Người Mỹ không cần cảnh sát: Đã đến lúc cải tổ

Làn sóng biểu tình chuyển thành chiếm trụ sở cảnh sát, lập khu tự quản buộc lưỡng đảng Mỹ cấp thiết cải tổ lực lượng cảnh sát.

Nước Mỹ chìm trong những cuộc biểu tình suốt 2 tuần qua bắt đầu lan thành phong trào tự quản.

Chướng ngại vật được dựng lên trước khi đi vào "khu tự quản".

Chướng ngại vật được dựng lên trước khi đi vào "khu tự quản".

Người biểu tình ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ đã chiếm một đồn cảnh sát và đặt chướng ngại vật xung quanh một số tòa nhà để dựng lên “khu tự quản”. Từ ngày 8/6, sau khi cảnh sát rời khỏi khu Capitol Hill ở thành phố Seattle, người biểu tình đã chiếm lấy đồn và dựng các rào cản để đánh dấu khu vực tự quản.

Có khoảng 6 khu nhà ở nội thành Seattle đã bị rào lại vào được đặt tên lên là “khu vực tự do Capitol Hill” hoặc “khu vực tự quản Capitol Hill”.

Bên cạnh các rào chắn của khu tự quản là các tờ rơi yêu cầu cắt ngân sách cho sở cảnh sát Seattle.

Những người ủng hộ khu tự quản đã mô tả bầu không khí bên trong khu vực này là “yên bình, giống như một buổi hòa nhạc”.

Một nhà hoạt động nói rằng họ thấy các thành viên của nhóm Câu lạc bộ Súng John Brown xuất hiện tại khu vực. Đây là nhóm dân quân cánh tả và một số người thuộc nhóm đã tới để đề nghị giúp đỡ, “một số mang theo vũ trang”.

Sơ đồ mô phỏng khu vực bị rào lại (màu xanh lá cây nhạt). Ảnh: Andy Ngo/Twitter

Ngược lại với những nhóm dân quân tự quản thì trước đó cũng xuất hiện các nhóm "dân quân chống biểu tình hôi của" hỗ trợ lực lượng cảnh sát chống lại các thành viên biểu tình quá khích, đập phá các cửa hàng. Những dân quân tự quản có súng trường bán tự động và cũng là mối lo ngại của cảnh sát Mỹ.

Thành viên các nhóm "dân quân chống biểu tình hôi của" chỉ là người dân bình thường. Họ tuyên bố sẽ giúp cảnh sát chống lại người biểu tình quá khích và tự trang bị súng ống, đạn dược rồi đi tuần cùng lực lượng thực thi pháp luật.

Một nhóm "dân quân" ở thành phố Rapid thuộc bang Nam Dakota đã tổ chức được lực lượng hơn 5.500 người chỉ sau một ngày kêu gọi trên Facebook.

Cải tổ lực lượng cảnh sát là nhu cầu thiết yếu

Đoạn video gây rúng động về cái chết của công dân da màu George Floyd do bị cảnh sát Minneapolis ghì cổ đã thúc đẩy những tiếng nói mạnh mẽ về vai trò của lực lượng cảnh sát trong xã hội và nạn phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự.

Mỹ thực sự cần cải tổ lực lượng cảnh sát. Trong ảnh: Cảnh sát dùng hơi cay để giải tán đám đông ở Atlanta/ AP.

Các chính quyền địa phương và thành viên Lưỡng đảng Mỹ đang có sự đồng thuận chưa từng thấy về việc cần phải cải tổ lực lượng cảnh sát.

Các quan chức đảng Cộng hòa ở các “tiểu bang đỏ” (ủng hộ đảng Cộng hòa) như Texas, “bang tím” (tranh giành giữa hai đảng) như Wisconsin và các nhà lập pháp ở Washington D.C đang đua tranh nhau thể hiện một phản ứng kịp thời trước làn sóng kêu gọi thay đổi.

