Người lưu giữ những giá trị truyền thống đầy tự hào

Cuộc sống có thể thay đổi theo thời gian, nhưng đối với những người từng trải qua khói lửa chiến tranh vẫn luôn đau đáu tìm về những hoài niệm xưa cũ. Đó là tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, là khoảng thời gian sát cánh bên nhau của những người cùng tham gia hoạt động cách mạng trong thời kỳ khó khăn, ác liệt nhất...

NƠI LƯU GIỮ KỶ NIỆM MỘT THỜI KHÁNG CHIẾN

Cứ mỗi dịp thu về, thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang sống trong những ngày lịch sử của dân tộc, bác sĩ (BS) Nguyễn Huy Diễm, cựu tù Côn Đảo, sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) những người kháng chiến TPHCM - Long An, lại tạm nghỉ công việc tại phòng mạch của mình ở TPHCM, về Long An lau chùi những tấm ảnh được lồng kính trang trọng của những người anh, người đồng chí, đồng đội cùng chiến đấu năm xưa.

Căn nhà gần 300m2 trên thửa đất rộng xứ miệt vườn của vợ chồng ông ở số 164 Hương lộ 19 (đường ĐT 380) thuộc ấp 1, xã Long An, huyện Cần Giuộc không biết từ lúc nào đã trở thành địa chỉ quen thuộc với xóm giềng và những người bạn kháng chiến cũ tìm đến giao lưu, ôn lại kỷ niệm.

Bác sĩ Nguyễn Huy Diễm

Bác sĩ Nguyễn Huy Diễm

Việc BS Diễm biến căn nhà của hai vợ chồng trở thành nơi trưng bày hình ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn... đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Bên cạnh sự tán đồng cũng có những ý kiến khác nhau, nhưng với riêng người cựu tù Côn Đảo này, những việc làm của ông lại mang tầm giá trị khác, vượt khỏi những ranh giới vật chất, danh vọng, tiếng tăm, thuộc về niềm tự hào mang sức mạnh của riêng bản thân ông mà chẳng ai có thể lay chuyển được.

Ông Diễm bày tỏ: "Tôi là cựu tù Côn Đảo, đã sống với đồng chí, đồng đội trong những ngày gian nan lửa khói, miếng ăn còn được nhường, sự nguy hiểm được đồng đội chở che thì những của cải vật chất bây giờ chỉ là sự tầm thường, nay còn mai mất, chẳng đáng để nói. Điều tôi muốn làm chính là cùng với những người đang sinh hoạt tại CLB kháng chiến cũ khu vực Cần Giuộc - Long An lưu giữ những giá trị cốt lõi nhất, đó là tình đồng chí, đồng đội trong một thời đạn bom chiến tranh đã giúp chúng ta có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay, điều đó rất đáng trân quý, kiên định và sẽ không bao giờ thay đổi.

Vợ chồng tôi không có con cháu, người thân cũng không, nhưng nghề nghiệp của hai vợ chồng là bác sĩ bảo sinh, những mầm non bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời từ bàn tay tôi mỗi ngày đều là tương lai của chúng ta, tôi sống và luôn hướng đến điều đó”.

MONG ƯỚC CUỐI ĐỜI CỦA NGƯỜI CỰU TÙ CÔN ĐẢO

Trở lại căn nhà được xem như "bảo tàng truyền thống" của cuộc đời, những bức chân dung các bậc tiền nhân trong kháng chiến được vợ chồng ông cẩn trọng giữ gìn, không gì có thể thay thế được. Đã vào tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng ông vẫn miệt mài làm việc và mỗi tuần dành thời gian 2-3 lần từ TPHCM về Cần Giuộc, để dọn dẹp chu toàn nơi này.

Căn nhà bác sĩ Diễm trở thành nơi sinh hoạt của những người kháng chiến

"Khi hai vợ chồng về cõi vĩnh hằng với đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, tôi vẫn muốn giữ lại khu này như một "địa chỉ đỏ” để thế hệ con cháu biết về một thời đấu tranh hào hùng của thế hệ cha ông và tôi quyết tâm làm điều đó bằng tất cả khả năng lẫn thời gian còn lại của mình", BS Diễm tâm sự.

Kể về những người bạn kháng chiến cũ, Tiến sĩ Hồ Hữu Nhựt - Chủ nhiệm CLB kháng chiến cũ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Trưởng ban Khoa học lịch sử, Ban Khoa học Xã hội - Thành ủy TPHCM, nhớ lại: "Tôi cùng BS Huỳnh Tấn Mẫm - cựu Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn và BS Nguyễn Huy Diễm - cựu Chủ tịch sinh viên Đoàn Y khoa Trường Đại học Sài Gòn - tham gia CLB những người kháng chiến từ ngày đầu thành lập (tháng 9-1986).

Căn nhà lưu niệm phong trào nhân sĩ và sinh viên học sinh yêu nước miền Nam Việt Nam trước 1975 này, đã lưu giữ những giá trị truyền thống của một thời đấu tranh oanh liệt. Đây là nhà riêng của anh Diễm, nhưng cũng là địa chỉ quen thuộc để ôn lại truyền thống kháng chiến của các thành viên CLB. Qua tấm lòng của vợ chồng BS Diễm, chúng tôi rất mong nơi này sẽ trở thành điểm sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.

Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9 năm nay, BS Diễm về quê thường xuyên hơn, tất cả công việc nơi phòng khám đều do vợ ông là bà Võ Thị Ngọc Diễm quán xuyến. Những tấm hình, di bút của Bác Hồ do ông sưu tầm, sao chép lại được lau chùi cẩn thận, treo vào nơi trang trọng nhất của căn nhà để cùng những người kháng chiến cũ đón một ngày Tết độc lập của dân tộc đầy ý nghĩa.

Khi chia tay, vị bác sĩ già dáng người nhỏ nhắn nhưng rất hoạt bát nở nụ cười hồn hậu mời chúng tôi Quốc khánh lần sau ghé lại. Nếu còn sức khỏe, ông sẽ kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện trong cuộc đời hoạt động cách mạng, những người bạn, đồng chí, đồng đội của mình. Nụ cười ấy ẩn chứa niềm lạc quan mãnh liệt của một con người luôn lưu giữ những giá trị truyền thống làm lẽ sống của đời mình.

Lê Bình

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/nguoi-luu-giu-nhung-gia-tri-truyen-thong-day-tu-hao_98997.html