Người Mỹ muốn đẩy Nga vào chân tường?

Tờ báo Mỹ đánh giá hiện không phải là lúc cài đặt lại chính sách đối với Nga, mà cần có một chiến lược mới mạnh mẽ hơn.

Tấn công từ trong lòng nước Nga?

Tờ The Hill của Mỹ mới đây có bài phân tích về chính sách của nước này với Nga. Tờ báo Mỹ đánh giá hiện không phải là lúc cài đặt lại chính sách đối với Nga, mà cần có một chiến lược mới mạnh mẽ hơn.

The Hill viết: “Cách tiếp cận của Washington đối với Moscow nên là thúc đẩy tất cả các yếu tố của sức mạnh quốc gia Mỹ và các liên minh quốc tế, đồng thời không ngại đối đầu trực diện với (Tổng thống Nga) Vladimir Putin và đội ngũ của ông ".

Tờ báo này cho rằng Washington bất đồng với chính quyền ở Moscow chứ không phải bất đồng với người dân Nga. Người Mỹ có thể đánh giá cao văn hóa và lịch sử của nước Nga, nhưng không đồng tình với chính quyền Nga.

Tổng thống Nga V. Putin (trái) và Tổng thống Mỹ D. Trump gặp nhau tại Helsinki, Phần Lan tháng 7/2018

Tổng thống Nga V. Putin (trái) và Tổng thống Mỹ D. Trump gặp nhau tại Helsinki, Phần Lan tháng 7/2018

Bài phân tích nhấn mạnh, việc Mỹ đối xử với Nga như một cường quốc chỉ củng cố thêm sức mạnh cho Điện Kremlin. Mỹ phải nhận ra rằng nước Nga dưới thời ông Putin không phải là một “gã khổng lồ đáng gờm”.

Đánh giá về Tổng thống Putin, The Hill cho rằng ông đang theo đuổi một chiến lược tổng hợp và cố gắng định hình môi trường, tận dụng các cơ hội được tạo ra bởi các sự kiện trên thực tế. Lời khuyên được đưa ra là Mỹ phải quan tâm đến “hành vi” của ông Putin, không cho phép ông có âm mưu dẫn dắt chiến lược của Mỹ.

The Hill cho rằng, ông Putin coi Nga là một cường quốc và tin rằng phương Tây nên đối xử với Nga như vậy, song lại cho rằng ngay cả khi có được sự công nhận đó, Moscow vẫn sẽ tìm cách làm suy yếu và “phá hoại” phương Tây, trong đó có các liên minh như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Lý do được tờ báo Mỹ nêu ra là do ông Putin lo ngại sự đoàn kết của các tổ chức này sẽ đe dọa chủ quyền của Nga.

The Hill đánh giá, việc đối đầu với ông Putin sẽ không cần phải cài đặt lại chiến lược mà cần có chiến lược với các “góc cạnh sắc nét hơn”. Washington phải được chuẩn bị để tiến hành xung đột với Moscow một cách bí mật thông qua cộng đồng tình báo. Các nhà lãnh đạo Mỹ không được lo sợ khi khai thác sự chia rẽ nội bộ của Nga để “thiết lập chế độ mới”.

“Chiến thuật” được The Hill “khuyên dùng” là “việc chỉ đích danh tên tuổi, bôi nhọ, mỉa mai sự giàu có của ông Putin và những người bạn thân của ông cũng như tiết lộ những câu chuyện và mối quan hệ riêng tư phải được đưa ra để thảo luận”. Không khó để liên tưởng những thủ đoạn này với chiến lược diễn biến hòa bình từng được Mỹ và các nước phương Tây sử dụng để tấn công Liên Xô.

Người Mỹ muốn "công bằng" tại Syria sau khi nhúng tay phá nát quốc gia Trung Đông này

The Hill thậm chí còn đi xa hơn khi khẳng định: “Các quy tắc duy nhất mà chúng ta phải tuân thủ là luật pháp Mỹ. Ngoài ra, cộng đồng tình báo phải được phép tiến hành cuộc chiến với Nga như từng xảy ra trong Chiến tranh Lạnh”.

Một trong những ví dụ được đưa ra là The Hill đòi “ngắt kết nối” của các lực lượng quân sự bán vũ trang Wagner Group với Điện Kremlin. Theo tờ báo này thì khi đó cuộc chiến ở Syria sẽ là một “trò chơi công bằng”. Một đề xuất khác được đưa ra là “nếu Moscow khai thác sự khác biệt giữa các liên minh của Mỹ, Washington phải không ngần ngại làm tương tự đối với các mối quan hệ của Nga”.

