'Người mê' hay bi kịch về mặc cảm bị ruồng bỏ

Người mê gợi mở thế giới của sự mê ảo, nhưng khi gấp trang sách lại thì độc giả nhận rõ bi kịch về mặc cảm bị ruồng bỏ của người già trong xã hội hiện đại.

Người mê là tên cuốn sách của tác giả Uông Triều, vừa ra mắt bạn đọc tháng 9.2016 (NXB Hội Nhà văn và Công ty CP sách Tao Đàn phát hành). Một lão già mang cái tên phiếm chỉ B. Giống như trong thế giới nghệ thuật của F.Kafka, tất cả đã bị mờ nhòe trước cái nhìn của lão về cuộc đời, mỗi cá thể chỉ là một con số, một chữ cái, một sự tĩnh lược không theo quy luật nào hết. Duy chỉ có một điểm sáng, vượt lên trên mọi sự ảm đạm, chán chường, là tình yêu mãnh liệt của lão dành cho một người con gái chỉ đáng tuổi con mình. Cuộc đời của lão rút cuộc chỉ là bi kịch chồng chất bi kịch.

Có thể xếp bi kịch của lão vào ba nhóm: thân phận, gia đình và tình yêu. Nhưng bao trùm tất thảy lại là bi kịch về mặc cảm bị ruồng bỏ. Dù đối diện với chính bản thân mình hay trong mối quan hệ với gia đình, xã hội và trong tình yêu, lão luôn là một kẻ thừa thãi, bị mọi người xa lánh, bị đẩy ra rìa một cách tàn nhẫn. Tất cả ném vào lão cái nhìn miệt thị và lão chỉ còn biết thu mình lại trong nỗi đau đớn, cô đơn, mặc cảm đến tê dại.

Cuộc đời lão chỉ là sự kéo dài của những tháng ngày tẻ nhạt tuy rằng biểu hiện của nó có khác nhau đi chăng nữa. Dù còn là công chức hay về hưu thì lão cũng chỉ chuyển từ trạng thái tẻ nhạt này sang trạng thái tẻ nhạt khác, thứ cảm giác mà lão dường như cầm nắm được và lão đã hình dung ra cái hậu quả nhãn tiền của nó sẽ giáng xuống cuộc đời mình. Vì thế, sự bứt phá ra khỏi vòng xoáy luẩn quẩn trì trệ, mục nát kia là một sự chuyển biến mang tính chất bản lề khiến lão tìm thấy được ý nghĩa của đời sống nhưng chính nó cũng đẩy lão rơi vào bi kịch tuyệt vọng. Lão bẻ gãy sự nhàm chán của đời mình bằng một thứ tình yêu si mê đến cuồng dại nhưng rốt cuộc, vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh về một kẻ ngoài lề.

Trong mối quan hệ gia đình, lão lần lượt đảm nhận vai trò của một người con, một người em trai, một người em chồng, một người chồng, một người cha, một người chú… Với tất cả những danh phận ấy, lão có được sống là chính lão hay phải sống trong sự quy chiếu của mọi người dành cho lão. Lão không hề tồn tại mà chỉ có những mối liên hệ liên quan đến lão tồn tại, lão chỉ là những vai diễn. Con người thật sự của lão như thế nào? Lão là ai? Lão có được tồn tại độc lập và thoát ra khỏi các mối ràng buộc không? Tất nhiên là không! Lão chưa bao giờ được sống cho mình, cho cái tôi thành thực của mình. Thế nên, khi lão yêu người con gái tên H. - cô bạn của con gái lão thì tất cả mối quan hệ ràng buộc ấy đã xiết chặt lấy lão, bóp nghẹt sự tự do và sự trỗi dậy của bản ngã trong lão. Ông bố già, người anh trai già, đứa con gái, đứa cháu trai đều tìm đến lão để tra vấn, kết tội vì thứ tình yêu mà họ cho là điên rồ. Để rồi, sau đó, tất cả đã quay lưng lại với lão, một cách độc ác, tàn nhẫn. Nó hiện hữu rõ nét trong giấc mơ khi lão thấy mình bị biến thành một đứa trẻ ngơ ngác và tội nghiệp lẫm chẫm bước trong thế giới mà tất thảy người thân của lão đều là người lớn. Không có ai sẻ chia, đồng cảm, lão rơi vào tình trạng cô độc đến tuyệt đối.

