Người 'may áo' cho những bộ chiêng quý

Hiện rất nhiều buôn làng ở vùng đại Tây Nguyên đang lưu giữ nhiều bộ chiêng quý hiếm, được người dân định giá hàng trăm con bò, mấy chục héc-ta rẫy. Tuy nhiên, người 'may áo' cho chiêng quý 'tìm mỏi mắt' chỉ có một.

Nghề đặc biệt

Đến xã Ia O (H. Ia Grai, Gia Lai) tìm hỏi người “may áo” chiêng, người dân chỉ tay về phía núi xa xa – nơi có căn nhà nhỏ của nghệ nhân Ksor Huyên (làng Mít Jép, xã Ia O) rồi nói lớn: “Già ấy là người “may áo” chiêng duy nhất của dân làng. Có chiêng quý thì đến già Huyên “may áo” để bao bọc, chứ không may rơi vỡ là mất cả gia tài”. Có mặt tại nhà già Huyên, lúc này, người nghệ nhân đang thu dọn các vật dụng “may áo” chiêng cất vào kho. Vật dụng “may áo” cho chiêng gồm kim nhọn, dây nhựa, thép, đế gỗ...

Theo già Huyên, già biết đánh chiêng hồi còn bé. Hồi xưa, gia đình già cũng có một bộ chiêng được định giá bằng 2 con trâu đực. Thuở còn nhỏ, già thấy cha và ông nội thường đem chiêng đến các lễ hội để đánh. Chiêng chỉ được kẹp trong mấy thanh tre rồi cứ thế mang đi, không có sự bảo vệ gì khác. Ngay tại các lễ hội, già Huyên cũng từng chứng kiến một số bộ chiêng quý trong quá trình vận chuyển bị rơi, gây hư hỏng. Từ đó, già Huyên bắt đầu học cách “may áo” cho chiêng.

Dù đã hơn 60 mùa rẫy nhưng đôi tay già Huyên vẫn rất khéo

Dù đã hơn 60 mùa rẫy nhưng đôi tay già Huyên vẫn rất khéo

“Lúc đi chăn trâu hoặc lúc lên rẫy, mình lấy tre chẻ ra và đan thành các hình tròn, làm sao bỏ lọt cả bộ chiêng. Phải mất 1 năm trời, mình mới đan chỉnh chu một bộ áo mới bằng tre cho chiêng. Cặp áo mới đầu tiên mình may là cho bộ chiêng quý của gia đình. Ông nội rồi cha nhìn vào cặp áo mới cho chiêng đã hết sức bất ngờ và vui mừng”, già Huyên chia sẻ.

Không lâu sau khi Huyên biết “may áo” cho chiêng, thì cha mẹ mất. Nhưng có được cái nghề “may áo” cho chiêng, trong làng nhiều người đến nhờ già Huyên may giúp. May xong có người trả bằng tiền, người lại trả lon gạo, có người trả con gà,… Nhờ vậy, già Huyên lớn lên mà không phải dựa vào ai. Đến nay, già Huyên đã trải qua hơn 60 mùa rẫy mà vẫn sống dựa vào nghề “may áo” cho chiêng.

Già Huyên giờ được xem là “của hiếm” của Tây Nguyên

Tiếng tăm “may áo” đẹp cho chiêng của già Huyên đã vươn xa khỏi khu làng, nhiều người từ Camphuchia, Kon Tum hay Đăk Lăk… cũng tìm đến nhờ già. Do khắp các vùng lân cận, chỉ mỗi già Huyên biết “may áo” cho chiêng nên người đặt rất nhiều. Dù đã trên 60 tuổi nhưng già phải dậy từ 5 giờ sáng để “may áo” cho chiêng. Nhưng cố gắng lắm mỗi ngày, già Huyên chỉ may được một cái áo. Tùy theo từng bộ chiêng mà già lấy tiền cũng khác nhau. Một bộ áo chiêng có giá từ 1,3 triệu đến 1,7 triệu tùy theo kích thước, và số lượng chiêng.

“Trước đây, lúc nhỏ mình lên rừng lấy tre về “đan áo” cho chiêng. Tuy nhiên, áo may bằng tre có nhược điểm không để được lâu dài, hay mối mọt. Sau này, mình chuyển qua dùng cây mây trên rừng làm nguyên liệu. Rồi rừng cũng thưa dần, việc lấy cây mây khó khăn còn ảnh hưởng đến thiên nhiên nên mình không dùng nữa. Sau nhiều ngày suy nghĩ, mình đã tìm ra nguyên liệu vừa đẹp, vừa bền đó là dây nhựa”, già Huyên nói.