Táo bạo hơn, The Hill muốn Mỹ phải thể hiện rõ "cơ bắp" hơn trong chính sách ngoại giao với Nga bằng cách “tiếp sức” cho người dân Nga với sự hỗ trợ và giúp đỡ của Mỹ cũng như làm nổi bật những khác biệt và mâu thuẫn từ hành vi và hoạt động thực tiễn của Moscow. Theo The Hill, điều này có nghĩa là đưa các nhân viên ngoại giao ra khỏi đại sứ quán và đi sâu vào nước Nga. Nếu các nhà ngoại giao Mỹ bị quấy rối, một số vụ trục xuất tương tự các nhà ngoại giao Nga sẽ diễn ra.

Những lựa chọn “hăm dọa” Nga

Những “đề xuất” được The Hill đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây tiếp tục căng thẳng. Ngày 3/9, EU đã cảnh báo về các lệnh trừng phạt chống Nga, còn NATO kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn để bàn về kết luận của Đức rằng nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny đã bị đầu độc bởi chất độc thần kinh từ thời Liên Xô. Trong khi đó, Điện Kremlin bác bỏ kịch liệt các cáo buộc này.

Hôm 2/9, Đức thông báo đã có “bằng chứng rõ ràng” cho thấy ông Navalny - 44 tuổi, đã bị nhiễm chất độc thần kinh Novichok. Josep Borrell, Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, đã kêu gọi Moscow hợp tác với Tổ chức Cấm vũ khí Hoa học (OPCW) tiến hành cuộc điều tra về vụ đầu độc và khẳng định rằng EU không loại trừ khả năng trừng phạt Nga.

Phương Tây đang quyết làm nóng vụ Navalny

Ông Borrell khẳng định Brussels “có quyền tiến hành các hành động thích hợp, bao gồm thông qua các biện pháp hạn chế... Việc sử dụng vũ khí hóa học là hoàn toàn không thể chấp nhận trong bất kỳ hoàn cảnh nào và là hành vi vi phạm luật quốc tế cũng như các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”.

Nga vốn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, bao gồm các trừng phạt liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Giới phân tích đã dự báo các kịch bản mà phương Tây có thể xem xét trừng phạt Nga dựa trên các đề xuất từng được cân nhắc trong các vụ việc trước đây:

Thứ nhất, các nước phương Tây có thể xem xét lệnh cấm đi lại hoặc phong tỏa tài sản. Ngày 3/9, EU nói rằng các lệnh trừng phạt chỉ được đưa ra khi họ tìm ra ai là người chịu trách nhiệm về vụ đầu độc ông Navalny. EU cũng có thể áp đặt các lệnh trừng phạt với các cá nhân hoặc thực thể chịu trách nhiệm phát triển hoặc sử dụng vũ khí hóa học, bất kể các cá nhân đó thuộc quốc tịch nào hay các thực thể đó được đặt tại đâu.

Thứ hai, EU có thể cân nhắc trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Anh và một số nước khác đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông bị đầu độc tại thành phố Salisbury (Anh) hồi năm 2018 bằng chất độc Novichok.

Các vụ "đầu độc", "vũ khí hóa học" tạo ra những "mặt nạ" hoàn hảo cho phương Tây

Thứ ba là các lệnh trừng phạt kinh tế. EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt với lĩnh vực năng lượng, tài chính và vũ khí của Nga, và lệnh cấm giao thương với Crimea. Việc thắt chặt các lệnh trừng phạt như vậy sẽ đòi hỏi sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên EU.

Thứ tư, EU có thể cân nhắc trừng phạt dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Các biện pháp trừng phạt đối với dự án đường ống dẫn này có thể bao gồm lệnh trừng phạt các bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm và hoạt động đặt đường ống.

Một lựa chọn khác của EU là tiến hành các biện pháp nhằm vào dự án đường ống dẫn TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) để chuyển khí đốt của Nga tới phía Nam châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Bất kỳ hành động nào nhằm vào dự án TurkStream sẽ có tác động đình chỉ sự mở rộng của Nga tới châu Âu.

Biện pháp thứ sáu mà EU có thể cân nhắc đó là hạn chế khả năng các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nợ chính phủ của Nga. Các trái phiếu chính phủ Nga phát hành bằng đồng Rúp (OFZ) là nguồn tiền mặt quan trọng cho chi tiêu nhà nước. Ngoài ra, EU có thể cân nhắc cắt đứt hệ thống tài chính của Nga khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), điều sẽ khiến các giao dịch tài chính quốc tế của Nga gần như không thể thực hiện được.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nguoi-my-muon-day-nga-vao-chan-tuong-3418431/