nhất là 67cm x 106cm, được thể hiện bằng nhiều chất liệu: Bút bi, bút dạ, sơn dầu, màu nước, chì than, màu sáp… trên giấy; chia thành các tiểu đề về phong cảnh, nhân vật, chi tiết trang trí và đề tài lịch sử.

Diệp Anh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-nang-tam-chat-lieu-son-ta-trong-hoi-hoa-75196.html