Giữ gìn báu vật của cộng đồng

Ngỏ ý muốn được dẫn đi xem các bộ chiêng quý được “mặc áo” do già Huyên may, già lắc đầu: “Các anh người lạ phải có già làng Rơ Chăm Day dẫn đi, họ mới cho xem. Chứ ở đây chiêng bị dòm ngó dữ lắm! Trước kia, ngày nào cũng có người lái xe ô tô đến Ia O hỏi mua chiêng. Không mua được, họ nảy sinh ý định xấu”.

Những “chiếc áo” già Huyên may góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng

Đến nhà, già làng Rơ Chăm Day vui vẻ nhận lời, dẫn chúng tôi ghé qua nhà ông Ksor Cân để chiêm ngưỡng bộ chiêng quý. Có già làng đi theo, ông Cân tin tưởng đưa bộ chiêng quý của gia đình cho khách xem. Ông Cân cẩn thận đỡ từng bộ chiêng xuống. Những bộ chiêng được bao bọc cẩn thận trong một “bộ áo” bằng mây đan, có lót vải và xếp ngay ngắn trên một chiếc kệ gỗ sát tường. Ông Cân chia sẻ, người đồng bào nơi đây không phải lúc nào cũng đem chiêng ra, chỉ đem khi có lễ lớn của gia đình và làng. Còn phần lớn chiêng được bọc trong “áo” do già Huyên may rồi đem cất cẩn thận như một kho báu.

Theo chân già làng và già Ksor Huyên chúng tôi đến nhà bà Ksor Ýut và thuyết phục mãi, bà mới chịu mở khóa kho thóc, đồng thời “khuyến mãi” thêm chiếc đèn pin để vào lục tìm chiêng. Bà Ýut cho biết, 2 bộ chiêng của gia đình (khoảng 26 chiếc) đều của ông bà để lại, còn có từ lúc nào thì bà không nhớ nổi. Những năm trước giải phóng, bộ chiêng được làng định giá 30 con trâu, còn giờ thì vô giá. Từ ngày chồng bà mất đến giờ đã hơn chục năm, những chiếc chiêng cũng yên vị trong kho vì các con gái của bà không ai biết đánh.

“Khi chồng tôi còn sống, ông ấy quý những bộ chiêng này lắm. Sợ bị rơi vỡ, ông ấy nhờ già Huyên may cho 2 bộ áo để bảo quản. Hồi đó nghèo lắm, gia đình chẳng có gì trả công cho già Huyên. Cũng may có 2 bộ áo do già Huyên may mà chiêng vẫn được giữ nguyên vẹn đến ngày nay”, bà Ýut nói.

Tiếp lời, già làng Rơ Chăm Day cho biết, ở cái xã này có thiếu ăn, thiếu mặc nhưng không thể thiếu chiêng. Chiêng được truyền từ đời này qua đời khác, có khi họ còn mua thêm về bổ sung bộ sưu tập. Có những gia đình thiếu ăn, nhưng có người ở nơi khác đến trả 100 con bò mà nhất quyết không bán. Ngay như già Ksor Huyên cũng là người yêu chiêng. Nhà nào trong xã không có tiền, già Huyên cũng sẵn sàng “may áo” chiêng miễn phí.

Sau khi dẫn chúng tôi đi xem những bộ chiêng quý, già Huyên trăn trở: “Giờ tìm khắp, mà không có ai biết “may áo” cho chiêng hết. Tôi đang tìm học trò để truyền lại nghề mà không có ai học, ngay cả 7 đứa con của mình cũng không đi theo nghề này. Mình giờ cũng đã mắt mờ, tay yếu nhưng vẫn phải cặm cụi làm 1 mình. Giờ chỉ trông có người chịu học để truyền nghề”.

Những bộ chiêng quý được đem đi biểu diễn tại các lễ hội

Với đa số bà con dân tộc thiểu số ở Bắc Tây Nguyên, cồng chiêng không thể thiếu vắng trong mọi nghi lễ, từ mừng lúa mới, cầu sức khỏe, cầu mùa màng, đón một sinh linh gia nhập cộng đồng cho đến khi kết thúc một kiếp người. Vì thế, khi có được những bộ chiêng quý, họ gìn giữ cẩn thận, truyền từ đời này sang đời khác như báu vật.

Theo kết quả kiểm kê cồng chiêng năm 2020, H. Ia Grai hiện còn lưu giữ 765 bộ chiêng. Riêng xã Ia O chiếm gần một nữa số chiêng của huyện với 344 bộ chiêng, trong đó có nhiều bộ chiêng quý. Nhiều gia đình trong xã lưu giữ từ 4 đến 5 bộ chiêng - đây được xem là xã sở hữu nhiều chiêng quý nhất Tây Nguyên.

Chí Dũng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/may-ao-cho-chieng_107465.html