Người mua xe hơi vẫn khốn khổ vì kiểu bán hàng 'bia kèm lạc' của đại lý

Hiện nay Toyota đang là hãng có nhiều mẫu xe bị bán theo kiểu 'bia kèm lạc', khiến khách hàng muốn sở hữu phải chi số tiền không nhỏ.

Là mẫu xe mới ra mắt, mức giá của Kia Sportage 2022 được cho là không hề cạnh tranh khi so sánh với các đối thủ. Kia Sportage 2022 có 8 phiên bản với mức giá khởi điểm là 899 triệu đồng với phiên bản 2.0G Luxury.f

So với các đối thủ trong phân khúc, giá xe Kia Sportage 2022 không hẳn là “mềm” hơn. Chẳng hạn, đối thủ trực tiếp nhất là Hyundai Tucson hiện đang có giá bán từ 825 triệu đồng đến 1,030 tỷ đồng với 4 phiên bản khác nhau.

Tuy nhiên, điểm cạnh tranh của Kia Sportage 2022 sẽ nằm ở phương thức bán hàng “không kèm lạc”. Giao hàng sớm và không bán “kèm lạc” có lẽ là điểm cạnh tranh mạnh mẽ của Kia Sportage trong thời gian hiện nay trước các đối thủ và cả thị trường ô tô Việt.

Trong khi đó, mẫu xe đối thủ của Kia Sportage là Hyundai Tucson, hiện nay khách hàng đang phải mua thêm “lạc” là phụ kiện với giá trị khoảng 80-100 triệu đồng để được nhận xe sớm.

Tại sự kiện xuất xưởng mẫu xe Kia Sportage 2022 ở Quảng Nam, lãnh đạo Thaco Auto cam kết sẽ để đại lý không bán xe theo hình thức “bia kèm lạc”, và sẽ “đền gấp 10 lần tiền chênh lệch nếu khách hàng mua xe Kia Sportage gặp “bia kèm lạc”.

Dù vậy, nguồn cung vẫn là một thách thức với hầu hết các hãng xe trong thời điểm hiện nay. Ngay cả mẫu xe Kia Sportage 2022 mới ra mắt và được nhà sản xuất cam kết giao xe cho những khách hàng đã đặt cọc mua xe trong tháng 7, song những khách hàng mới có thể sẽ phải chờ 2-3 tháng, thậm chí đến cuối năm mới được nhận xe. Thaco Auto cũng chia sẻ số lượng đơn đặt hàng và nhận xe trong tháng 7 đã kín.

Trường hợp khác, Mitsubishi Xpander 2022 mới ra mắt cũng đang là mẫu xe thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đây là mẫu MPV bán chạy nhất phân khúc.

Xpander mới đã được bán ra tại các đại lý, có giá 648 triệu đồng đối với Xpander AT Premium, trong khi đó Xpander Cross được bán với giá 688 triệu đồng, còn Xpander AT có mức giá 588 triệu đồng, Mitsubishi Xpander MT có giá 555 triệu đồng. Chi phí lăn bánh của Mitsubishi Xpander 2022 sẽ giao động từ khoảng 630 triệu đồng đến 790 triệu đồng, tùy từng phiên bản và tùy từng địa phương.

Mitsubishi Xpander đang cạnh tranh trực tiếp với đối thủ là bộ đôi MPV Toyota Veloz Cross và Avanza Premio. So sánh về trang bị và giá bán, có thể thấy Mitsubishi Xpander 2022 và Toyota Veloz Cross khá tương đương nhau, mức giá cũng gần bằng nhau. Vì vậy, việc Mitsubishi Xpander 2022 có thành công hay không được cho là phụ thuộc vào nguồn cung và không bị bán “kèm lạc”.

Với Toyota Việt Nam, đây là hãng xe vướng phải lùm xùm “bia kèm lạc” từ lâu. Ngay thời điểm hiện nay, Toyota cũng có nhiều mẫu xe được đại lý bán ra “kèm lạc” với gói mua phụ kiện lên tới vài chục triệu đồng, như Toyota Raize, Toyota Veloz Cross hay cả mẫu xe sang Toyota Camry.

Để đối phó với vấn nạn “bia kèm lạc”, Toyota Việt Nam từng ra công văn khẳng định “không có chủ trương yêu cầu khách hàng phải mua kèm phụ kiện nếu muốn nhận xe sớm”, đồng thời Toyota Việt Nam cho biết “sẽ xử lý nhà phân phối nếu phát hiện vi phạm”. Theo công ty, chính sách của họ là “khách hàng đến trước được phục vụ trước".

Thống kê doanh số bán ra của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy nhiều sản phẩm được bán ra đúng với mức giá đề xuất, nghĩa là không bị “kèm lạc”, đã đạt kết quả khả quan. Chẳng hạn như Mitsubishi Xpander đạt doanh số 1.979 xe bán ra, VinFast Fadil đạt 1.090 xe bán ra, hay Mazda CX-5 đạt 1.880 xe bán ra.

Hyundai Santa Fe mất vị trí trong danh sách 10 xe bán chạy nhất thị trường tháng 5 cũng vì đang khan hàng và “bán kèm lạc”. Trước đó, doanh số của Hyundai Santa Fe đã giảm khoảng 40% trong tháng 4.

Cũng cần nhìn nhận khách quan là những mẫu xe “bia kèm lạc” đều đang bị khan hàng, vì vậy doanh số giảm sút là điều dễ hiểu, vì không còn đủ xe để giao cho khách hàng, dù nhu cầu vẫn cao. Tất nhiên, nhiều khách hàng vì “ức chế” hay “xót tiền” đã từ chối mua những mẫu xe này, lựa chọn những mẫu xe được “bán tử tế”. Song cũng có nhiều khách hàng chấp nhận trả thêm tiền để được nhận xe sớm hơn. Vấn đề mấu chốt của thị trường vẫn là sự cân bằng cung-cầu thì mới có thể giải quyết triệt để hiện tượng chênh giá.

Vân Kiều

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/nguoi-mua-xe-hoi-van-khon-kho-vi-kieu-ban-hang-bia-kem-lac-cua-dai-ly-d4757.html