Người lớn tuổi ăn nhiều mít có nguy cơ tắc ruột

Mặc dù là thực phẩm giàu chất xơ và hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe nhưng các bác sĩ khuyến cáo, mít không thích hợp để người có nhu động ruột kém, đặc biệt là người lớn tuổi ăn nhiều, vì nguy cơ tắc ruột.

Ê kíp phẫu thuật đang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân T.

Ê kíp phẫu thuật đang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân T.

Bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân cho biết tại khoa đã tiếp nhận một số trường hợp người bệnh hợp nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó chịu, đau bụng quằn quại, bụng trướng to vì tắc ruột do ăn quá nhiều mít. Người bệnh là ông H.D.T (63 tuổi). Khi các bác sĩ khai thác bệnh sử về vấn đề ăn uống, sinh hoạt gần đây, ông cho biết vài ngày đổ lại ông ăn nhiều mít, cả mít tươi lẫn mít sấy. Mít tới mùa chín vừa thơm vừa ngọt nên ông cứ đi ra đi vào lại ăn vài miếng. Ban đầu, ông nghĩ mình bị đầy bụng thông thường nên có mua thuốc về tự uống nhưng tình trạng càng lúc càng tệ hơn, ông được người nhà đưa đi cấp cứu lúc nửa đêm.

Người lớn tuổi có nhu động ruột kém không nên ăn nhiều mít

Tại Bệnh viện Bình Dân, ông T. được chỉ định chụp X-quang. Qua hình ảnh X-quang bác sĩ phát hiện một đoạn ruột non của ông phình to, có nhiều hơi. CT scan ghi nhận hình ảnh khối thức ăn bị tắc trong ruột. Nhận thấy tình trạng nguy hiểm, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cấp cứu cho ông T. Lúc này, bác sĩ phải mổ mở ổ bụng, tiếp cận vùng tắc, dùng tay bóp nhỏ bã thức ăn đã đóng cứng trong ruột và tống đẩy khối bã thức ăn xuống theo đường tự nhiên, giải phóng vùng bị tắc. Đoạn tắc ruột do bã thức ăn của ông đóng đặc lại cỡ trái cam, trọng lượng chừng hơn 200 gram chặn lưu thông bình thường của đường tiêu hóa.

Đáng lưu ý, bệnh nhân này từng phẫu thuật cắt ½ dạ dày để điều trị ung thư dạ dày 3 năm trước. Do đó, khả năng co bóp, nghiền nát thức ăn của dạ dày không hiệu quả, khi ăn nhiều thực phẩm có chất xơ như mít đã tạo gánh nặng lên hệ tiêu hóa. Kết quả là bã thức ăn bị đẩy xuống ruột non gây ứ đọng và bị nén chặt cứng dẫn tới tắc ruột.

Theo bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, tắc ruột nếu không được phát hiện và để lâu quá 24 tiếng đồng hồ, nạn nhân có thể bị vỡ ruột, hoại tử mô ruột, vùng nhiễm trùng lan rộng ra các bộ phận khác, gây ra sốc nhiễm trùng, nhiễm độc diễn tiến nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ khuyến cáo người dân chỉ nên ăn chừng 4-5 múi mít một ngày. Đối với người lớn tuổi, người từng có phẫu thuật vùng bụng, người có nhu động ruột kém thì thỉnh thoảng có thể ăn một hai múi để tránh nguy cơ tắc ruột.

Cần cắt nhỏ rau nhiều chất xơ

Bổ sung chất xơ không hòa tan vào khẩu phần ăn hằng ngày luôn được các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo như một cách để hỗ trợ đường tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều chất xơ không hòa tan một lúc, như trường hợp ăn mít kể trên, có thể dẫn tới tắc ruột. Do đó, cần chú ý khi chuẩn bị thực phẩm cho người cao tuổi. Cụ thể, khi sơ chế rau, củ cần loại bỏ những phần rau già, nhiều xơ, cắt nhỏ các loại rau, quả, củ nhiều chất xơ như rau muống, măng tre… để người lớn tuổi dễ tiêu hóa. Người lớn tuổi đã rụng nhiều răng, ăn nhai khó khăn mà lại ăn rau nhiều xơ, dai, cứng như rau muống, măng tre… là nguy cơ tắc ruột cao.

Gia đình cần chú ý, nếu người lớn tuổi trong nhà đột nhiên có biểu hiện đau bụng, hơi chướng bụng 3-5 ngày không thấy đi tiêu mặc dù không ăn đồ ăn gì lạ thì nên đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu của tắc ruột chứ không phải là táo bón đơn thuần.

Ở người trẻ, ít có nguy cơ tắc ruột do khả năng co bóp, nghiền nát thức ăn của dạ dày và tống đẩy bã thức ăn của ruột còn tốt. Nhưng những người từng phẫu thuật vùng ổ bụng cần chú ý vì trong bụng có thể đã hình thành các tổ chức xơ dính, khiến ruột tăng nguy cơ bị xoắn, tắc ruột. Người bị viêm ruột, có khối u đè vào ruột cũng có nguy cơ bị tắc ruột.

TRẦN NHUNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202106/nguoi-lon-tuoi-an-nhieu-mit-co-nguy-co-tac-ruot-927855/