Người mở ATM rút gạo 'bằng chân' và cách 'chặn' kẻ tham, công khai hỗ trợ của mạnh thường quân

phỏng vấn TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, người mở ATM rút gạo 'bằng chân' ở Hà Nội.

Ngày 11/4, ATM gạo miễn phí đầu tiên ở Hà Nội hoạt động. Ngay sau đó 2 ngày, ATM gạo miễn phí thứ 2 cũng được được lắp đặt tại Hà Nội. Chỉ sau vài ngày hoạt động, gần 3.000 người nghèo được hỗ trợ với tổng số gạo khoảng 10 tấn.

Theo kế hoạch, dự án ATM gạo miễn phí ở Hà Nội sẽ có 10 máy ở 10 quận huyện trong khắp Hà Nội, hoạt động đến hết tháng 4/2020.

VOV.VN phỏng vấn TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, người mở ATM rút gạo “bằng chân” ở Hà Nội.

PV: Được biết, ông là người từng tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, trong đó có các hoạt động tặng sách, kêu gọi mọi người đọc sách… Lần này, lý do gì mà ông lại đứng ra hỗ trợ và kêu gọi hỗ trợ người nghèo bằng gạo chứ không phải là những vật phẩm khác?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Thực ra mỗi người có một tính cách. Tôi thích làm từ thiện, thích giúp người nghèo. Tôi luôn nghĩ mình có được như ngày hôm nay là do may mắn. Trong xã hội này có những người kém may mắn hơn, mình phải giúp đỡ họ.

Giúp người có hai cách. Thứ nhất là giúp cho người ta được ấm no, và thứ hai là giúp cho họ hạnh phúc. Nếu mình không giàu, mình giúp họ hạnh phúc bằng cách tặng sách, nói chuyện về sách, giúp họ về mặt trí tuệ để họ tâm an, có cuộc sống an vui…

Nhưng thực tế cho thấy, nếu người ta đói thì cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện học, người ta sẽ không đọc sách vì phải kiếm miếng ăn. Tôi hồi nhỏ cũng đã lâm vào cảnh đói. Hồi những năm ở thập niên 70, tôi vẫn ám ảnh cảnh mình bị “đứt bữa”, nên tôi thấu hiểu chuyện đó.

Cứ tưởng tượng, những người nghèo, người bán hàng rong, xe ôm… bình thường họ kiếm tiền sống qua ngày, thì hơn nửa tháng cách ly họ sẽ như thế nào? Trong gần 100 triệu dân Việt Nam thì con số này cũng phải đến hàng triệu. Không ở đâu xa, ngay ở Hà Nội cũng có rất nhiều những người như vậy. Họ rất cần sự giúp đỡ.

Trước đây, tôi cũng đã mua vài tạ gạo, chia vào các túi nhỏ rồi nhờ mọi người phát miễn phí, nhưng tôi thấy không hiệu quả vì có tình trạng tụ tập đông người. Có những người không nghèo, thậm chí khá giả cũng vào nhận, như vậy sẽ khó kiểm soát việc ai thực sự cần giúp đỡ. Còn nếu để sẵn ở túi ở bàn phát từ thiện mà không có người giám sát, sẽ có người lấy đến mấy túi, như vậy những người nghèo thực sự sẽ mất cơ hội.

Vì thế, tôi rất thích mô hình ủng hộ gạo qua máy ATM như ở TPHCM và một số nơi đã làm. Mô hình ATM gạo tự động hay ở chỗ, khi vào xếp hàng, mọi người phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Mỗi người xếp hàng cách nhau 2m và chờ 15-20 phút mới đến lượt mình. Chúng tôi cũng yêu cầu khai tên tuổi, địa chỉ để phòng trường hợp không may có người mắc Covid-19 thì truy lại dễ dàng. Khi ấn nút bằng chân thì không bị lây bệnh.

Việc dùng ATM cũng là gợi ý cho người nghèo tiếp cận với kinh tế số. Khi ấn bằng chân, gạo từ vòi chảy ra, tiếng gạo va vào túi giấy nghe rất xúc động. Cảm giác bà con tự tay lấy gạo, được chạm vào công nghệ tự động hóa, được quan tâm, chăm sóc là động lực khiến tôi quyết tâm mở ATM gạo miễn phí tại Hà Nội.

Ngày đầu tiên phát gạo tại Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, được chứng kiến nhiều người nghèo đến lấy gạo, có người đã khóc thì chính bản thân tôi cũng xúc động lắm. Và những điều đó khiến tôi và các cộng sự quyết tâm thực hiện bằng được dự án của mình.

Khi bắt tay vào làm, chúng tôi không phải dân kỹ thuật nên cũng không lường hết được khó khăn khi lắp máy. Nhưng cuối cùng thì cũng mày mò thành công. Tôi nghĩ, khi đã quyết tâm làm việc gì, nhất là giúp người nghèo thì sẽ thực hiện được bằng mọi cách.

