Người Mông Xéo Lủng giữ đất biên cương

Xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang vào những ngày cuối năm, tiết trời lạnh giá, những bông hoa đào đã chớm nở. Những đoàn khách du lịch nườm nượp kéo nhau lên địa đầu Tổ quốc ngắm những cánh đồng hoa tam giác mạnh trải dài óng ánh và lá cờ trên cột cờ Lũng Cú hiên ngang tung bay phấp phới. Để có mùa xuân yên vui, tươi đẹp ấy, biết bao thế hệ người lính Biên phòng cùng người dân nơi đây đã kiên cường bám trụ, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Đứng trước của nhà anh Hờ Mí Thò có thể bao quát được hết cả một đoạn sông Nho Quế, nơi có đoạn biên giới trên sông giữa ta và nước bạn. Ảnh: Kim Nhượng

Tôi lên cột cờ Lũng Cú và mang theo niềm tự hào vì được đặt chân tới nơi địa đầu Tổ quốc. Kể cho Thượng úy Nông Quang Lập, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Lũng Cú nghe về cảm xúc của tôi, anh cười rồi chia sẻ: “Nói cột cờ Lũng Cú là điểm địa đầu cực Bắc cũng đúng, nhưng nó chỉ mang tính chất biểu tượng thôi. Khi các đoàn khách lên đây thì hướng dẫn viên cũng giải thích như vậy. Còn đúng ra, điểm địa đầu cực Bắc phải là thôn Xéo Lủng, nơi có ngôi nhà của Hờ Mí Thò, Thôn đội trưởng kiêm Công an thôn là nhà số 0 nơi cái mỏm nhô ra trên dòng sông Nho Quế cơ!”.

Nghe người sĩ quan trẻ giới thiệu, tôi đã không khỏi bất ngờ và nhất quyết muốn được đặt chân đến nơi “đặc biệt” đó, phần vì tò mò, phần vì muốn gặp Hờ Mí Thò, cậu thanh niên người dân tộc Mông bao nhiêu năm trời lặng lẽ cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra biên giới, bảo vệ từng tấc đất của cha ông, chính tại cái nơi địa đầu biên ải này.

Từ trung tâm xã Lũng Cú nằm ngay nơi cột cờ quốc gia, ngược con đường vắt vẻo chạy ra mốc 422 chưa đầy 2km là đến thôn Xéo Lủng. Chúng tôi hỏi địa chỉ nhà Hờ Mí Thò, cụ bà Vừ Thị Say, năm nay đã 83 tuổi, ngồi đan lù cở bên hiên nhà chỉ tay thẳng hướng phía trước và nói: “Tìm nhà thằng Mí Thò phải không? Nhà nó ở cuối thôn, cái nhà cuối cùng có chuồng ngựa ấy. Không biết hôm nay nó có đi mốc với bộ đội không? Thằng Mí Thò bận lắm, chắc chỉ vợ nó ở nhà thôi”.

Chúng tôi tới cuối thôn, men theo bờ vực thăm thẳm phía dưới là con sông Nho Quế nhỏ như sợi chỉ xanh vắt vẻo uốn lượn. Căn nhà của Thò là nhà trình tường đất, thấp lè tè vẫn giữ được y nguyên cốt cách văn hóa người Mông. Hờ Mí Thò mời chúng tôi vào nhà, pha ấm chè được đun bằng thứ cây mà người Mông nơi đây vẫn hay uống. Thò vui vẻ tâm sự: “Mới hôm qua, tôi cùng cán bộ Biên phòng đi kiểm tra mốc 428 về, nay mệt quá nên nghỉ ở nhà một hôm. Đáng nhẽ hôm nay là đi nương đấy, nếu đi nương thì không gặp được các anh rồi...”.

Mốc 428 là cột mốc nằm sát bờ sông Nho Quế, đây là cột mốc xa nhất, vất vả nhất, người đi quen như Mí Thò cũng phải mất 4 đến 5 tiếng đồng hồ đi bộ mới xuống tới nơi. Mí Thò nói: “Mùa này đi ra mốc vất vả lắm vì trời mưa trơn trượt, vừa đi vừa chống gậy, bám víu lấy cành cây mà đi. Dốc ở đây thì thăm thẳm, sâu hun hút, không cẩn thận trượt chân là mất mạng như chơi”.

Chúng tôi bất giác hỏi Mí Thò, nguy hiểm như thế sao anh lại muốn đi tuần cùng bộ đội? Mí Thò hồn nhiên trả lời: “Mình là Thôn đội trưởng, lo việc quân sự, lại là Công an thôn, cán bộ Biên phòng đã giao trọng trách, mình phải chấp hành cho tốt để làm gương cho dân bản nơi đây”. Thoạt nhìn, không ai ngờ được rằng người thanh niên 20 tuổi này là người không quản ngại khó khăn, vất vả cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú miệt mài trong những chuyến tuần tra.

Mí Thò cho biết, tất cả các cột mốc ở đây, anh đều đã đi hết, một tháng đi hai lần. Thôn Xéo Lủng nằm ngay sát đường biên, những kẻ lạ, hay đối tượng xấu đi qua biên giới, người dân phát hiện đều báo cho Mí Thò biết. Từ đó, Mí Thò cắt cử người ra báo cho đồn Biên phòng biết đến kiểm tra đối tượng lạ.

