Người 'mặc áo' cho vỏ sò

Dưới bàn tay tài hoa của người họa sĩ, những chiếc vỏ sò đơn sơ được khoác lên mình tấm áo muôn màu rực rỡ của thiên nhiên, con người, văn hóa, phong tục mọi miền của biển cả…

Độc đáo tranh vỏ sò

Ý tưởng được ấp ủ từ 8 năm về trước, nhưng vì nhiều lý do mà họa sĩ La Như Long (48 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP HCM) chưa thể thực hiện được niềm đam mê với sinh vật biển cả.

Thời còn là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TP HCM, La Như Long rất hay về với biển. Từng tiếng sóng vỗ bên bờ cát trắng, những làng chài nhộn nhịp mùa đánh bắt, cá tôm, sò ốc của biển cả luôn hớp hồn anh chàng họa sĩ trẻ. La Như Long găm trong ký ức của mình tất cả những gì thấy, nghe, chứng kiến và từ đó ấp ủ dự định một ngày không xa sẽ “mặc áo” cho các loài sinh vật này.

Tranh vỏ sò là niềm đam mê cũng như ước mơ cháy bỏng của họa sĩ Lê Như Long.

Tranh vỏ sò là niềm đam mê cũng như ước mơ cháy bỏng của họa sĩ Lê Như Long.

Sò ốc sau khi sử dụng vỏ sẽ bị vứt đi. La Như Long nhận ra, bản chất của các loại vỏ này sẽ phát triển cố định, sau hàng trăm năm vẫn giữ nguyên được hình dáng, kích cỡ, hoa văn. Nếu mô hình “trang điểm” cho vỏ sò thành công sẽ tạo công ăn việc làm cho ngư dân các vùng biển. Đặc biệt là trẻ em vùng biển, chúng hoàn toàn có thể kiếm thu nhập bằng việc đi nhặt vỏ sò, vỏ ốc. Việc thu gom vỏ sò, ốc ở các bãi biển hoặc bãi rác góp phần bảo vệ môi trường, hòa hợp với thiên nhiên.

Ý tưởng của La Như Long không dừng lại ở đó, ông còn mong muốn đưa hình thái mỹ thuật này quảng bá cho các địa phương có du lịch biển. Mỗi vùng miền đều có đặc thù địa lý, văn hóa, lối sống khác nên mỗi tác phẩm sò ốc cũng phải mang dáng dấp đặc trưng của nơi đó.

Những ngày về Phan Rang (Ninh Thuận), La Như Long bị bãi biển xanh thăm thẳm choáng lấy tâm hồn. Cũng là sò, ốc đấy, nhưng dưới con mắt của La Như Long thì những sản vật này có nét riêng không giống bất kỳ nơi nào.

Những bức tranh trên vỏ sò ở đây, La Như Long sẽ “mặc” cho nó chiếc áo thổ cẩm của người dân tộc Chăm. Chiếc khác lại mang dáng hình của một Tháp Chàm cổ kính, sừng sững giữa nắng gió và cả vô vàn hình hài, họa tiết của gốm sứ Phan Rang.

Ngoài ra, xứ sở xương rồng còn là vùng đất của những đàn cừu trắng toát giữa mênh mông đồi cát. Cuộc sống thong dong, bình lặng của dân du mục chăn cừu cũng được họa sĩ đưa vào tranh vỏ sò. Theo họa sĩ La Như Long, đó không hẳn là sáng tạo, chính xác là sự khác biệt và đa dạng văn hóa của Việt Nam.

Để có được một bức tranh hoàn hảo về nội dung và bố cục trên vỏ sò, đòi hỏi người họa sĩ phải có bàn tay khéo léo và tinh tế.

Những vật thể mang linh hồn văn hóa

La Như Long muốn thổi hồn văn hóa, giá trị truyền thống lâu đời trên mảnh đất này vào mỗi bức tranh vỏ sò. Dân làng biển là người hiểu rõ nhất ý nghĩa của mỗi bức tranh vỏ sò, bởi họ sinh ra và lớn lên ở đây, họ gắn máu thịt của mình với biển cả. Khi mang những tác phẩm này về địa phương, họ cảm nhận tốt nhất.

Để vẽ được tranh vỏ sò phong phú về nội dung, đặc thù về thổ nhưỡng, La Như Long phải là người có vốn kiến thức văn hóa vùng miền rất tốt. Muốn có điều đó, ngoài sách vở, ông đã đi rất nhiều nơi. Mỗi làng biển, ông đắm mình vào đó, hòa cùng cuộc sống của người dân, thấu cảm với niềm vui nỗi buồn của họ.

Niềm đam mê lớn dần lên, đến một ngày không thể chờ đợi được nữa, nó đã bùng nổ. La Như Long quyết định từ bỏ công việc, thu nhập và tất cả những lợi ích vật chất đang có để thực hiện ước mơ.