PV: Hiện nay cũng có nhiều đơn vị, cá nhân tổ chức hoạt động từ thiện hỗ trợ người nghèo mùa dịch Covid-19. Nhưng có hiện tượng như báo chí nêu là nhiều người đi xe tay ga, đeo đồ trang sức quý, túi hàng hiệu… nhưng vẫn ghé “xin” quà. Cũng có người làm từ thiện cho rằng, đã làm việc thiện thì không nên khắt khe, người ta cần mới lấy, nên ai lấy cũng được. Dự án ATM gạo miễn phí ở Hà Nội có chủ trương như vậy không, thưa ông?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Cũng rất may mắn trong những ngày vừa qua chúng tôi chứng kiến chỉ vài trường hợp đi xe tay ga, đồ trang sức quý, túi hàng hiệu… nhưng vẫn ghé xin gạo. Số lượng này rất ít, ví dụ trong ngày thứ 2, chúng tôi phát đến 3,4 tấn cho 1.500 người, thì có rất ít trường hợp có điều kiện nhưng vẫn vào xin gạo.

Cũng có trường hợp quay vòng vào rút ATM gạo. Khi chúng tôi phát hiện và hỏi thì họ thanh minh là lấy cho vợ. Chúng tôi cũng giải thích và không phát thêm cho những trường hợp như thế. Có một số trường hợp, chúng tôi cũng giải thích một cách nhẹ nhàng.

Thứ 2, tôi cũng phải nói rất thật, nếu người giàu mà dám xếp hàng lấy được 3 cân gạo như thế thì họ cũng “xứng đáng”. Họ dám từ bỏ nhân cách của mình để lấy chút vật chất một cách khá vất vả, vì phải xếp hàng, sát khuẩn, khai báo, chờ gạo chảy ra… chứ không như những địa chỉ từ thiện ở ngoài đường, chỉ ghé vào xách túi quà đi là xong.

Tôi cũng muốn gặp những người như thế để giúp họ giác ngộ, giúp họ hiểu và chắc sẽ không gặp họ lần thứ 2 trong những tình huống như thế này.

PV: Với cá nhân mình, ông nhìn nhận như thế nào việc nhiều người đi xe tay ga, đồ trang sức quý, túi hàng hiệu… nhưng vẫn ghé xin quà từ thiện?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ mỗi người có một cách sống, một quan điểm khác nhau. Còn tôi thì vẫn tin có luật nhân quả. Gieo nhân thì sẽ gặp quả. Tất cả mọi thứ xảy ra đều có nhân duyên.

Khi chúng ta làm một việc gì là đang tạo nghiệp, làm việc tốt thì tạo nghiệp tốt, làm việc xấu sẽ tạo nghiệp xấu. Nghiệp tốt là ví dụ như chúng ta đang chia sẻ gạo ở ATM tự động, chúng ta làm như này có thể chúng ta hưởng kết quả, ít nhất là chúng ta cảm thấy lợi lạc về tinh thần vì giúp được người nghèo.

Tôi thấm thía câu chuyện có một vị Hòa thượng khi thấy một con bọ cạp nguy hiểm thì ông đã cứu nó. Nhưng cứ cứu nó lên, nó lại cắn vị Hòa thượng. Có người hỏi vì sao bị nó cắn mà ông vẫn cứu. Vị Hòa thượng trả lời, sứ mệnh của thầy là cứu người, còn con bọ cạp nó cắn người là việc của nó. Vì thế mỗi người có một cách sống, một suy nghĩ không thể bắt họ giống mình được.

Tôi nghĩ như ngày hôm nay, phát cả 3-4 tấn gạo, nhưng trong số đó nếu có người gian thì số người này cũng chỉ lấy được vài chục cân, coi như là mình tặng họ.

PV: Trong việc đứng ra mở cây ATM gạo miễn phí ở Hà Nội cũng như trong quá trình vận hành, ông có gặp khó khăn gì không?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Khi ATM gạo đầu tiên hoạt động, tôi nhận được tin nhắn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhắn tôi rằng, cố gắng để hỗ trợ đúng đối tượng, không để một người nhận hai lần.

Tôi thực sự xúc động vì các anh bận như thế nhưng vẫn quan tâm, để ý đến các việc làm nho nhỏ như thế. Càng được quan tâm như thế tôi lại càng xúc động và quyết tâm làm.

PV: Vậy theo ông làm thế nào để hỗ trợ đúng đối tượng như lời nhắn của Chủ tịch TP Hà Nội?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Những lời nhắc nhở của các anh cũng làm tôi phải suy nghĩ. Ví dụ, chúng tôi có đội ngũ tình nguyện viên, ngay từ cổng vào. Ở điểm ATM thứ 2 tại Bắc Từ Liêm tôi đã làm việc với Chủ tịch quận, đề xuất có một đồng chí Công an ở đó, vì khi thấy có bóng dáng công an những người không thuộc diện nghèo cũng giảm bớt.

