Người mẹ nghèo rưng rưng khi con vượt qua bệnh lao màng não

'Khi biết tin con gái bị lao màng não, tôi chỉ hình dung đó là căn bệnh rất nguy hiểm vì liên quan đến não và không chữa được. Nhưng sau 1 năm điều trị, bác sĩ bảo con tôi đã khỏi bệnh. Thực sự, nhiều lúc tôi vẫn không nghĩ cháu đã khỏi lao', chị Trần Thị Thủy chia sẻ.

Chị Thủy là người dân tộc Nùng, ở xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Con gái chị, bé Trần Ngọc Diệu, năm nay 12 tuổi. Năm 2018, cháu thường xuyên kêu đau đầu và sốt, sụt cân nhanh chóng. Tuy nhiên, do gia cảnh khó khăn, em gái của Diệu khi đó mới gần 8 tháng tuổi nhưng có đến gần 5 tháng hay phải nằm viện nên dù thấy con hay kêu đau đầu, mệt mỏi, chị Thủy và chồng cũng chưa bố trí đưa Diệu đi khám sớm được.

“Khi em của Diệu xuất viện về nhà được 10 ngày thì Diệu ốm nặng, đầu đau dữ dội, tôi và chồng rất lo nên đưa cháu đến bệnh viện tỉnh khám. Tại đậy, bác sĩ nghi ngờ cháu mắc lao nên chuyển xuống BV Phổi Trung ương”, chị Thủy nhớ lại.

Chị Thủy và con gái ngày xuất viện

Chị Thủy và con gái ngày xuất viện

Con út còn quá nhỏ nên chị Thủy đành để chồng một mình đưa Diệu xuống Hà Nội. Khi chồng gọi điện về thông báo, con gái bị bệnh lao màng não, chị Thủy đứng ngồi không yên. “Bình thường, tôi nghe thấy bệnh lao đã sợ, đằng này cháu lại bị lao màng não, tôi càng lo hơn, vì nghĩ đó là bệnh rất nguy hiểm ở não và không chưa được. Hơn nữa, tôi cũng lo không có tiền điều trị cho cháu vì nhà nghèo, vợ chồng đều làm ruộng”, chị Thủy cho biết.

Gần 5 tháng con út nằm viện, anh chị đã phải vay mượn để điều trị cho con. Số tiền đó chưa trả được nên chị Thủy và chồng chưa biết xoay xở đâu tiền điều trị cho Diệu. Đang rối bời thì gia định chị được bác sĩ thông báo, Diệu sẽ được tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và hỗ trợ các xuất ăn miễn phí trong thời gian điều trị. Lúc này, vợ chồng chị Thủy mới an tâm phần nào.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngoạn, Trưởng khoa Nhi, BV Phổi Trung ương, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Diệu cho biết, nếu không có bảo hiểm, chị phí điều trị cho bệnh nhi này hết khoảng 30 triệu đồng, chưa kể tiền ăn. Đây là số tiền không lớn với nhiều người nhưng với gia đình chị Thủy thì không hề nhỏ.

Sau 1 năm điều trị, ngày 23/4, sau khi tái khám, bác sĩ chẩn đoán Diệu đã khỏi bệnh. Sáng nay, 24/4, Diệu được xuất viện. “Nhiều lúc tôi vẫn không nghĩ con mình đã khỏi lao nhưng sự thực là cháu đã khỏi bệnh này”, chị Thủy rưng rưng.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, cháu Trần Ngọc Diệu là bệnh nhi đầu tiên được Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) tặng thẻ BHYT miễn phí. “Hiện nhiều người mắc lao nghĩ rằng bệnh này không điều trị khỏi. Nếu gia đình khó khăn thì chần chừ đi điều trị. Tuy nhiên hiện bệnh lao đã điều trị khỏi, kể cả lao đa kháng thuốc. Còn bệnh nhân nghèo chưa có BHYT thì sẽ được Quỹ PASTB tặng thẻ BHYT miễn phí”, TS Nhung cho biết.

Hiện bệnh lao đã có thể điều trị khỏi, kể cả lao kháng thuốc

Cũng theo TS Nhung, không chỉ tặng thẻ BHYT, Quỹ PASTB còn hỗ trợ mua thẻ BHYT đến khi bệnh nhân khỏi lao thì thôi. Ngoài ra, Quỹ phấn đấu sẽ đồng chi trả 5-20% cho những bệnh nhân lao và các chi phí chưa được quỹ BHYT chi trả. Do đó, khi mắc lao, người dân nên đi khám và điều trị sớm.

Theo PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi TƯ, lao màng não là do vi khuẩn lao theo đường máu đi lên não gây ra bệnh. Bệnh lao màng não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Biểu hiện điển hình của bệnh là: Mệt mỏi, sốt nhẹ, nhức đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, ói mửa… Theo thống kê, ở Việt Nam, lao màng não chỉ chiếm khoảng 5% trong số các bệnh lao, nhưng đây lại là thể lao ngoài phổi nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong cao, thường để lại di chứng nặng. Cách tốt nhất để phòng bệnh lao và lao màng não là ngăn ngừa nhiễm trùng lao bằng việc tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ từ nhỏ.

Sáng ngày 24/4, Bệnh viện Phổi TƯ và nhiều bệnh viện chuyên khoa lao phổi, cơ sở y tế tại 63 tỉnh, thành trong cả nước tổ chức lễ phát động Nhắn tin hỗ trợ người bệnh chiến thằng bệnh lao. Với mỗi tin nhắn sẽ ủng hộ vào Quỹ PASTB 18.000 đồng để mua thẻ BHYT cho những người bệnh lao chưa có thẻ, hỗ trợ chi trả cho người bệnh trong thời gian điều trị, đặc biệt là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có điều kiện điều trị miễn phí bệnh lao, góp phần thanh toán bệnh lao trong cộng đồng.

Trước đó, Quỹ PASTB phối hợp với Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) phát động chương trình nhắn tin ủng hộ bệnh nhân lao. Thời gian triển khai từ ngày 10/3 đến hết ngày 9/5/2019. Cách thức nhắn tin theo cú pháp: TB gửi 1402.

Cán bộ y tế BV Phổi TƯ nhắn tin ủng hộ bệnh nhân lao

Theo ước tính, mỗi năm ở Việt Nam phát hiện thêm 126.000 người mắc lao, trong đó 20% là không có thẻ bảo hiểm y tế. Điều này khiến nhiều người không có khả năng tiếp tục điều trị.

Năm 2018, chương trình nhắn tin đã kêu gọi được hơn 400 triệu đồng từ thuê bao di động trên cả nước. Toàn bộ số tiền vận động được Quỹ PASTB đã phân bổ chi phí mua thẻ BHYT, hỗ trợ viện phí, dinh dưỡng, di chuyển đi lại cho người bệnh lao nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Mai Yên

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/nguoi-me-ngheo-rung-rung-khi-con-vuot-qua-benh-lao-mang-nao-post58445.html