Người mê xây cầu nông thôn

Hơn 30 năm qua, bà Tống Thanh Mai dùng tiền dành dụm được của gia đình và vận động mạnh thường quân xây dựng 135 cây cầu giúp dân nghèo

Chúng tôi gặp bà Tống Thanh Mai (ngụ phường An Hòa, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) khi bà đang tất bật bên hồ sơ về các cây cầu nông thôn đang lên dự toán. Bà Mai tham gia cách mạng từ rất sớm, từng bị địch bỏ tù. Giải phóng, bà đi học bác sĩ và trở về phụ trách ngành y tế của Sa Đéc, làm Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Tháp đến năm 2005 thì nghỉ hưu. Hưu trí rồi, bà Mai đảm nhiệm vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Khoa học kỹ thuật cầu đường TP Sa Đéc để chăm lo công tác xây dựng cầu đường.

Cơ duyên với việc xây dựng cầu nông thôn, bà cho biết là khi còn làm ở ngành y tế, thấy học sinh phải đội nắng mưa chờ đò qua sông đi học làm bà suy nghĩ mãi với việc xây dựng cầu nông thôn. Nghĩ là làm, cây cầu đầu tiên được bà xây dựng từ khoảng 500 triệu đồng của 2 vợ chồng dành dụm. Thấy việc làm ý nghĩa của bà Mai, nhiều bạn bè, đồng đội cũ và các nhà hảo tâm dần dần ủng hộ, từ đó những cây cầu mới liên tiếp được xây dựng ở các vùng nông thôn của tỉnh Đồng Tháp. Hơn 135 cây cầu bê-tông được xây dựng là biết bao thời gian và công sức của vợ chồng bà Tống Thanh Mai hơn 30 năm qua. Không được trả công nhưng với bà, đó là niềm vui tuổi già.

Khánh thành một cây cầu nông thôn do bà Tống Thanh Mai vận động xây dựng

Khánh thành một cây cầu nông thôn do bà Tống Thanh Mai vận động xây dựng

Bà Mai chia sẻ: "Làm việc này, điều tôi mong mỏi là thấy quê mình ngày càng phát triển, đẩy mạnh thông thương để nâng cao các giá trị kinh tế". Không chỉ dành thời gian cho cầu đường, bà Mai còn thường xuyên dùng lương hưu giúp đỡ đồng đội cũ gặp khó khăn về nhà ở, rồi vận động quà giúp trẻ em nghèo, người già neo đơn; xây dựng nhiều mái ấm tình thương cho người khốn khó.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết: "Đồng Tháp sông ngòi chằng chịt, địa hình thấp trũng, hằng năm còn bị ảnh hưởng bởi mưa gió, lụt bão nên mạng lưới giao thông đường bộ rất nhiều khó khăn. Nhờ vào công sức của các cấp Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường, với nòng cốt là những cán bộ về hưu và nhiều tấm lòng thiện nguyện khác mà hình ảnh "qua sông phải lụy đò" và những con đường "nắng bụi, mưa bùn" dần bớt đi, thay vào đó là những cây cầu vững chãi, những con đường trải rộng. Bộ mặt nông thôn Đồng Tháp ngày càng khởi sắc, góp phần đưa nhiều xã về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới".

Bài và ảnh: Tâm Minh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-me-xay-cau-nong-thon-20191027204619487.htm