Người mẹ kế 25 năm chăm sóc, yêu thương con chồng như con đẻ

Người đời có câu 'Mấy đời bánh đúc có xương – Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng' nhưng chị đã yêu thương chăm sóc con chồng như chính đứa con chị dứt ruột sinh ra vậy.

Mối quan hệ mẹ ghẻ - con chồng trước đến nay vốn xảy ra nhiều chuyện bất đồng. Tuy nhiên không phải bà mẹ kế nào cũng cay nghiệt, không phải đứa con chồng nào cũng ruồng rẫy người “mẹ” không sinh ra mình. Vẫn còn rất nhiều câu chuyện cảm động về hạnh phúc gia đình, về tình mẫu tử thiêng liêng từ chính mối quan mẹ ghẻ - con chồng.

Chỉ cần yêu thương nhau chân thành và tử tế thì cuộc đời sẽ đền đáp lại mình những điều ấm áp và hạnh phúc. (Ảnh minh họa)

Chỉ cần yêu thương nhau chân thành và tử tế thì cuộc đời sẽ đền đáp lại mình những điều ấm áp và hạnh phúc. (Ảnh minh họa)

Trước khi đến với gia đình hiện tại, chị Mai Thu H. (Uông Bí - Quảng Ninh) đã từng có 1 cuộc hôn nhân nhưng không được viên mãn. Cuộc đời bất công đã không cho chị cái quyền thiêng liêng nhất của người phụ nữ, chị không thể sinh con. Biết mình không thể mang lại hạnh phúc cho chồng nên chị đã chủ động giải thoát cho cuộc hôn nhân của mình.

Nhưng ông trời không hẳn đã cướp đi hoàn toàn hạnh phúc của chị khi chị gặp được người chồng hiện tại một lòng tôn trọng, yêu thương. Lấy anh, chị chấp nhận làm lẽ và nuôi con chồng. Người đời thường nhiếc móc: “Mấy đời bánh đúc có xương – Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Nhưng bỏ qua những lời xôn xao bàn tán của họ hàng làng xóm, chị một lòng chăm sóc đứa con riêng của chồng, một mình chị lo lắng chăm bẵm đứa con trưởng thành khôn lớn.

Khi nhớ lại ngày đầu tiên bế đứa bé trên tay chị không nén nổi xúc động, nụ cười hạnh phúc vẫn rạng ngời trên gương mặt nhạt nhòa nước mắt.

“H. không phải do chị sinh ra nhưng thực lòng chị yêu thương nó như chính núm ruột của mình vậy. Chị không sao diễn tả được niềm hạnh phúc tột cùng khi lần đầu tiên trong cuộc đời đứa bé cất tiếng gọi chị là mẹ”, chị tâm sự.

Bản thân chị không còn khả năng sinh nở nhưng bản năng làm mẹ của người phụ nữ luôn thường trực cũng như sự khao khát hơi ấm của một sinh linh bé bỏng nên tiếng gọi “mẹ” của đứa bé đối với chị trở nên thiêng liêng và hạnh phúc vô vàn.

Chưa bao giờ chị mảy may suy nghĩ đứa con này là con riêng của chồng, lúc nào chị cũng coi đứa bé như con đẻ của chị vậy.

Chị nói: “Đứa bé đã vô cùng thiệt thòi khi vừa chào đời đã không còn mẹ. Tôi vô cùng ngưỡng mộ và tôn trọng mẹ ruột của H., chị ấy đã dũng cảm chiến đấu với bệnh tật để H. được sinh ra mạnh khỏe. Lần đầu tiên bế con trên tay, tôi đã tự hứa rằng mình sẽ thay chị ấy yêu thương chăm sóc và bù đắp sự thiệt thòi cho con”.

Suốt những năm tháng sau đó, chị cùng chồng vất vả bươn chải kiếm sống để lo lắng cho gia đình và chăm sóc con cái. Dù có vất vả đến đâu chị cũng luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người mẹ.

Chị nhớ lại những ngày đầu chăm sóc đứa con trai, đứa bé khóc vì đói và thèm sữa mẹ mà chị thì lại không có sữa cho con bú, chị phải bế con đi vào những nhà có phụ nữ mới sinh trong làng để xin từng giọt sữa cho con. Rồi những lần thức trắng đêm để trông con ốm, những sáng sớm mùa đông chị dậy từ 4-5 giờ chuẩn bị cơm nước quần áo cho con rồi đưa con đi học, sau đó mình mới đi làm. Chiều lại tất bật về thật sớm cho kịp giờ con tan học, về đến nhà lại tắm gội cho con rồi lao vào bếp chuẩn bị bữa cơm chiều.

Ăn tối xong thì tranh thủ thật nhanh để giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, dạy con học bài, đến khuya khi con đi ngủ chị mới có thời gian cho bản thân. Chị đã toàn tâm toàn ý dành hết sự yêu thương chăm sóc cho mái ấm của mình mà không 1 lời than vãn.

Chị kể có lần năm con học lớp 6, vì mải đi chơi với các bạn mà không kịp xin phép mẹ, chị đi làm về không thấy con đâu đi tìm cả buổi mà nước mắt ngắn dài. Cũng may là con mải chơi rồi ngủ quên nhà bạn nên không biết mẹ đi tìm, chị chỉ sợ con bị người xấu đưa đi mất hoặc có mệnh hệ gì thì có lẽ chị không sống nổi.

Năm tháng cứ thế trôi đi, gia đình chị luôn luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Đứa con trai mà chị chăm bẵm từ lúc 3 tháng tuổi ngày càng lớn khôn và trưởng thành dưới sự chăm sóc và dạy dỗ của cha và mẹ. Lúc học trung học ở nhà chị chăm sóc từ bữa ăn giấc ngủ, lớn lên đi học đại học xa nhà chị cũng quan tâm lo lắng chuẩn bị cho con đầy đủ từ những thứ nhỏ nhất.

Chị kể từ ngày con chị đi học xa nhà vợ chồng chị cứ lủi thủi nhớ con. Nhiều khi đi làm về cứ gọi tên con mà quên mất rằng nó vắng nhà. Nhiều khi nhớ con quá hai vợ chồng bắt xe lên Hà Nội thăm con, mang theo nào gạo, nào trứng, nào gà, nào rau củ quả tiếp tế vì chỉ sợ con thiếu thốn không đủ sức khỏe để học hành.

Thấm thoát cũng 25 năm trôi qua, con trai chị giờ đây đã khôn lớn trưởng thành có công việc ổn định và hơn hết là rất có hiếu với bố mẹ. Chứng kiến những bước trưởng thành của con, chị không giấu nổi niềm hạnh phúc cùng sự tự hào.

Dù không phải do chị sinh ra nhưng với chị, đứa con là tất cả tài sản mà chị có. Chị tin rằng chỉ cần yêu thương nhau chân thành và tử tế thì cuộc đời sẽ đền đáp lại mình những điều ấm áp và hạnh phúc.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nguoi-me-ke-25-nam-cham-soc-yeu-thuong-con-chong-nhu-con-de-d145714.html