Ông từng có hơn 10 năm là nhà thiết kế quảng cáo, làm họa sĩ tạo mẫu cho Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC và là giảng viên hướng dẫn tốt nghiệp cho Khoa Mỹ thuật Công nghiệp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Rất nhiều người bảo ông khùng, đi làm cái việc chẳng giống ai, ông chỉ cười, buông câu trả lời mênh mang: “Chỉ cần tôi thích là được”.

Bộ dây chuyền tranh vỏ sò độc đáo.

Năm 2019, ông bắt đầu vẽ tranh vỏ sò. Trong vòng 8 tháng, ông và các cộng sự của mình đã thực hiện được hơn 1.000 bức tranh trên vỏ sò, vỏ ốc. Đó là các sản phẩm trang sức như mặt dây chuyền, hoa tai, lắc tay, tất cả đều làm từ vỏ sò và vỏ ốc với nhiều hoa văn, họa tiết, chất liệu vẽ độc đáo.

Nguyên liệu là thứ mà người ta vứt vào sọt rác, họ đi lượm về làm vệ sinh thật sạch, khử mùi hôi tanh. Có được những chiếc vỏ sạch đẹp trên tay, nhóm bắt đầu tìm kiếm, chọn lọc chủ đề phù hợp để tạo nên những chiếc mặt dây vỏ sò.

Muốn vẽ một bức tranh lên vỏ sò, việc đầu tiên là phác thảo bố cục, định hình vị trí, kết cấu của vỏ sò, vỏ ốc trên lắc tay, hoa tai sau đó tiến hành thiết kế trên giấy. “Vỏ sò có diện tích rất nhỏ nhưng lại đòi hỏi phải có một bức tranh mang đầy đủ bố cục, rõ ràng về nội dung, ý tưởng để bất cứ ai nhìn vào đó đều hiểu và cảm nhận được. Đây là việc làm không hề dễ”, họa sĩ La Như Long bộc bạch.

Hầu hết các món đồ trang sức đều được ông vẽ bằng màu của sơn mài và sơn acrylic cao cấp nhằm tạo ra những sản phẩm đẹp mắt cũng như đảm bảo chất lượng dù có va chạm, tiếp xúc nước trong quá trình sử dụng.

Biển Phan Thiết (Bình Thuận) những ngày của 10 năm trước rất đẹp và thơ mộng. Có những chỗ nước màu đỏ và con sò cũng màu đỏ. Những hình ảnh tuyệt vời đó, La Như Long ghi nhớ thật sâu vào trong trí nhớ. Để hôm nay, ông vẽ những bức tranh vỏ sò màu đỏ đẹp như tranh thủy mặc. Ông cho biết: “Do quá trình phát triển, sự thay đổi của dòng thủy lưu và một số nguyên nhân khác nên biển Phan Thiết bây giờ không giống với ngày xưa, rất khó để tìm ra một chú sò, ốc có màu đỏ”.

Nếu như Phan Thiết có sò đỏ kỳ diệu và độc đáo thì Phú Quốc được mệnh danh là thiên đường của sản vật biển. Một vài lần ghé Phú Quốc, La Như Long đắm đuối với bãi biển xanh ngắt, bờ cát trắng ngần như dải yếm đào thắt đáy lưng ong thiếu nữ, những hòn đảo nhỏ trập trùng bóng thuyền của người ngư phủ bủa lưới dưới ánh hoàng hôn vàng rực phía chân biển. Ông đã thể hiện vẻ đẹp tuyệt tác của tự nhiên, cuộc sống hoang sơ của con người nơi biển trời Tây Nam lên tranh vỏ sò.

Vỏ ốc cũng là một tác phẩm hội họa được nhóm của họa sĩ Long dày công thiết kế và sáng tạo.

Bức tranh văn hóa vùng miền gói gọn trong chiếc vỏ sò bé nhỏ và có thể mang đi khắp nơi. Nó hoàn toàn khác với các tác phẩm nghệ thuật treo cố định trên một vị trí nào đó. Họa sĩ La Như Long có thể vẽ bằng kỹ thuật 3D kết hợp với sơn mài vừa làm tăng độ bền của vỏ sò vừa thể hiện được chất liệu truyền thống của hội họa Việt Nam.

Tranh vỏ sò của mình, họa sĩ La Như Long còn sử dụng tre trúc làm cuống giây, giá đỡ để bức tranh thêm nhuốm màu thiên nhiên. “Vỏ sò đơn giản, bình dị và có lẽ đẹp và độc đáo nhất là khi kết hợp với tà áo dài duyên dáng”, họa sĩ La Như Long cho biết.

Bộ sưu tập “Nữ thần biển” của họa sĩ La Như Long vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập “Sản phẩm trang sức chế tác thủ công từ vỏ sò và vỏ ốc có số lượng lớn nhất Việt Nam”.

Ngọc Hoa

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/nguoi-mac-ao-cho-vo-so-597757/