Chúng tôi hiện nay chưa có điều kiện lắp máy ghi hình lại hay soi hình để xem có ai quay vòng nhận gạo hay không.

Nhưng khi có trường hợp khả nghi, hay mặc đồ sang trọng, chúng tôi có thể hỏi han xem họ có lý do gì không. Chẳng hạn có túi sang nhưng là “của chị gái tặng” thì cũng có thể bỏ qua. Đến nay, những trường hợp như vậy rất ít.

Cách kiểm soát như hiện nay của chúng tôi là để mọi người xếp hàng, khai họ tên tuổi, địa chỉ, sát khuẩn là cũng đủ thời gian để quan sát cách ăn mặc, nói chuyện của họ, phần nào biết họ nghèo hay giàu. Đó cũng là cách sàng lọc theo tôi tương đối tốt.

PV: Một việc cũng khá tế nhị, nhưng thực tế càng minh bạch, công khai tiền hỗ trợ thì càng tăng hiệu quả của dự án từ thiện. Ông có nghĩ là như vậy?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Đó là một việc khó khăn và tôi thấy sợ nhất. Nói thật lúc đầu tôi cũng định không làm cũng vì điều đó. Mình cũng là người có tiền, khi làm không khéo dễ bị lên án. Khi tôi làm, nhiều bạn bè cũng khuyên can.

Nhưng tôi nghĩ mình làm một cách minh bạch, công khai thì không có gì phải lo ngại. Hàng ngày chúng tôi đều có thống kê chi tiết người đóng góp. Mỗi người đến hỗ trợ, chúng tôi đều hỏi có ghi tên hay không, có những người yêu cầu giấu tên, thì chúng tôi ghi “Giấu tên”. Ai đóng góp bao nhiêu, chúng tôi đều công khai trên trang web của công ty sách Thái Hà. Tôi đã cử Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính là người tôi tin tưởng qua thực tế nhiều năm, nên việc giám sát, ghi chép rất cẩn thận.

Cách ghi chép đầy đủ, thông báo công khai thì tôi nghĩ xác suất nhầm lẫn khó xảy ra, nếu có thì rất ít. Tôi đã quán triệt đội ngũ cộng sự đều là những người tu tập, tôi tin không ai tơ hào, nhất là làm từ thiện như thế này.

Tôi công khai tất cả, nên ai hỗ trợ mà họ vào danh sách không thấy tên họ sẽ có ý kiến ngay. Có vợ chồng Thứ trưởng ủng hộ một tấn gạo, nhưng họ muốn giấu tên thì tôi cũng đưa rõ ràng là đóng góp bao nhiêu, nhưng không đưa tên. Họ vào trang web đều có thể biết mình có trong danh sách hay không.

Có những người xách 5kg gạo hay 50.000 đến để đóng góp. Nhìn những cảnh đó xúc động lắm. Ai nỡ lòng nào mà đi lấy những đồng tiền như thế bỏ vào túi mình.

PV: ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội khá hay ở chỗ là rút gạo bằng chân để phòng Covid. Nhiều nơi sau một vài ngày hoạt động phải dừng vì không đảm bảo về trật tự cũng như các quy định về phòng chống dịch. Với ATM gạo ở Hà Nội sẽ kiểm soát tình trạng này như thế nào?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng tôi cũng đã tính toán kỹ rồi, ví dụ như ở 2 nhà Văn hóa ở Nghĩa Tân và Bắc Từ Liêm, 2 nơi này đều rất rộng, mọi người xếp hàng đi 1 vòng vào và một vòng ra không chạm nhau. Như vậy không bao giờ đứng gần nhau dưới 2m. Chúng tôi đánh số vào 1 ô như ô cờ, không thể nào có có chuyện chen lấn xô đẩy. Còn mọi người ở cổng thì đứng ngoài đường, chúng tôi có công an, mọi người cũng đứng cách 2m thì cũng khó có chuyện tràn vào rút gạo.

Vấn đề là chúng tôi giải thích rõ cho bà con là chúng tôi có đủ gạo, mọi người ai cũng có phần, còn ai không có thì hãy gặp tôi để lấy 1 triệu đồng, thì mọi người sẽ yên tâm. Vấn đề mọi người chen lấn là vì sợ hết gạo. Tôi đã hứa bỏ tiền túi để mua 10 tấn, nên không sợ thiếu gạo.

Còn nếu hết gạo, chúng tôi sẽ thông báo trước 1-2 ngày để mọi người biết trước. Mình kiểm soát bằng các ô “bàn cờ” với công an và tình nguyện viên giúp đỡ, tôi nghĩ khó có chuyện lộn xộn.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Bài: An An | Ảnh: Vũ Toàn
Thiết kế: Hà Phương | Kỹ thuật: Tuấn Linh

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-mo-atm-rut-gao-bang-chan-va-cach-chan-ke-tham-1037067.vov