Người mẹ bị trao nhầm con: Cần thời điểm thích hợp để đổi trả

Chị Vũ Thị Hương - một trong hai bà mẹ bị trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) - cho rằng việc đổi lại con tại thời điểm này chưa thích hợp.

Sau nhiều tháng phát hiện sự thật trao nhầm con giữa hai gia đình anh Phùng Giang Sơn và gia đình chị Vũ Thị Hương (Ba Vì, Hà Nội), hai bé trai vẫn chưa được trở về với gia đình của mình. Vũ Thị Hương - người mẹ được cho là chưa muốn trao con - lần đầu lên tiếng về vấn đề này.

Chị Hương là người đang nuôi bé Đoàn Nhật M. (con ruột của anh Phùng Quang Sơn) khẳng định chị hoàn toàn đồng ý việc trao các con về với bố mẹ đẻ của mình. Tuy nhiên, chị cho rằng việc giao nhận con lúc này là chưa hợp lý. Bởi trước sự việc này, hai con cần có thời gian để hiểu và chấp nhận sự thật.

“Các con năm nay đã 6 tuổi rồi, thời gian 6 năm chăm sóc, nuôi dưỡng và gắn bó chắc chắn không dễ gì để rời xa. Không chỉ bản thân người lớn, mà các con cũng vậy, vì thế tôi nghĩ rằng nên để các cháu đi lại, làm quen dần để có sự thích ứng", chị Hương nói.

Chị cũng chia sẻ hiện tại bản thân vẫn chưa thể chấp nhận được sự thật, nên càng lo lắng cho các con. "Tôi không phải muốn gây khó dễ cho gia đình anh Sơn hay phía bệnh viện mà bản thân tôi muốn có thêm thời gian”, chị Hương chia sẻ.

Người mẹ này cho hay trong lần đầu tiên gặp con trai ruột của mình là cháu Phùng Thanh H., bản thân đã cảm thấy bé rất giống mình và có tình cảm với bé H. như đối với người con mà chị đang chăm sóc là cháu Đoàn Nhật M.

“Từ khi biết sự thật này, tôi rất mệt mỏi, liên tục phải đi viện. Dù mệt, nhưng tôi vẫn biết chuyện gì đúng, chuyện gì sai và việc gì nên làm vào lúc này. Tôi chưa trao con ngay lập tức vì muốn tốt cho cả hai bé”, chị Hương nói.

Chị cũng cho biết sau khi biết kết quả xét nghiệm ADN, bản thân cảm thấy yêu thương bé M. nhiều hơn trước. “M. là người con sống tình cảm và cá tính, nếu giao con vào lúc này tôi tin chắc cả hai bé sẽ không thể chấp nhận gia đình mới ngay. Nếu cố tình giao - nhận các cháu, khi về nhà mới các con chưa quen, trường hợp xấu nhất các con trốn ra ngoài, đi lạc thì sao?”, chị Hương đặt vấn đề.

Thời gian sắp tới, người mẹ này sẽ thu xếp công việc để về quê làm việc, tạo điều kiện cho gia đình thường xuyên đi lại, quen dần, khi đó cả các con và bố mẹ sẽ không còn bị sốc nữa.

“Một số thông tin nói tôi không muốn giao con, hay chưa thỏa thuận được đền bù nên không giao con là hoàn toàn sai. Vấn đề bồi thường tôi không quan tâm, cứ để pháp luật làm việc”, chị Hương nói thêm.

Chị Hương chia sẻ về câu chuyện. Ảnh: P.P.

Cần quan tâm tâm lý đặc biệt của trẻ

PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay việc phát hiện nhầm lẫn, sau đó là sự đổi trả có gây ra sang chấn tâm lý đối với hai đứa trẻ hay không sẽ tùy thuộc vào tính cách của từng bé, tình cảm gắn bó với gia đình đã nuôi dưỡng trẻ lâu nay, mức độ hòa nhập với môi trường mới, thái độ và cách thức ứng xử của người lớn khi giải quyết sự kiện này. Những tác động này sẽ dẫn đến việc trẻ thích ứng tốt hoặc có hành vi chống đối.

Chuyên gia này nhấn mạnh điều quan trọng nhất là cần có một quá trình tư vấn tâm lý cho hai bé trai trước khi việc trao đổi được diễn ra. Những nhà tâm lý sẽ cần tiếp cận với các bên để hiểu quan điểm và lường được những nguy cơ có thể gây tổn thương cho trẻ và các anh chị em. Từ đó, chúng ta sẽ tìm ra các giải pháp tối ưu được thống nhất và đồng thuận của các bên trước khi tiến hành trao - nhận con.

“Trên thế giới, cũng có những câu chuyện trao nhầm con tương tự nhưng câu chuyện thường kết thúc có hậu bằng việc đứa trẻ sẽ có thêm một gia đình mới để đùm bọc và yêu thương cháu”, ông Nam thông tin.

Do đó, cách ứng xử của người lớn phải gửi thông điệp đến cho trẻ rằng sự nhầm lẫn không ai mong muốn này sẽ cho con có thêm những sự quan tâm, thêm một mái ấm, chứ không phải bị cướp mất tình cảm bấy lâu nay với những người cha mẹ nuôi đã gắn bó. Con sẽ có một “gia đình” to hơn so với trước đây, với nhiều tình yêu thương.

;

Tiến sĩ Trần Thành Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Biến đau khổ thành yêu thương gấp đôi

Theo chuyên gia tâm lý, trong câu chuyện nhầm con, không chỉ hai đứa trẻ, mà người lớn đều bị tổn thương. Tuy nhiên, đối với trẻ em, sự quan tâm cần đặc biệt hơn. Để làm được điều này, cách cư xử của người lớn mang tính quyết định thái độ của con khi đối mặt với môi trường mới.

Hai bên gia đình, đặc biệt bố mẹ trực tiếp nuôi con, cần thay đổi góc nhìn về sự việc. “Họ nên nghĩ theo chiều hướng tích cực, khi đó, họ không chỉ có một người con, họ còn có thêm một người con nữa, thêm yêu thương, thêm sự nương tựa. Có thể có những sự việc không may đã xảy ra, nhưng đó là việc của người lớn cần giải quyết. Đứa trẻ không có lỗi và không nên bị đổ lỗi hay kéo vào sự việc này”, ông Nam khuyên.

Khi người lớn đang phải đối mặt với sự đau khổ, lo lắng, xáo trộn, thù địch, họ cũng nên tỉnh táo bởi điều đó sẽ được hai đứa trẻ nhận ra, có thể gây ảnh hưởng. Sau cùng, người tổn thương nhất vẫn là đứa trẻ.

“Nếu các bố mẹ thay đổi cách nhìn và cởi mở chấp nhận sự việc, hai bé sẽ nhận thấy năng lượng tích cực và cũng dễ dàng chấp nhận sự thật này hơn. Con có hành vi chống đối, bị tổn thương tâm lý hay không phụ thuộc vào thái độ và hành vi ứng xử của người lớn”, ông Nam cảnh báo.

Hà Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-me-bi-trao-nham-con-can-thoi-diem-thich-hop-de-doi-tra-post859656.html