Người Mexico sắm điện thoại di động giả để đánh lừa kẻ cướp

Nạn trộm cướp hoành hành trên các xe buýt ở thủ đô của Mexico khiến người dân nước này tìm mua những chiếc điện thoại di động giả trông 'thật hết mức' để đánh lừa.

Với giá dao động từ 15-25 USD, mỗi chiếc điện thoại "đóng thế" được làm giả hết sức tinh vi: màn hình và phần thân máy trông giống hệt máy thật, bên trong có một miếng kim loại để tạo khối lượng y hệt "bản chính".

Trộm cướp ngang nhiên "hành sự" trên xe buýt

Theo AP, điều này hữu ích khi đánh lừa ngược lại những kẻ cướp trắng trợn, thường xuyên "hành nghề" trên xe buýt, những chuyến xe chở người dân Mexico từ vùng ngoại ô nghèo đến trung tâm thành phố làm việc.

Tình trạng trộm cắp lặp lại nhiều lần khiến người dân bất an, khó chịu. Camera trên các xe buýt đã ghi lại nhiều vụ tấn công, thường xảy ra vào đêm khuya hoặc sáng sớm. Thời điểm hành khách gà gật là lúc kẻ xấu trên xe nảy sinh ý định cướp của.

Các vụ cướp xảy ra thường xuyên trên phương tiện giao thông công cộng ở Mexico. Ảnh: AP.

Các vụ cướp xảy ra thường xuyên trên phương tiện giao thông công cộng ở Mexico. Ảnh: AP.

Thông thường, tên cướp sẽ rút súng ra uy hiếp các hành khách, đòi các vật có giá trị trong khi kẻ đồng phạm canh gác ở cửa xe.

"Tất cả ngồi im hoặc chết! Đưa điện thoại và ví tiền đây!", một tên cướp ra lệnh trong một đoạn video được trích xuất.

Hết lần này đến lần khác, những người chống cự hoặc từ chối đề nghị của chúng bị đánh vào đầu bằng súng, hoặc bị bắn gã gục trên sàn xe buýt.

Martha Patricia Rociles Estrada, giáo viên ở vùng ngoại ô nghèo Nezahualcoyotl, từng là nạn nhân của một vụ cướp. Sau đó, cũng như nhiều nạn nhân khác, cô luôn nơm nớp lo sợ khi di chuyển trên xe buýt.

"Hiện nay, sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một rủi ro. Bạn có thể đi nhưng không biết khi nào trở về", cô nói.

"Bây giờ, để đề phòng, bạn phải mang theo tiền. Bởi nếu không, bọn trộm có thể nổi điên và bạn sẽ gặp rủi ro vì không có tiền trong người", Rociles Estrada chia sẻ.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, trung bình có khoảng 70 vụ cướp giật trắng trợn mỗi ngày ở thủ đô Mexico City. Khoảng 2/3 vụ tấn công nhằm vào người đi bộ, số còn lại nhắm vào hành khách trên xe buýt hoặc những lái xe chờ đèn đỏ hay bị tắc đường. Những vụ tấn công hung bạo như vậy tăng khoảng 22% từ năm 2017-2018.

Khi Rociles Estrada bị cướp bằng súng vài năm trước, những chiếc điện thoại thông minh đắt tiền chưa phải là vật dụng được nhiều người mang theo bên mình như ngày nay.

"Chúng muốn lấy bất cứ thứ gì có giá trị của tôi, nhưng tất cả những gì tôi có chỉ là ví đựng tiền lẻ", Estrada nhớ lại.

Sự ra đời của điện thoại thông minh đã thay đổi tất cả. Hiện nay, nhiều người mang theo điện thoại trị giá hàng trăm USD, và nó cũng có thể chứa thông tin ngân hàng hoặc thẻ tín dụng của họ.

Mua điện thoại giả để đánh lừa

Nhiều người đã tìm đến nơi bán điện thoại giả như chỗ Axel. Anh tiết lộ bán được từ 3-4 chiếc điện thoại giả mỗi tuần. Cửa hàng của Axel nằm trong một khu chợ điện tử ở trung tâm thành phố.

Cửa hàng điện thoại di động giả của Axel ở Mexico City. Ảnh: AP.

Axel không cung cấp tên đầy đủ vì sợ cảnh sát "sờ gáy" với cáo buộc bán hàng giả. Anh cho biết tất cả khách hàng đều biết rằng họ đang mua hàng giả.

"Nó rất hữu ích khi xảy ra các vụ cướp, vốn thường xuyên xảy ra ở Mexico City", Axel nói và cho biết những kẻ cướp chỉ "hành sự" trong vài giây, vì vậy khi nạn nhân giao nộp điện thoại giả chúng khó có thể nhận ra.

Tuy nhiên, Axel cũng thừa nhận nạn nhân sẽ gặp rắc rối nếu tên cướp nhận ra điện thoại giả. "Chắc chắn đó cũng là vấn đề nếu những kẻ phạm tội phát hiện", anh nói.

Do đó, Axel cho biết một số người chọn "chiến lược" an toàn hơn là mua một chiếc điện thoại dự phòng thật nhưng rẻ. Tất nhiên việc này sẽ tốn kém hơn mua điện thoại giả.

Ông Jac Gloria bán điện thoại di động giả từ khoảng 14 năm trước tại một khu chợ khác bên kia đường. Khách hàng của ông gồm cả những chủ cửa hàng điện thoại muốn mua điện thoại mô hình để bày trong cửa hàng phòng khi bị cướp đến "khoắng sạch".

Gloria bán một mô hình iPhone với giá 300 peso (15 USD). Nó có thể "thế mạng" chiếc iPhone thật trị giá 18.000 peso (900 USD).

"Trong hầu hết trường hợp, mọi người vừa muốn tránh bị đánh cắp điện thoại di động, vừa không muốn mất dữ liệu trong đó", Gloria nói song cũng không đồng ý tiết lộ tên thật của mình.

Chính quyền "đánh nhưng không trúng"

Chính quyền của hạt Ixtapalpa, bang Distrito Federal, một trong những khu vực lớn nhất và nghèo nhất Mexico, đã đề xuất một chương trình để cảnh sát đi trên xe buýt trong tuần này. Mục đích là nhằm ngăn chặn các vụ cướp. Tuy nhiên, ngay cả khi chương trình này bắt đầu được truyền thông rầm rộ, người dân vẫn tỏ ra hoài nghi.

Một tài xế điều khiển xe buýt qua những con đường hẹp ở San Miguel Teotongo, hạt Iztapalapa, bang Distrito Federal, Mexico City. Trên xe của anh có hai cảnh sát đi cùng để bảo vệ. Ảnh: AP.

Oscar Armenda, tài xế xe buýt ở Iztapalapa chở các cảnh sát của chương trình cho rằng đây là một cách tốt nhưng anh không đánh giá cao việc họ thực hiện việc này vào thời điểm giữa trưa.

"Họ nên làm điều này vào thời điểm thích hợp. Đó là ban đêm, không phải bây giờ", Armenda nói.

Hà Lan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-mexico-sam-dien-thoai-di-dong-gia-de-danh-lua-ke-cuop-post948692.html