Người mang án tử 43 năm vừa được giải oan: Chờ bồi thường trong cảnh già, yếu, bệnh tật (Kỳ 2)

Kể từ khi được minh oan tội giết người đến nay đã gần 1 năm nhưng ông Trần Văn Thêm 82 tuổi - người phải mang thân phận tử tù 43 năm vẫn chưa nhận được tiền bồi thường của cơ quan tố tụng, trong khi sức khỏe của ông ngày càng yếu.

Công khai xin lỗi

Gần một năm sau ngày được minh oan, sức khỏe của ông Trần Văn Thêm (82 tuổi, ngụ thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) - người phải mang thân phận tử tù 43 năm yếu đi trông thấy. Ông Thêm vừa được gia đình đưa về nhà sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và hiện đang đến sống cùng con trai út vì không thể tự chăm sóc bản thân.

Chị Nguyễn Thị Ninh, con dâu của ông Thêm cho biết, sau khi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cho biết, ông Thêm bị men gan cao, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao, sức khỏe càng ngày càng yếu.

“Sức khỏe của bố tôi nửa năm trở lại đây yếu đi trông thấy, cụ hầu như không đi ra ngoài được mà chỉ ở trong nhà. Nửa tháng trở lại đây, cụ đi lại phải có người dìu hoặc phải chống gậy đi”, chị Ninh đau xót.

Mỗi lần đi lại, ông Thêm phải có người dìu

“Chân tôi sưng to, đi lại khó khăn lắm. Tay cũng chẳng còn sức nữa”, ông Thêm cũng chỉ biết sức khỏe của mình yếu đi còn cụ thể bị bệnh gì thì ông cũng không rõ.

Ông Thêm phải nhờ con cháu bón cho ăn do tay đã run

Cách đây gần 1 năm, vào sáng 11.8.2016, tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Tòa án Nhân dân cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao đã tổ chức buổi công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm – người mang án oan suốt 43 năm về tội giết người, cướp của.

Anh Trần Văn Sáu, con trai út của ông Thêm cho biết: “Kể từ đó đến nay gia đình tôi đã rất nhiều lần gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai nhưng đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan tố tụng rằng được bồi thường bao nhiêu và đến bao giờ mới nhận được tiền bồi thường.”

Về phần mình, ông Thêm chỉ mong sớm nhận được tiền bồi thường để trả ơn những người đã bỏ công sức đi kêu oan giúp mình. “Tôi chỉ mong nhà nước giải quyết nhanh tiền đền bù cho tôi để còn cảm ơn những người đã giúp đỡ mình, chứ cứ thế này mãi đến lúc tôi mất rồi thì con cháu tôi biết ai mà trả ơn”, ông Thêm nói.

Yêu cầu bồi thường 15 tỉ, tòa chỉ đưa ra mức 6,7 tỉ

Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Công ty luật Hòa Lợi, người đại diện theo ủy quyền của ông Thêm, ngày 11.8.2016 sau khi ông Thêm được công khai xin lỗi và được thông báo về việc được đền bù oan sai thì ông Hòa đã làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm và gửi đến các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, từ 11.8.2016, sau nhiều buổi làm việc, đến mãi 17.4.2017, mới có buổi thỏa thuận giữa gia đình và TAND Cấp cao. Tại buổi thương lượng, mức bồi thường được đưa ra là 6,7 tỉ đồng. Trước đó, gia đình ông Thêm đã yêu cầu mức bồi thường là 15 tỉ đồng.

Cũng theo LS Hòa, sau khi kí kết xong thỏa thuận đền bù, theo quy định của pháp luật thì TAND Cấp cao phải trình lên Vụ oan sai của TAND Tối cao để thẩm định. TAND Cấp cao là đơn vị thực hiện việc chi trả đền bù oan sai nhưng phải dựa trên cơ sở được Tòa án tối cao quyết định phê chuẩn. Hiện tại, kết quả thương lượng mức bồi thường đã được chuyển sang Vụ 1 - TAND Tối cao để thẩm định. “Quá trình thẩm định này đến đâu thì hiện nay tôi cũng không nắm bắt được”, LS Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Được biết, LS Nguyễn Văn Hòa đã làm việc với bên Vụ Oan sai thì đại diện đơn vị này cho biết TAND Tối cao đang có yêu cầu các bên thương lượng lại mức bồi thường oan sai. “Nếu như không chấp nhận mức bồi thường này, tôi sẽ bàn luận lại với ông Trần Văn Thêm và quyết định khởi kiện”, LS Hòa thông tin.

Theo hồ sơ vụ án, đêm 23-7-1970, ông Thêm và người em họ là Nguyễn Khắc Văn đi xe đạp thồ từ huyện Yên Phụ (Bắc Ninh) đến huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Khi cả hai ghé vào ngủ tại một lều cắt tóc cạnh Cầu Diện (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú cũ) thì bị cướp tấn công. Hai anh em chống cự, đánh lại khiến tên cướp lao xuống sông tẩu thoát.

Khi dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến thấy trên tay ông Thêm cầm chiếc cọc thồ dính máu. Ông Văn chết trên đường đi cấp cứu. Dù bị cướp đánh gây vết thương nặng trên đầu nhưng ông Thêm vẫn bị cáo buộc giết em họ để cướp của.

Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Trần Văn Thêm tử hình về hai tội Giết người và Cướp tài sản. Bất chấp việc tại phiên tòa, ông Thêm kêu oan và trình bày ông cũng là nạn nhân như những gì đã diễn ra. Một năm sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông và y án tử hình.

Cuối năm 1975, ông Thêm được giám thị trại giam Đức Phú gọi ra khỏi phòng biệt giam để đi thực nghiệm hiện trường. Khi ra đến hiện trường, ông mới biết là có nghi phạm khác bị bắt và khai nhận hành vi giết chết ông Văn cũng như đánh ông bị thương.

Được trả tự do sau hơn 5 năm 6 tháng 7 ngày ngồi tù oan nhưng ông Thêm vẫn phải mang thân phận bị can, đến ngày 8.8.2016 mới được Bộ Công an ký quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Còn nữa

Phạm Dung - Nguyễn Hà - Ngô Phong

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/nguoi-mang-an-tu-43-nam-vua-duoc-giai-oan-cho-boi-thuong-trong-canh-gia-yeu-benh-tat-ky-2-689465.bld