'Người mẹ gặp tôi và muốn phẫu thuật thẩm mỹ cho cô con gái 8 tuổi'

Ám ảnh ngoại hình, sự hoàn hảo, nhiều phụ huynh tại Trung Quốc, Hàn Quốc, cho con can thiệp dao kéo từ khi còn nhỏ, với mong muốn trẻ có thể đổi đời, không thua kém trong xã hội.

Phẫu thuật thẩm mỹ không còn là điều xa lạ với thế giới. Tại Hàn Quốc - kinh đô dao kéo của thế giới - xu hướng này bùng nổ mạnh mẽ. Tỷ lệ người Hàn Quốc từng phẫu thuật thẩm mỹ đứng đầu toàn cầu.

Theo Koreaboo, thống kê từ xứ sở kim chi cho thấy gần 35% phụ nữ trong độ tuổi từ 19 đến 29 đã từng phẫu thuật thẩm mỹ. Thậm chí, con số thực tế có thể lên tới 50%.

Áp lực xã hội, các tiêu chuẩn sắc đẹp thay đổi khiến nhiều người phải thay đổi ngoại hình. Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Năm 2019, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ tại quốc gia này đạt 800 tỷ nhân dân tệ. Gengmei, ứng dụng dành cho người phẫu thuật thẩm mỹ, ước tính 22 triệu người Trung Quốc đã phẫu thuật thẩm mỹ vào năm 2018. 54% trong số đó dưới 28 tuổi. Khách hàng sinh sau năm 2000 chiếm 8%.

Đưa con đi sửa nhan sắc từ sớm vì sợ thua kém ngoại hình

Tháng 5/2019, chương trình truyền hình tại Hàn Quốc đã phỏng vấn vị một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Tại đây, ông tiết lộ bệnh nhân nhỏ tuổi nhất của mình là bé gái 8 tuổi.

"Người mẹ đã tới gặp tôi và muốn phẫu thuật thẩm mỹ cho con gái 8 tuổi. Nguyên nhân là bà muốn cô bé phát triển sự nghiệp diễn xuất, trở thành diễn viên nhí", Koreanboo dẫn lời vị bác sĩ. Theo lời kể của ông, bà mẹ cho rằng nếu con gái có đôi mắt hai mí sẽ rất tốt cho sự nghiệp sau này.

Ngay lập tức, nhiều người lên tiếng chỉ trích hành động của bà mẹ. Họ cho rằng đứa trẻ còn quá nhỏ để đụng đến dao kéo. Bà mẹ bị buộc tội ích kỷ, tham lam. Nhiều người cho rằng đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thật đen tối về xã hội, áp lực về cái đẹp khiến một đứa trẻ 8 tuổi, chưa kịp phát triển hết đã phải can thiệp, chỉnh sửa khuôn mặt.

 Vị bác sĩ tiết lộ về lần phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí cho đứa trẻ 8 tuổi. Ảnh: Koreaboo.

Vị bác sĩ tiết lộ về lần phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí cho đứa trẻ 8 tuổi. Ảnh: Koreaboo.

Một tài khoản bình luận trên mạng xã hội tiết lộ cô từng cắt mí mắt năm 8, 9 tuổi. Thời điểm đó, người phụ nữ không biết cắt mí là gì nhưng vẫn thực hiện theo lời cha mẹ.

Bên cạnh đó, một số quan điểm khác cho rằng hành động của bà mẹ đã giúp con có được sự tự tin vào ngoại hình hoàn hảo ngay từ nhỏ. Miễn là đứa trẻ đồng ý, việc làm này không hề sai trái và đáng lên án.

S. là một trường hợp hiếm hoi bị ép đi phẫu thuật. Mẹ S. mong muốn cô sửa mũi trước khi lên đại học. Ban đầu, nữ sinh này cự tuyệt. Nhưng sau khi phẫu thuật, cuộc sống của cô dần thay đổi. "Mọi người đối xử với tôi rất khác. Thậm chí, khi đi nước ngoài, tôi cũng được ưu tiên, đối đãi tốt hơn", S nói với Vice News.

Nhiều người bị ám ảnh bởi ngoại hình của mình và tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: New York Times.