Khi chúng tôi cùng Thiếu tá Lã Văn Cường, Phó Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm của đồn đang trò chuyện với Hờ Mí Thò thì trong gian bếp khói nghi ngút, mùi thơm của mèn mén, thứ mùi thơm đặc trưng của người Mông nơi cao nguyên đá bay ra. Hỏi ra mới biết, chị Sùng Thị Cái, vợ của Mí Thò đang đun, hấp mèn mén chuẩn bị cho đứa con gái nhỏ Hờ Phà Sung ăn để đi học. Bát mèn mén được đồ như bát xôi vàng đặc sệt màu của ngô. Bát canh rau cải cùng thịt băm thơm nồng. Nhà Mí Thò cũng thuộc diện khá trong thôn Xéo Lủng. Năm nay, nhà anh nuôi được 3 con ngựa, 2 con bò, ngoài ra còn nuôi đàn lợn. Thò bận việc thôn bản, một tay chị Sùng Thị Cái chăm bẵm. Người phụ nữ này ít nói cứ cần cù làm việc suốt ngày.

Chúng tôi tò mò hỏi: “Việc nhà, một mình chị Cái làm à? Anh Mí Thò có giúp chị việc gì không?”. Chị Sùng Thị Cái cười rồi nói: “Suốt ngày đi làm cái việc của bộ đội, có giúp gì được đâu”. Hờ Mí Thò cười tươi nói: “Các anh Biên phòng ở tận dưới xuôi lên đây, xa vợ, xa con, xa bố mẹ, lên đây giữ đất cho mình, mình ở đây không giữ thì ai giữ”! Câu nói đơn giản của Mí Thò làm chúng tôi không khỏi cảm phục anh, cảm phục chàng thanh niên người Mông trẻ tuổi nhưng sống đầy trách nhiệm với gia đình và trên hết là trách nhiệm với đường biên, cột mốc của Tổ quốc.

Thiếu tá Lã Văn Cường cùng anh Hờ Mí Thò trao đổi tình hình trên địa bàn thôn Xéo Lủng. Ảnh: Kim Nhượng

Anh Sùng Mí Chứ, Trưởng thôn Xéo Lủng cho biết, thôn Xéo Lủng có 46 hộ dân với 236 nhân khẩu, đất của thôn Xéo Lủng có tới 7 cột mốc chạy qua, từ mốc 422 đến 428. Chính vì nằm trong khu vực đặc biệt như vậy nên nhiều đối tượng ở bên kia biên giới thường xuyên sang làm nương, lấn chiếm đất canh tác, cứ hễ phát hiện ra những hành vi lấn đất như vậy là chúng tôi lại tổ chức dân quân trong thôn, Công an thôn ra ngăn chặn, khuyên giải cho người dân bên kia hiểu không xâm lấn nữa. Có những thời điểm, nhiều đối tượng xấu thường xuyên lảng vảng sang có ý định xấu, chúng tôi báo cáo cho cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Lũng Cú đến xử lý ngay.

Trưởng thôn Sùng Mí Chứ cho biết thêm, mỗi một gia đình trong thôn Xéo Lủng trong nhà có 3 thứ không thể thiếu, đó là chiếc đèn pin, cây gậy và con dao. Đèn pin để soi ra mốc, chiếu sáng thung sâu trước nhà; gậy để gõ vào cột nhà báo động có kẻ xấu xâm nhập vào thôn, gậy cũng để đẩy đuổi những kẻ xấu; con dao của người Mông là thứ truyền từ đời này sang đời khác, coi như bảo vật của gia đình dùng để phát nương, phát quang bụi cỏ quanh nền đá hoa cương cột mốc của Tổ quốc.

Chia tay Xéo Lủng khi trời đã nhá nhem tối, chúng tôi phải nhanh chóng quay ra Trạm Biên phòng Lũng Cú sao cho kịp vì trời đang mưa phùn, đường trơn trượt. Khi đi qua những ngôi nhà trong thôn Xéo Lủng vẫn văng vẳng tiếng cười đùa của con trẻ, thật lạ, ở cái nơi mà người ta phải vạc từng miếng đất trong những khe đá tai mèo ra để trồng cây rau cải, tỉ mẩn bốc từng nắm đất mà chăm bẵm những hạt ngô cũng nẩy lên từ kẽ đá, vất vả là thế, gian lao là thế mà con người nơi đây vẫn bất khuất, trung kiên bám giữ từng tất đất của cha ông.

Những kẻ lạ mặt, những kẻ xấu xâm nhập lãnh thổ Việt Nam đều bị “thành lũy” Xéo Lủng chặn đứng; phải đối mặt ngay với những con người hiền lành nhưng kiên cường như bà Vừ Thị Say, chàng thanh niên Hờ Mí Tho, chị Sùng Thị Cái và ngay cả những đứa trẻ như Hờ Phà Sung. Họ chính là những con người bình dị nhưng lại là những “cột mốc sống”, là những “người lính không mang quân hàm” luôn sát cánh cùng những chiến sĩ Biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất biên cương.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-mong-xeo-lung-giu-dat-bien-cuong/