Có thể thấy cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều tìm kiếm những cải cách riêng, thể hiện một mức độ đồng thuận lưỡng đảng vốn hầu như không thể tìm thấy trong các vấn đề khác ở Washington.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố công khai rằng ông sẵn sàng ủng hộ một số điều khoản trong dự luật của đảng Dân chủ bao gồm sử dụng các quỹ liên bang trong đào tạo cảnh sát, tạo điều kiện dễ dàng hơn để sa thải các sĩ quan cảnh sát bị cáo buộc sai trái, và một điều khoản nhằm ngăn chặn cảnh sát di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác nhằm trốn tránh những cáo buộc sai trái trong quá khứ.

"Tôi muốn làm việc và chứng kiến chúng ta đạt được luật. Đây là thời điểm quan trọng. Đây là thời điểm chúng ta phải tìm ra nơi ta có thể cùng nhau hợp tác” - ông McCarthy nói với tờ Los Angeles Times.

Các nhà hoạt động ở cơ sở của Đảng Dân chủ từ lâu đã thúc đẩy cải cách cảnh sát và phản đối tình trạng quân sự hóa ngày càng tăng tại các sở cảnh sát địa phương - đặc biệt là sau làn sóng biểu tình ở Ferguson, bang Missouri, liên quan đến cái chết của Michael Brown năm 2014.

Nhưng khi bị vỡ mộng bởi một số cải cách ra đời nhưng kể từ đó đã không làm giảm tỉ lệ người dân không vũ trang chết dưới tay cảnh sát, một số nhà hoạt động hiện đang thúc đẩy những thay đổi mạnh mẽ hơn. Các phong trào đòi “giải tán lực lượng” hoặc “cắt ngân sách” cho cảnh sát chỉ là hai trong số những đề xuất kịch tính nhất được đưa ra ở cấp cơ sở. Tại “điểm nóng” Minneapolis, hội đồng thành phố đã cam kết sẽ tìm cách rút ngân sách Sở cảnh sát thành phố sau cái chết của Floyd.

Tuy nhiên hầu hết các đảng viên Dân chủ ở cấp quốc gia, bao gồm cả cựu Phó Tổng thống Joe Biden đều nói rằng họ không ủng hộ việc rút ngân sách cảnh sát. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CBS News, ông Biden nói ông hoàn toàn tin rằng tồn tại tình trạng phân biệt chủng tộc có hệ thống trong lực lượng thực thi pháp luật.

“Nhưng nó không chỉ ở cơ quan thực thi pháp luật, mà còn ở khắp mọi nơi. Về nhà ở, trong giáo dục và trong mọi thứ chúng ta làm. Đó là sự thật. Nó rất nghiêm trọng” - ông Biden nói.

Ngày 7/6/2020, Hội đồng thành phố Minneapolis, Mỹ đã bỏ phiếu thông qua quyết định giải thể và xây dựng lại sở cảnh sát thành phố này.

Một cuộc thăm dò mới của CNN / SSRS cho thấy 67% người Mỹ tin rằng hệ thống tư pháp hình sự ủng hộ người da trắng hơn người da đen ở Mỹ. Và cùng tỷ lệ đó nói rằng phân biệt chủng tộc là một vấn đề lớn ngày nay, so với chỉ 49% vào năm 2015, một năm sau làn sóng bạo loạn Ferguson.

Theo một chuyên gia thăm dò dư luận nổi tiếng. sự thay đổi nói trên là mạnh mẽ và ít thấy. "Trong 35 năm tiến hành các cuộc thăm dò, tôi chưa bao giờ thấy quan điểm của công chúng thay đổi nhanh và mạnh mẽ như vậy. Ngày nay chúng ta là một quốc gia khác so với chỉ 30 ngày trước" - chuyên gia thăm dò dư luận của đảng Cộng hòa Frank Luntz đăng trên Twitter.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nguoi-my-khong-can-canh-sat-da-den-luc-cai-to-3405594/