Trước khi con gái của Lu Juan, Yihan, vào đại học, bà mẹ này đã nghĩ sẽ đưa con đi thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc. Juan luôn chê bai, than thở con gái có đôi mắt một mí giống cha thay vì bồ câu như mẹ.

Mùa hè năm 2013, Juan đến phòng khám tư nhân của bạn ở Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc. Nhiều khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ tại đây đều có độ tuổi rất trẻ. Những bức ảnh chụp trước và sau dao kéo hấp dẫn bà mẹ này.

Juan coi rủi ro trong ca nhấn mí “rất thấp” và vì nhiều người đã làm. Bà mẹ này quyết định đưa con tới phẫu thuật. Tại phòng khám, Yihan không chỉ cắt mí mắt. Theo lời gợi ý từ bác sĩ, cô gái này tiêm thêm filler để làm đầy thái dương, độn cằm và má baby, giúp khuôn mặt đối xứng, hài hòa hơn.

Trên thực tế, tại Hàn Quốc, Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào, không có quy định về độ tuổi được phép phẫu thuật thẩm mỹ. Nó chỉ được khuyến cáo nên dành cho người trên 18 tuổi hoặc trẻ vị thành niên cần được sự cho phép, theo dõi của cha mẹ.

Treo phần thưởng bằng số tiền "khủng" cho con dao kéo

Kim Ji Yeon (22 tuổi) có ý định phẫu thuật thẩm mỹ khi mới 7 tuổi. Trong suốt 13 năm, cô xé nát ảnh chụp, đấu tranh tư tưởng để được bố mẹ cho tiền sửa hàm. Ji Yeon bỏ ra 2 tiếng mỗi ngày và hơn 200 USD mỗi tháng cho việc trang điểm và chăm chút vẻ bề ngoài. Cô muốn trở nên xinh đẹp hơn để được xã hội công nhận và tôn trọng, theo Sixth Tone.

Tại Hàn Quốc, nhiều cha mẹ còn treo phần thưởng học tập bằng việc sẵn sàng chi tiền cho con phẫu thuật. Phần lớn cha mẹ không muốn con mình xấu xí, trở nên lạc loài khi đến trường. Theo Koogle TV, phụ huynh Hàn Quốc chi khoảng 3.000 USD cho món quà đặc biệt này.

Khuôn mặt sưng húp của nữ sinh 20 tuổi sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện ở Thanh Đảo, Sơn Đông. Ảnh: Sixth Tone.

Shim Hyun Ho, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ lâu năm ở Seoul, cho biết nhiều cha mẹ ở Hàn Quốc có xu hướng cho con phẫu thuật thẩm mỹ thay vì tặng quà thông thường. "Cha mẹ cho con mình phẫu thuật thẩm mỹ cũng giống như đầu tư tiền cho con học tập. Họ nhận ra vẻ đẹp rất quan trọng cho sự thành công", ông nhận định.

Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Mùa hè năm 2017, vài tháng sau khi thi đại học, Fan Tiantian và mẹ đến bệnh viện nổi tiếng ở Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, Trung Quốc, để phẫu thuật thẩm mỹ. Trong trường trung học của Tiantian, 10 người bạn khác đã cắt mí và sửa mũi. Tiantian nóng lòng muốn đẹp hơn như các bạn. “Kỳ nghỉ sau thi đại học là thời điểm vàng để tôi tút tát lại nhan sắc. Tôi sẽ có một khởi đầu mới ở trường đại học”, Tiantian chia sẻ.

Để phục vụ các khách hàng trẻ như Tiantian, nhiều phòng thẩm mỹ giảm giá mạnh cho sinh viên trong các dịp lễ, tháng vàng. Các thương hiệu này thậm chí còn cho khách hàng là sinh viên trả góp, vay tín dụng.

Mặt tối và rủi ro

Áp lực xã hội để trở thành người “trên mức bình thường” luôn đi kèm với những hậu quả tiêu cực của nó. Ashley Kim, 28 tuổi, ở Hàn Quốc, nhớ lại những lời chỉ trích của gia đình về ngoại hình của mình khi còn nhỏ và lời khuyên của họ về việc phẫu thuật thẩm mỹ. Họ thường phàn nàn: “Tại sao con không làm gì vậy?”, “sẽ không ai sẽ cưới con với cái mũi tẹt như vậy đâu” hay “tìm cách mà kiếm việc làm đi”...