Tác giả Uông Triều sinh năm 1977, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân (tập truyện ngắn)

- Tưởng tượng và dấu vết (tiểu thuyết)

- Sương mù tháng Giêng (tiểu thuyết lịch sử)

Trong mối quan hệ với xã hội, lão là đại diện cho một cá nhân bảo thủ, lạc hậu, không thể nào hòa nhập và thích nghi với một đời sống hiện đại. Đương nhiên, khi mở quán bán cà phê là lão đã có ý định dấn thân và phiêu lưu vào một đời sống mới, không còn tẻ nhạt và buồn chán như trước nhưng kết cục, lão vẫn chỉ là một kẻ hành khất không thể đến đích. Lão bị hất văng ra khỏi guồng quay của cơ chế thị trường, một điển hình cho sự lạc mốt lỗi thời tất yếu sẽ bị đào thải hoặc tự đào thải. Dù nhận thức rõ rằng mình “không phải là một con rối” nhưng lão vẫn bị cái đời sống lạnh lùng và tàn nhẫn giật dây. Một xã hội lạnh lùng vô cảm.

Khi đối diện với chính mình, lão luôn sống trong một thế giới bị ám ảnh bởi những giấc mơ của cõi vô thức, sự đấu tranh, giằng xé trong tiềm thức. Chính tại đây, lão cảm nhận rõ nét nhất bi kịch của mình, một kẻ thừa thãi bị nguyền rủa. Đối với lão, trong mọi mối quan hệ, lão đều bị cô lập. Lão là một cá thể lạc loài yếu ớt trong một quần thể xã hội vốn dĩ không mấy gắn bó, đúng hơn là rời rạc, đứt đoạn. Nhưng dù bị đẩy ra ngoài tất cả mối ràng buộc ấy, lão vẫn tồn tại được. Bởi lão đã kéo dài cuộc sống ấy trong suốt bao năm làm công chức nhàm chán, vô vị “ông không muốn ai đụng đến ông, cũng không muốn chạm đến ai. Ông sống một đời công chức nhạt nhẽo”. Nhưng, đến khi rơi vào bi kịch bị chối bỏ trong tình yêu, lão đã hoàn toàn suy sụp và nó dồn đẩy lão đến bờ vực của sự khủng hoảng, bấn loạn, tuyệt vọng. Chưa bao giờ lão chiếm hữu được nàng, cũng có nghĩa là chưa bao giờ lão vượt thoát được nỗi cô đơn cố hữu của một cá thể để có thể giao hòa trong một trạng thái sống mới với sự thăng hoa của những xúc cảm và tính dục. Lúc nào lão cũng chỉ mon men ở biên giới của nó, kết thúc sự việc một cách dang dở, nuối tiếc.

Bao trùm tiểu thuyết Người mê là tấn bi kịch nhức nhối của một kẻ lạc loài, bị ruồng bỏ. Nó không chỉ là bi kịch riêng mà còn là bi kịch chung cho mọi cá nhân trong một xã hội ngày càng rạn nứt, lỏng lẻo trong các mối quan hệ tình cảm. Câu chuyện đã đặt ra những băn khoăn, hoài nghi đến đau đớn về những khoảng cách, những vực thẳm, những đứt gãy không thể nào hàn gắn nổi trong mối quan hệ người - người.

Nguyệt Chu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nguoi-me-hay-bi-kich-ve-mac-cam-bi-ruong-bo-758272.html