Người mẹ thứ hai của trẻ khuyết tật ở Đồng Nai

Với tâm niệm thương người như thể thương thân, cô Phạm Thị Bạch Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai, luôn dành tình yêu thương cho trẻ khuyết tật. Không chỉ đem lại môi trường giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật, cô còn mở ra tương lai để các em có thể tự tin bước vào đời.

Cô Phạm Thị Bạch Huệ hướng dẫn các em học sinh khuyết tật thực hành trên máy vi tính.

Cô Phạm Thị Bạch Huệ hướng dẫn các em học sinh khuyết tật thực hành trên máy vi tính.

Hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai, cô Phạm Thị Bạch Huệ như là người mẹ thứ 2 của trẻ khuyết tật nơi đây. Những năm đầu về công tác tại Trung tâm, cô Huệ chỉ là một nhân viên kế toán, không hề có chuyên môn về giáo dục đặc biệt. Sau thời gian sống cùng các em, nhận thấy sự thiệt thòi, đáng thương của những đứa trẻ bất hạnh, cô Huệ bắt đầu tham gia các khóa đào tạo để có thể đứng lớp.

Lo lắng cho tương lai của các em, cô Phạm Thị Bạch Huệ trăn trở từng ngày. Học sinh khuyết tật sau khi học xong lớp 9 là có thể tìm kiếm việc làm do độ tuổi lúc nhập học của các em muộn. Thế nhưng, nếu để các em tự bươn chải, tìm kiếm công việc ngoài xã hội rất khó. Cô Phạm Thị Bạch Huệ đã liên hệ với một số công ty, xí nghiệp, cơ sở dạy nghề và mạnh dạn đề xuất áp dụng mô hình chuyển đổi “Từ trường học đến việc làm” nhằm chuẩn bị cho học sinh khuyết tật các kỹ năng liên quan đến công việc và tìm được việc làm bền vững, thu nhập ổn định.

Cô Phạm Thị Bạch Huệ trò chuyện cùng với các em học sinh khuyết tật trong giờ nghỉ giải lao.

Theo đó, cô Phạm Thị Bạch Huệ đề xuất liên kết mở 4 lớp đào tạo nghề may công nghiệp và sửa chữa máy may công nghiệp cho hơn 70 học sinh khiếm thính có độ tuổi từ 15 trở lên. Cùng với đó, cô hỗ trợ các em tham gia sàn giao dịch việc làm, tập huấn kỹ năng xin việc làm; hỗ trợ học sinh khiếm thính tìm việc ở các công ty trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

Trong quá trình các em đi phỏng vấn, cô Phạm Thị Bạch Huệ luôn có mặt động viên và phiên dịch cho học sinh khiếm thính. Từ đó, nhiều học sinh của trung tâm đã có việc làm và thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Công ty Changshin, Fashion Garments, Unipax Taekwang... Đây đều là những việc làm giúp các em có thể phát huy được năng khiếu, sở thích của mình trong lựa chọn nghề nghiệp.

"Từng lớp các em trưởng thành, ra trường, xin được việc làm đã báo với cô làm chỗ này, chỗ kia, mức lương em được bao nhiêu... đó chính là điều hạnh phúc nhất, là niềm vui và động lực để mình gắn bó hơn nữa với Trung tâm”, cô Phạm Thị Bạch Huệ chia sẻ.

Lớp dạy nghề may cho các em học sinh khuyết tật tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai.

Trước đây, nhiều trẻ khuyết tật được gia đình gửi đến Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai chỉ có mong muốn duy nhất là con mình được chăm sóc, biết đọc - viết, biết giao tiếp như những bạn bè cùng trang lứa. Với tấm lòng của cô Phạm Thị Bạch Huệ dành cho học trò, những gì các em đạt được đã hơn cả kỳ vọng của gia đình. Các em được học nghề và có nghề nghiệp ổn định, tự tin sống và sống có ích cho xã hội.

Năm 2019, cô Phạm Thị Bạch Huệ là một trong 180 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 1,4 triệu nhà giáo trong cả nước được Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu năm 2019. Cùng với đó, cô còn là một trong số 33 cá nhân được UBND tỉnh Đồng Nai tôn vinh là gương điển hình tiên tiến tỉnh năm 2019. Đây là sự ghi nhận đối với những cống hiến của cô đối với sự nghiệp giáo dục của tỉnh.

Tin, ảnh: Lê Xuân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/nguoi-me-thu-hai-cua-tre-khuyet-tat-o-dong-nai-20200306082723002.htm