Người mất 245 tỷ đồng xem xét kiện Eximbank vì 'phát ngôn thiếu tôn trọng'

Bà Bình cho biết sẽ gửi văn bản yêu cầu Eximbank xin lỗi về cách phát ngôn có hàm ý thiếu tôn trọng và xét đến khả năng khởi kiện nếu cần thiết.

Và Bình và các luật sư hỗ trợ pháp lý gặp gỡ báo chí mới đây. Ảnh: Lệ Chi.

Thông qua luật sư đại diện là bà Đinh Ánh Tuyết –Văn phòng luật sư IDVN, bà Chu Thị Bình cho biết rất thất vọng về phát ngôn mới đây của đại diện Eximbank trong vụ việc mình mất 245 tỷ đồng tại nhà băng này. Bởi theo bà Bình, thông tin mà phía Eximbank đưa ra trên báo chí là không đúng, suy diễn chủ quan, một chiều và thể hiện sự thiếu tôn trọng với khách hàng.

Theo đó, ông Ngô Thanh Tùng, Luật sư trưởng, Thành viên HĐQT đại diện Eximbank chia sẻ trên báo chí mới đây cho rằng "có sự tiếp sức và thông đồng" để tạo điều kiện cho Hưng (ông Lê Nguyên Hưng - nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh TP HCM) rút tiền. Ông này dẫn chiếu đến việc chữ ký của bà Bình trong một số văn bản ủy quyền, rút tiền được giám định là chữ ký thật.

Bà Bình nói rằng đại diện nhà băng đã "cố tình lờ đi 2 thông tin hết sức quan trọng". Một là thông tin về chữ ký của người được ủy quyền - bà Lê - là chữ ký giả. Và một nội dung quan trọng nữa là hai bên chưa bao giờ đến Eximbank làm thủ tục ủy quyền.

Theo bà Bình, rõ ràng, lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát tại Chi nhánh Eximbank TP HCM đã tạo điều kiện cho ông Hưng thao túng toàn bộ hoạt động ủy quyền, rút được tiền từ Eximbank để chiếm đoạt mà không có sổ tiết kiệm, chứng từ gốc từ khách hàng trong một thời gian dài (từ trước năm 2014 đến tháng 3/2017) mà không bị phát hiện.

Bà Lê được Cơ quan điều tra triệu tập làm việc, đã khẳng định rõ chưa từng quen biết, chưa từng gặp gỡ hay có mặt tại Eximbank để ký các giấy tờ này. Các chữ ký của nhân viên ngân hàng, chữ viết trên giấy tờ ủy quyền, rút tiền cho thấy rõ việc rút tiền nói trên đã được thực hiện với sự tham gia (lập chứng từ), chấp thuận, phê duyệt của các nhân viên khác (ngoài Lê Nguyên Hưng) làm nhiệm vụ kiểm soát, lập chứng từ của Eximbank Chi nhánh TP HCM. Chữ viết trên giấy ủy quyền do chính nhân viên của Eximbank thể hiện, việc ủy quyền cho 25 thẻ tiết kiệm trên cùng một giấy ủy quyền mà nhân viên lập giấy ủy quyền, nhân viên kiểm soát không hề gặp các bên...

Như vậy, theo quy định của pháp luật và chính Quy chế của Eximbank quy định về thủ tục ủy quyền thì các giấy ủy quyền nói trên là giả, không có giá trị. Hơn nữa, trong vụ việc này, còn có rất nhiều chứng từ rút tiền mà chữ ký của bà Bình và người gửi tiền đều được giám định là là giả nhưng Hưng vẫn sử dụng được để rút tiền từ Eximbank.

Mặt khác, bà Bình bức xúc khi ông Ngô Thanh Tùng cho rằng "số tiền thực sự khách hàng Chu Thị Bình thiệt hại bao nhiêu, tự mình đã rút ra bao nhiêu chứng từ thể hiện rất rõ dòng tiền. Số tiền bà Bình đã rút, bút toán trên sổ tiết kiệm có sai, nhưng số tiền thực chuyển trả vào tài khoản của bà Chu Thị Bình là có thật”.