“Người Hàn Quốc tin rằng họ sẽ không nhận được công việc tốt, người chồng vừa ý hoặc thậm chí sẽ không được thừa nhận nếu thiếu đi ngoại hình xinh đẹp", Kim trả lời phỏng vấn của HuffPost.

Khuôn mặt sưng phù của một cô gái 3 ngày sau khi phẫu thuật cắt mí mắt. Ảnh: Sixth Tone.

Và ám ảnh ngoại hình đó kéo theo nhiều cái giá đắt. Ngành công nghiệp "dao kéo" tại Trung Quốc, Hàn Quốc, thường không được quản lý chặt chẽ. Các cơ sở thẩm mỹ đều không nói về rủi ro sức khỏe hay biến chứng của các cuộc phẫu thuật. Nếu không may gặp phải, khách hàng là người chịu thiệt thòi nhất.

Tháng 3, một phụ nữ tại Trung Quốc nhảy lầu tự tử sau khi phẫu thuật ngực thất bại. Đó là Ma Zhaoli, 39 tuổi, bà mẹ đơn thân ở Nam Giang, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Phòng khám nơi cô thực hiện ca phẫu thuật đã rũ bỏ mọi trách nhiệm. Zhaoli đối diện cơn đau thắt tột cùng ở ngực trái dù đã phẫu thuật lần thứ 2 để loại bỏ túi ngực giả. Uất hận, áp lực và đau đớn, Zhaoli đã nhảy lầu.

Tháng 6/2019, Kwon Dae-hee, sinh viên 24 tuổi ở Hàn Quốc, tử vong sau khi phẫu thuật gọt hàm. Nam sinh mong muốn khuôn mặt góc cạnh hơn. Tại Hàn Quốc, thủ thuật này rất phổ biến và chỉ mất tối đa 2 giờ đồng hồ trên bàn mổ. Nhưng đáng tiếc, cậu là nạn nhân của một "bác sĩ ma" và phải dùng cả mạng sống để trả giá. Mẹ của Dae-hee cho biết nó có giá 6,5 triệu won (5.766 USD).

Theo CNN, cơ sở thẩm mỹ trên quảng cáo những tên tuổi uy tín nhưng thực chất, người đứng mổ cho Kwon là tay bác sĩ đa khoa không có giấy phép. Ca phẫu thuật gọt hàm kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, Kwon chảy rất nhiều máu. Nam sinh qua đời 7 tuần sau đó.

Gia đình của Dae-hee nói rằng anh là nạn nhân của "bác sĩ ma", cái tên được đặt cho một người thực hiện phẫu thuật thay cho bác sĩ chính được thuê khi bệnh nhân đã gây mê toàn thân. Họ đã khởi kiện phòng khám nơi Kwon thực hiện ca phẫu thuật và nhận lại 381.000 USD tiền bồi thường vào tháng 5/2019. Theo CNN, các bác sĩ và y tá liên quan đang phải đối mặt hàng loạt cáo buộc. Trong đó, 3 bác sĩ sắp bị khép vào tội hình sự.

Nhưng đó chưa phải tất cả những gì đen tối phía sau ngành công nghiệp thẩm mỹ hào nhoáng và đầy hấp dẫn tại Hàn Quốc. Tháng 12/2013, một nữ sinh 19 tuổi rơi vào tình trạng chết lâm sàng sau khi phẫu thuật sửa mũi và tạo mắt hai mí tại một cơ sở làm đẹp ở Seoul.

Gia đình nạn nhân cho biết cơ sở đã tiến hành phẫu thuật mà không có giấy cam kết hay sự đồng thuận của phụ huynh. Bên cạnh đó, nữ sinh bị gây mê tổng thể dù phẫu thuật sửa mũi, cắt mí không yêu cầu dùng thuốc gây mê tác dụng mạnh. Đến nay, vụ việc vẫn chưa được làm rõ, không một ai bị truy cứu trách nhiệm.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-me-gap-toi-va-yeu-cau-phau-thuat-tham-my-cho-co-con-gai-8-tuoi-post1206541.html