"Chúng tôi cũng đặt dấu hỏi về việc liệu ông Tùng có nhầm lẫn hay cố ý đánh lạc hướng dư luận khi nói như vậy", bà Bình nói. Bởi trong Công văn số 18, C44 đã thông báo Quyết định khởi tố vụ án số 07 ngày 4/12/2017, trong đó xác định “Eximbank là người bị hại, bà Chu Thị Bình là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Các chứng từ rút tiền, chuyển tiền cho thấy dòng tiền bị Lê Nguyên Hưng rút từ Eximbank thông qua việc sử dụng giấy tờ giả mà Hưng sử dụng để chiếm đoạt trong nhiều năm, chảy vào tài khoản bà Lê và các đối tượng khác (hạch toán vào các thẻ tiết kiệm của bà Bình nhưng bà hoàn toàn không nhận được tiền).

Tiền trả vào tài khoản bà Bình là tiền thanh toán cho các thẻ tiết kiệm khi đến hạn (mặc dù trước đó ông Hưng đã sử dụng chứng từ giả để hạch toán các khoản tiền bị rút vào các thẻ tiết kiệm này), nhưng lại bị ông Hưng chỉ đạo nhân viên Eximbank hạch toán thành tiền rút từ các thẻ tiết kiệm chưa đến hạn mà bà Bình đang nắm giữ bản gốc.

Bà Bình cũng cho rằng, ông Ngô Thanh Tùng tuyên bố ngân hàng này luôn tôn trọng bảo mật thông tin khách hàng, không muốn đưa những vấn đề có lợi cho mình, bất lợi cho khách hàng ra để dư luận đánh giá là không thật lòng.

Bà dẫn chứng, trước Tết Nguyên đán, tại cuộc họp với bà, Chủ tịch và Tổng giám đốc Eximbank đã đề nghị bà cho ngân hàng thêm thời gian để tổ chức họp Hội đồng quản trị bất thường vào ngay sau kỳ nghỉ Tết (ngày mùng 7 Tết) và Eximbank hứa sẽ có văn bản trả lời bà ngay sau đó.

Thế nhưng, thay vì thông báo và trao đổi trực tiếp với bà về quyết định của ngân hàng, đại diện Eximbank đã công bố thông tin về vụ việc trên báo chí trước khi gửi văn bản trả lời bà. Mặt khác, ông Quyết và bà Tâm chỉ công bố việc chữ ký của bà Bình trên một số giấy tờ ủy quyền, rút tiền được giám định là thật nhưng lại cố tình lờ đi 2 thông tin hết sức quan trọng là chữ ký của người được ủy quyền - bà Lê là chữ ký giả và bà Bình với bà Lê chưa bao giờ đến ngân hàng này làm thủ tục ủy quyền.

Từ những vấn đề trên, phía bà Bình cho biết sẽ gửi văn bản yêu cầu Eximbank và cá nhân có liên quan chính thức xin lỗi bà về cách phát ngôn có hàm ý thiếu tôn trọng nói trên và sẽ xét đến khả năng khởi kiện nếu cần thiết.

Trao đổi với VnExpress, luật sư đại diện cho bà Bình cho biết, đến nay Eximbank vẫn chưa có động thái giải quyết nào mới liên quan đến số tiền bà Bình bị mất 245 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 2/2, cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ công an (C44B) cũng có văn bản trả lời đơn của bà Bình rằng, cơ quan này đã có công văn gửi cho Eximbank xác định Eximbank chi nhánh TP HCM là bị hại trong vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo đó, ông Lê Nguyên Hưng - nguyên Phó giám đốc chi nhánh này đã lập chứng từ giả mạo liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà để chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng. Theo đó, C44 thông báo để bà biết và liên hệ với Eximbank chi nhánh TP HCM yêu cầu giải quyết.

Theo VnExpress

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/nguoi-mat-245-ty-dong-xem-xet-kien-eximbank-vi-phat-ngon-thieu-ton-trong-3440112.html